Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đưa nông sản sạch đến bàn ăn

Cập nhật: 09:46 ngày 15/02/2017
(BGĐT) - Thời gian gần đây, một số tổ chức, cá nhân trong tỉnh  Bắc Giang đã năng động xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông sản an toàn. Cách làm này không những làm lợi cho người trồng trọt, chăn nuôi mà còn giúp nhiều gia đình có bữa ăn bảo đảm sức khỏe.
{keywords}

Vùng trồng rau thủy canh của Công ty TNHH một thành viên Thiên An tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và Kỹ thuật.

Vào giờ tan tầm, quầy bán nông sản an toàn của Công ty TNHH một thành viên Thiên An, đường Đào Sư Tích (TP Bắc Giang) có khá nhiều khách đến lựa chọn, mua thực phẩm. Trao đổi với chị Hoàng Thị Tâm, quản lý quầy hàng được biết: Xuất phát từ mô hình trồng rau thủy canh tại nhà để có những bữa ăn ngon, chị nảy sinh ý tưởng tự sản xuất và thành lập công ty chuyên cung cấp sản phẩm bảo đảm chất lượng đến người tiêu dùng. Giống, quy trình sản xuất đều sạch bệnh nên mới đi vào kinh doanh mặt hàng này được 5 tháng, bước đầu đơn vị đã tạo dựng được niềm tin của nhiều người nội trợ, doanh thu bán hàng đạt hơn chục triệu đồng/ngày. 

Bà Nguyễn Thị Lịch, đường Trần Nguyễn Hãn, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) cho biết: “Ngày nào tôi cũng đến đây mua rau. Sản phẩm tuy đắt hơn ngoài chợ nhưng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, luôn tươi, khi luộc nước trong, ăn có vị đậm, không bị vẩn đục nên rất yên tâm”. Nắm bắt nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều của người mua, doanh nghiệp đã liên kết với Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ khoa học và Kỹ thuật (Sở Khoa học và Công nghệ) sản xuất các loại rau, củ, quả bằng phương pháp thủy canh tại nhà lưới của Trung tâm với tổng diện tích hơn 1 nghìn m2. 

Cùng đó, Công ty thuê cán bộ có trình độ chuyên môn cùng thực hiện để có sản phẩm an toàn. Ngoài ra, đối với những mặt hàng như: Thịt lợn, nước mắm, nấm, bưởi, táo… đơn vị liên kết với cơ sở được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm để nhập hàng. “Thời gian tới, chúng tôi trồng thêm nhiều loại rau mới bằng phương pháp thủy canh để mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm phục vụ khách hàng”- chị Tâm cho biết thêm. 

{keywords}

Nhằm khuyến khích người dân sản xuất, tỉnh hỗ trợ từ 300 đến 500 triệu đồng/mô hình ứng dụng CNC (theo từng quy mô sản xuất); tạo điều kiện liên kết doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, quảng bá nông sản. 


Ông Nguyễn Anh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật

Cũng làm nghề kinh doanh thực phẩm an toàn nhiều năm nay, anh Phạm Văn Cảnh, phố Minh Khai, thị trấn Chũ (Lục Ngạn) đã thành lập Công ty THHH một thành viên Cảnh Phạm để mở rộng mối làm ăn. Nhiều năm, gia đình anh chỉ đi buôn hoa quả, rau nhỏ lẻ ra các chợ đầu mối trong, ngoài tỉnh bằng xe máy kiếm thêm thu nhập. Khi địa phương có các mô hình sản xuất VietGAP, an toàn sinh học ra đời, diện tích này còn nhỏ nên nguồn hàng khan hiếm. Anh nhạy bén mua từng ít một, thuê xe ra Hà Nội bán với giá cao thu lời. Đến nay có vốn, gia đình anh mở công ty tại nhà. Mặt hàng kinh doanh chủ yếu là hoa quả địa phương. Trong đó quả vải thiều được Công ty thu mua từ các nhà vườn được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và an toàn sinh học. Do sản phẩm bảo đảm chất lượng nên nhiều người đặt mua. Dịp chính vụ, mỗi ngày anh xuất hàng chục tấn quả đi Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. 

Ngoài các mô hình trên, một số nơi trong tỉnh, người dân năng động hợp tác với doanh nghiệp để sản xuất sản phẩm an toàn có đầu ra ổn định như: HTX rau sạch Tiến Dũng, Cảnh Thụy (Yên Dũng); rau an toàn phường Đa Mai (TP Bắc Giang); sản xuất rau an toàn tại Đoan Bái (Hiệp Hòa) cung cấp cho Công ty cổ phần May Hà Phong; Hợp tác xã An toàn thực phẩm thị trấn Thanh Sơn (Sơn Động) trồng rau bán cho Công ty TNHH một thành viên 45 và Nhà máy Nhiệt điện Sơn Động. Tuy nhiên, các mô hình sản xuất sạch có đầu ra ổn định như trên còn nhỏ so với quy mô sản xuất hàng chục nghìn ha rau, củ, quả mỗi năm của tỉnh. 

Theo ông Nguyễn Anh Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), sản xuất theo chuỗi nông sản là mục tiêu hướng đến của ngành. Do đó, để nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, Sở đang dồn lực cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC). 

Theo đó, xây dựng từ 2-3 mô hình ứng dụng CNC trong nông nghiệp ở mỗi huyện, TP và có sự tham gia của doanh nghiệp, HTX để lo đầu ra cho sản phẩm. Các mô hình có hạ tầng nhà lưới, nhà màn để ít phụ thuộc vào thời tiết, sản xuất trái vụ, thuận lợi sản xuất rau thủy canh. Đi đôi với biện pháp trên, Sở tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm nông sản của tỉnh khi tham gia các hội chợ, triển lãm; kết nối cho các đơn vị, địa phương với hệ thống siêu thị lớn trong tỉnh thu mua nông sản.

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...