Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thận trọng khi sử dụng máy nông cụ

Cập nhật: 08:40 ngày 15/03/2017
(BGĐT) - Đưa phương tiện cơ giới vào sản xuất nông nghiệp đã giải phóng sức lao động cho nhà nông. Vậy nhưng cách sử dụng máy nông cụ đa phần làm theo kinh nghiệm mà không qua đào tạo dẫn đến nhiều vụ tai nạn.

{keywords}

Người dân thôn Quất Du 2, xã Phúc Hòa (Tân Yên) vận hành máy làm đất.

Đầu năm nay, trong lúc vận hành máy làm đất cấy lúa xuân, ông Dương Văn Bình, thôn Nam Tiến, xã Song Mai (TP Bắc Giang) bị tai nạn. Ông kể, sau khi cày xong ruộng ở chân vàn thấp thì điều khiển máy đến ruộng cao hơn. Đi được nửa đường, máy gặp vật cản nên ông dừng lại đẩy rồi trượt chân, ngã xuống ruộng. Bánh lồng của máy chém vào mặt và đầu khiến ông ngất tại chỗ. Rất may có người làm đồng gần đó phát hiện sự việc đã đưa ông đi cấp cứu. Ông tâm sự: “Vì vết thương đó mà tôi phải nằm viện hơn một tháng song đến nay vẫn chưa ổn định. Giờ đây nhìn chiếc máy tôi hãi lắm, có khi phải bán đi”. 

Tương tự, anh Thân Văn Sinh, thôn Ba, xã Hương Lạc (Lạng Giang) thấy những gốc rạ mắc vào lưỡi máy phay đất đã cho tay vào gỡ. Do vội vàng, anh không tắt máy nên lưỡi dao xén mất hai đốt tay. Không chỉ trong làm đất, một số trường hợp còn bị tai nạn khi vận hành máy cắt cỏ, thái rau… 

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, chưa có số liệu thống kê đầy đủ về số vụ tai nạn xảy ra trong sử dụng máy nông cụ nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ cao. Nguyên nhân là do hầu hết nông dân chủ quan, bất cẩn, không có bảo hộ lao động. Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Bình thừa nhận, để xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc vừa qua ông cũng tự trách mình là không tìm hiểu cặn kẽ, tuân thủ đúng quy trình hướng dẫn mà chỉ hỏi qua vài người đã từng chạy máy cày rồi tự vận hành.

Sử dụng máy móc nông cụ vào sản xuất là cần thiết, góp phần giải phóng sức lao động cho nhà nông. Vì vậy, tỉnh luôn khuyến khích, hỗ trợ nông dân thông qua nhiều chương trình, dự án để trang bị. Tuy vậy, số lượng phương tiện cơ giới ngày càng tăng thì nguy cơ tai nạn cũng tăng theo. Do đó, để giảm tai nạn, cơ quan chức năng cần chú trọng trang bị kiến thức an toàn lao động cho nông dân. 

Được biết, năm 2017, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang dự kiến đào tạo nghề miễn phí cho hơn 2,5 nghìn lao động nông thôn. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 6 tỷ đồng. Tham gia lớp học, người dân được hỗ trợ một phần tiền ăn trưa, tài liệu học tập. Để lớp học thật sự hiệu quả, cần tổ chức bài bản, tăng thời lượng thực hành. Quá trình học tập có sự giám sát chặt chẽ, bảo đảm đúng mục tiêu; tránh tình trạng học viên chỉ đến “đánh trống ghi tên” hoặc trung tâm dạy nghề lập khống số lượng người đào tạo để báo cáo, chi sai ngân sách Nhà nước. 

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...