(BGĐT) - Sau gần 4 năm thực hiện, mô hình trồng thử nghiệm một số giống bơ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang của Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ) bước đầu mang lại hiệu quả, khả năng nhân rộng cao.
Năm 2019, gia đình bà Nguyễn Thị Vĩnh, thôn Quý Thịnh, xã Quý Sơn (Lục Ngạn) trồng thử nghiệm 900 cây bơ trên diện tích 3 ha. Cùng với hỗ trợ 80% cây giống, 50% phân bón, bà Vĩnh được chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đến nay, sau 3 năm trồng, cây bơ bắt đầu cho lượt quả đầu tiên, bình quân 15-20 quả/cây, mỗi quả nặng khoảng 0,5-0,7 kg.
 |
Ông Lục Văn Thắng (đội mũ) giới thiệu với đoàn công tác Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng về hiệu quả mô hình. |
Theo bà Vĩnh, thời gian đầu, bà cũng băn khoăn vì chưa biết hiệu quả nhưng giờ đã có thể yên tâm hơn vì thấy được tiềm năng, triển vọng kinh tế mà cây bơ mang lại. Với ưu điểm lớn nhanh, ít sâu bệnh, quả bơ chín cho thịt quả dày, vàng tươi, vị thơm và béo ngậy, sản phẩm của gia đình được khách hàng đánh giá cao.
Cũng như bà Vĩnh, 6 hộ dân thôn Đồng Bưa, xã Cẩm Đàn (Sơn Động) đã trồng thử nghiệm 600 cây bơ trên diện tích hơn 2 ha. Vừa dẫn khách thăm vườn bơ trĩu quả, ông Lục Văn Thắng, thôn Đồng Bưa vừa hồ hởi: “Năm ngoái, dù mới bói nhưng 4 cây bơ đã cho thu hoạch 30 kg quả, tiểu thương tới tận vườn đặt mua với giá 25 nghìn đồng/kg. Năm nay, tất cả các cây bơ đã cho quả, ước đạt 10-15 kg quả/cây với giống Mộc Châu và 30-50 kg quả/cây với giống Cuba”.
Được biết thực hiện mô hình, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng đã tiến hành trồng thử nghiệm thuần và xen canh 2 dòng, giống bơ là MC17 (Mộc Châu, Sơn La) và Choquete (Cuba) với quy mô 7 ha tại 3 huyện Sơn Động, Lục Ngạn và Yên Thế. Mô hình thực hiện trong thời gian 36 tháng (từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2022) với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng.
Không chỉ hỗ trợ 80 -100% cây giống, 50-60% phân bón, kỹ thuật trồng và chăm sóc cho 15 hộ dân, Viện còn hỗ trợ một số thiết bị hệ thống tưới để xây dựng 3 ha tưới chủ động; tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật cho 150 người; đào tạo 15 người thành thạo kỹ thuật ghép, cải tạo cây bơ trồng bằng hạt, ghép tán...
Theo ông Lê Tất Khương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học, Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng, khả năng sinh trưởng và phát triển cây bơ ở Bắc Giang rất tốt. So với các loại cây khác, cây bơ dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, mỗi năm chỉ cần phun thuốc bảo vệ thực vật từ 1-2 lần, thời gian thu hoạch dài nên trong quá trình trồng bơ, người dân có thể trồng xen kẽ bí, ngô... để lấy ngắn nuôi dài.
Thành công của dự án sẽ là bước khởi đầu trong việc giới thiệu, mở rộng vùng sản xuất bơ, đưa cây bơ vào cơ cấu cây trồng của tỉnh, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa.
Bài, ảnh: Lương Hoài
Vườn bơ trĩu quả ở Lục Nam(BGĐT) - Đây là vườn bơ rộng hơn 2 ha của gia đình anh Dương Văn Dẫu, thôn Bảo Lộc 1, xã Bảo Sơn (Lục Nam). Từng có thời gian làm việc ở tỉnh Đắk Lắk - địa phương trồng nhiều bơ, anh Dẫu biết được giá trị kinh tế từ loại cây trồng này nên mang giống bơ về trồng tại quê mình.
Triển vọng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn(BGĐT) - Đầu năm 2022, Hội Làm vườn tỉnh Bắc Giang triển khai mô hình “Trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô AH1”, với quy mô 24 ha tại huyện Sơn Động. Mô hình hứa hẹn cho hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần chống xói mòn đất, bảo vệ môi trường.
Tiếp sức cho các mô hình nông nghiệp công nghệ cao(BGĐT) - Do nhu cầu sử dụng nông sản sạch của người dân ngày càng tăng, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất trong nhà màng và chăn nuôi với công nghệ hiện đại. Đây là tín hiệu tích cực để lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC) phát triển bền vững.
Bắc Giang nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh(BGĐT) - Với lợi thế về chất lượng, sản phẩm được bán giá cao, thân thiện với môi trường, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đã, đang trở thành xu thế tất yếu, được nông dân trong tỉnh Bắc Giang lựa chọn. Đồng hành cùng người dân, ngành Nông nghiệp tích cực phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ thực hiện các mô hình, góp phần lan tỏa trong cộng đồng.