Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cách nào chặn tin "rác"?

Cập nhật: 10:18 ngày 17/10/2014
Tin nhắn "rác" lâu nay vẫn luôn là vấn nạn đối với những người dùng điện thoại di động (ĐTDĐ). Tuy nhiên, mặc cố gắng của cơ quan chức năng, cũng như bức xúc của người bị tin nhắn "rác" làm phiền, thậm chí lừa đảo, vấn nạn này vẫn ngày càng bùng phát dữ dội. Nhà mạng có thật sự quyết tâm chặn tin "rác" không, khi thực tế nó đang mang lại nguồn thu "khổng lồ" cho họ?
{keywords}
Ảnh minh họa.

Dễ làm, lợi nhuận "khủng"

Đang sốt ruột chờ tin nhắn trả lời từ đối tác làm ăn, anh Phạm Xuân Thành, chủ thuê bao 094658xxxx bực tức khi tin nhắn đến dồn dập, nhưng toàn tin "rác". Anh bức xúc: Chưa đầy một giờ đồng hồ mà có đến bốn, năm tin quảng cáo đủ thứ "tạp pí lù" mà mình chẳng bao giờ thèm quan tâm. 

Chị Nguyễn Hà Phương, chủ thuê bao 098345xxxx phản ánh: Tôi sử dụng số đẹp, dễ nhớ, hằng ngày phải nhận không dưới 10 tin "rác". Thậm chí, có tin "rác" còn gửi đến giữa đêm khuya, làm xáo trộn sinh hoạt. Nhiều lúc muốn đổi số cho yên, nhưng ngại mất liên hệ với bạn bè, người thân, vả lại tôi cũng thấy chưa chắc tình hình đã cải thiện, vì bây giờ số điện thoại nào cũng bị "dội bom" tin.

Thời gian gần đây, người sử dụng ĐTDĐ liên tục phản ánh về tình trạng tin nhắn "rác" đang có chiều hướng gia tăng.

Nội dung tin "rác" cũng đa dạng và phong phú hơn, từ tin nhắn mời chào bói toán, lô đề, quảng cáo đến cả lừa đảo,...

Mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) liên tục đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế, ngăn chặn, nhưng tin "rác" vẫn "sống khỏe". Nguyên nhân tạo nên "sức sống" mãnh liệt đó chính là nguồn lợi "khủng" mà nó mang lại.

Nguyễn Văn Phong, một "chuyên gia" phát tán tin "rác", tính toán: Nạp 100 nghìn đồng vào sim "rác" trong thời gian khuyến mại, tài khoản có 200 nghìn đồng, cho phép nhắn tin tới khoảng 800 thuê bao lựa chọn trước. Với đủ loại nội dung quảng cáo, lừa đảo theo kiểu "Em gửi tặng một món quà đặc biệt, nhớ nghe lời nhắn rồi gọi vào số 19002195 trả lời em nhé. Em Th", hoặc tương tự, chỉ cần 15/800 người mắc lừa, nhắn tin trả lời (giá cước 15 nghìn đồng/tin) là đã hòa vốn. 

Kể cả làm ăn "chân chính", như tổ chức một dịch vụ dự đoán kết quả bóng đá, chỉ cần 5.000 người tham gia, đơn vị tổ chức đã thu được 75 triệu đồng. Cắt "hoa hồng" lại cho nhà mạng với tỷ lệ 50 - 50, mua một chiếc iPhone với giá khoảng 15 triệu đồng làm phần thưởng, đơn vị tổ chức vẫn "dôi ra" khoảng 20 triệu đồng đút túi. "Mua một phần mềm đơn giản, với một máy tính, một USB kết nối 3G và vài chiếc sim "rác", có thể tha hồ "dội bom" vào các thuê bao điện thoại theo danh sách có sẵn" -anh Phong "bật mí". 

Anh Tuấn, nhân viên một công ty quảng cáo cũng cho biết: Quảng cáo qua tin nhắn vừa rẻ lại hiệu quả. Để gửi thông tin cần thiết cho 100 nghìn khách hàng, DN chỉ cần chi phí từ 20 đến 30 triệu đồng, thông tin chắc chắn sẽ đến thẳng khách hàng. Còn đơn vị phụ trách "rải thảm" tin nhắn cũng kiếm được khoản lời ít nhất 50 đồng/tin.

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, sở dĩ tin "rác" chưa được ngăn chặn triệt để chính là vì các nhà mạng được hưởng lợi nhiều nhất từ tin nhắn "rác" và các dịch vụ liên quan. Theo một thống kê không chính thức, tin "rác" chiếm khoảng 50% doanh thu từ tin nhắn, tương đương 15% tổng doanh thu của các nhà mạng. 

Nói theo cách khác, nếu chỉ 30% (trên tổng số khoảng 130 triệu thuê bao di động) mỗi ngày nhận được một tin "rác", nhân với 250-300 đồng/tin, doanh thu nhà mạng đã đạt khoảng 10 tỷ đồng/ngày, con số thực tế có khả năng còn cao hơn nhiều, chưa kể còn cộng thêm các nguồn thu lớn từ "hoa hồng" của dịch vụ giá trị gia tăng. Vì vậy, không khó hiểu khi các nhà mạng đều tuyên bố sẽ quyết liệt tham gia "dẹp" nạn tin "rác", nhưng lúc hành động toàn "đánh trống bỏ dùi".

