Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nhiều sáng kiến hữu ích từ nông dân

Cập nhật: 11:53 ngày 17/01/2017
(BGĐT) - Tuy không qua đào tạo ở các trường chuyên nghiệp nhưng với sự năng động, sáng tạo, nhiều nông dân trong tỉnh Bắc Giang đã có sáng kiến được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
{keywords}

Máy bơm nước  cải tiến từ động cơ xe máy của anh Nguyễn Văn Quang ở xã Mỹ Thái (Lạng Giang).

Sáng tạo từ công việc

Là hộ trồng na lâu năm nhưng mỗi khi vào vụ, anh Nguyễn Xuân Thủy, xã Huyền Sơn (Lục Nam) và nhiều bà con trong xã lại nơm nớp lo na bị sâu bệnh, năng suất thấp bởi quá trình ra hoa, kết trái của cây phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Với quyết tâm để cây trồng ra quả theo ý muốn, anh Thủy tham quan học hỏi nhiều nơi và thử nghiệm trên khu vườn của gia đình. Theo kỹ thuật mới, thời điểm sau Tết Nguyên đán gần một tháng, anh cắt cành, sử dụng phân bón lá đúng quy trình, chủ động thụ phấn khi hoa hé nở... Từ phương pháp này, quả na to hơn, cây không bị nấm mốc, người trồng chủ động rải vụ thu hoạch. 4 năm nay, hầu hết nông dân các vùng trồng na của huyện Lục Nam áp dụng kỹ thuật này, giá trị kinh tế cao gần gấp 5 lần so với phương pháp cũ. 

Tận dụng động cơ xe máy cũ mua thanh lý, năm 2012, anh Nguyễn Văn Quang, nông dân kiêm nghề sửa chữa xe máy ở thôn Cò, xã Mỹ Thái (Lạng Giang) đã cải tiến thành công máy bơm nước. Máy bơm sau khi được cải tiến gọn nhẹ, dễ mang vác; tiêu hao nhiên liệu chỉ bằng 50% so với máy bơm nhập ngoại. Từ năm 2014 đến nay, anh Quang đã bán gần 400 chiếc máy bơm cho nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh. 

Trên đây chỉ là hai trong hàng chục nông dân tiêu biểu của tỉnh có sáng kiến khoa học, kỹ thuật hữu ích được áp dụng hiệu quả trong thực tiễn. Tuy là những nông dân bình dị, "một nắng, hai sương", không được đào tạo ở các trường chuyên nghiệp nhưng không ít người đã trở thành "nhà khoa học", "kỹ sư" giỏi. Những năm gần đây, tại một số hội thi, cuộc thi cấp tỉnh như: "Sáng tạo kỹ thuật", "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông" đã có hàng chục giải pháp kỹ thuật của các tác giả là nông dân được vinh danh. 

Tạo sức lan tỏa

Ông Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Liên hiệp Các hội KH&KT tỉnh đánh giá: Các sáng kiến đoạt giải của nông dân đã đáp ứng đầy đủ tiêu chí: Tính mới, có khả năng áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả kinh tế cao... 

Không ít giải pháp kỹ thuật đã làm thay đổi tư duy sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt của nông dân, được cơ quan chuyên môn các cấp đánh giá cao. Đáng chú ý, nhiều giải pháp không chỉ áp dụng đối với thôn, xã đó mà còn lan tỏa ra nhiều địa phương, thể hiện tư duy sáng tạo khoa học, kỹ thuật ở trình độ cao như: Chuồng úm gà cải tiến của ông Trần Quang Đạo, thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế); sáng kiến của anh Trần Văn Hành, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) áp dụng thành công biện pháp kỹ thuật cho vải thiều ra hoa, đậu quả trên thân; máy xé bông làm nấm cải tiến từ máy tuốt lúa của ông Đỗ Vinh Thúy, xã Tân Hưng (Lạng Giang)...

Có thể thấy, sức sáng tạo, sự say mê tìm tòi các sáng kiến khoa học, kỹ thuật của nông dân rất đáng trân trọng. Để ngày càng có những giải pháp mới, lạ, có giá trị rất cần sự quan tâm của chính quyền, ngành liên quan. Ông Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các cấp, ngành liên quan tiếp tục tuyên truyền, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí đối với các sáng kiến có khả năng ứng dụng cao và nhân rộng; đề cao vai trò trợ giúp, hướng dẫn của đội ngũ cán bộ khuyến nông ở cơ sở để nông dân tích cực tham gia. Đồng thời, giới thiệu những giải pháp hữu ích trên các phương tiện thông tin đại chúng để thu hút nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhằm nâng cao giá trị các sáng kiến.

Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...