Lợi ích của nhà mạng hay khách hàng?

Tin nhắn "rác" không chỉ gây bức xúc, mà còn có thể gây thiệt hại to lớn về kinh tế cho người sử dụng ĐTDĐ.

Theo Thanh tra Bộ TTTT, các dạng tin nhắn lừa đảo gần đây xuất hiện ngày càng nhiều, đồng thời cũng tinh vi và đa dạng hơn trước. Số lượng tin nhắn "rác" có nội dung lừa đảo, dụ dỗ người dùng gọi điện tới tổng đài 1900 với cước phí cao do Trung tâm ứng cứu sự cố máy tính Việt Nam (VnCert) thống kê trong sáu tháng năm nay gia tăng tới hơn 34,5 triệu. Trong đó, thường có dạng quảng cáo dịch vụ miễn phí cho thời gian đầu sử dụng, khiến người đăng ký lơ là mất cảnh giác; đến khi bị trừ hết tiền trong tài khoản mới té ngửa vì hóa ra mình vẫn đang phải trả tiền... theo ngày cho một lần sử dụng dịch vụ duy nhất. 

Nghiêm trọng hơn, gần đây còn xuất hiện các tin nhắn với nội dung "nóng" và bắt mắt, nếu tò mò, kết nối vào đường dẫn kèm theo, điện thoại sẽ lập tức bị dính "mã độc". Các "mã độc" này sẽ tự động gửi kết nối đến một hay nhiều đầu số dịch vụ, và tất nhiên số tiền trong tài khoản sẽ "không cánh mà bay". Việc phát hiện và xử lý dạng hành vi lừa đảo này tương đối đơn giản, cơ quan quản lý chỉ cần dò theo đầu số tổng đài cung cấp dịch vụ là có ngay thông tin về DN sai phạm. Nhưng với các hành vi lừa đảo giữa cá nhân với cá nhân, thí dụ như phát tán tin nhắn "rác" giả làm người quen để nhờ nạp tiền,...cơ quan quản lý sẽ khó khăn hơn nhiều trong việc truy tìm và xử phạt.

Cục trưởng An toàn Thông tin (Bộ TTTT) Nguyễn Thanh Hải cho rằng: Tuy đã có quy định rõ ràng, nhưng các nhà mạng dường như vẫn làm ngơ trong việc thực hiện bắt buộc đăng ký đầy đủ thông tin cá nhân đối với thuê bao di động trả trước. Nếu quản lý thuê bao di động trả trước được các nhà mạng thực hiện nghiêm túc, sẽ giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng phát tán bừa bãi tin "rác" như hiện nay. Quan trọng là các nhà mạng sẽ quyết tâm đến mức nào, lựa chọn quyền lợi của khách hàng hay chỉ quan tâm đến lợi ích của chính bản thân mình. 

Bên cạnh đó, nhà mạng buông lỏng quản lý, để người sử dụng bất kỳ có thể dễ dàng sở hữu hàng loạt sim điện thoại được kích hoạt trước mà không cần đăng ký thông tin cá nhân đang tạo ra "mảnh đất màu mỡ" để tin "rác" hoành hành. Nhiều chuyên gia nhận định, các đối tượng muốn quảng cáo hay lừa đảo,... đều phải phát tán càng nhiều tin "rác" càng tốt. Đối với nhà mạng, việc xây dựng một hàng rào kỹ thuật, ngăn chặn nhắn tin với tần suất hay số lượng lớn trong thời gian nhất định không khó, vấn đề là có làm hay không. 

Thời gian gần đây, Bộ TTTT đã triển khai nhiều biện pháp nhằm hạn chế tin nhắn "rác", xử lý nhiều đơn vị vi phạm, có vụ xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng. Bộ cũng đang triển khai xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định số 77/2012/NĐ-CP, nhằm hạn chế số lượng tin nhắn một thuê bao được phép gửi đi trong một ngày cũng như tần suất gửi tin nhắn.

Những quy định mới trong Thông tư sẽ là "cây gậy" góp phần tích cực trong việc hạn chế, tiến tới xóa bỏ tin "rác". Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là đến bao giờ các nhà mạng mới chịu hy sinh nguồn lợi "khủng" từ tin "rác", để quan tâm hơn đến quyền lợi của "thượng đế", chung tay với các cơ quan chức năng tham gia "dẹp loạn" tin "rác"? Câu trả lời là không bao giờ, chỉ khi cơ quan quản lý ban hành các biện pháp, chính sách ngăn chặn một cách hiệu quả, việc quản lý thuê bao trả trước thực hiện triệt để, đúng quy định, mới mong "ép" các nhà mạng vào đúng khuôn khổ, "dẹp" nạn tin nhắn "rác" một cách triệt để.

Theo ND


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...