Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tưới nước cải tiến - Cây trồng khỏe, năng suất tăng

Cập nhật: 09:08 ngày 30/03/2017
(BGĐT) - Lâu nay, nói đến cây lúa thường gắn liền với nước. Nhờ những nghiên cứu tỉ mỉ của các nhà khoa học về cây lúa, đặc biệt là bộ rễ đã đưa ra phương pháp tưới nước phù hợp giúp cây sinh trưởng, phát triển thuận lợi, cho năng suất cao. Ngoài những kỹ thuật khác như: Giống, bón phân, mật độ cấy, số dảnh cấy, tuổi mạ…, kỹ thuật tưới nước rất quan trọng, đóng vai trò lớn trong hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI).

{keywords}
Ảnh minh họa.

Được sự giúp đỡ của Tiến sĩ Mishra Abha - Học viện Công nghệ châu Á (AIT), hai năm qua, nhóm kỹ sư của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang cùng nông dân các xã Đông Phú (Lục Nam), Tân Thịnh (Lạng Giang), Tân Hiệp (Yên Thế)… tiến hành các thực nghiệm đồng ruộng về sinh lý bộ rễ. Kết quả cho thấy hiệu quả rõ rệt của biện pháp tưới nước trong thâm canh lúa SRI. Kỹ thuật đó được tiến hành như sau: 

Giai đoạn lúa sau cấy (sau sạ) đến kết thúc đẻ nhánh: Đây là giai đoạn cây lúa phát triển thân lá nên bộ rễ phát triển rất mạnh. Do vậy để tạo điều kiện cho rễ lúa phát triển, ruộng phải cạn, thậm chí tháo nước phơi ruộng nứt nẻ giúp bộ rễ lúa thoáng, nhận được nhiều oxy, số lượng rễ lúa phát triển nhiều hơn, khỏe hơn (rễ lúa trắng) so với ruộng ngập. Bộ rễ phát triển mạnh sẽ hút được nhiều dinh dưỡng cung cấp cho cây, năng suất cao và hạn chế các đối tượng sâu bệnh gây hại.

Giai đoạn làm đòng đến trỗ: Giai đoạn này bộ rễ không phát triển và số lượng rễ mất đi nhanh hay chậm phụ thuộc vào yếu tố nước trong ruộng. Nếu giai đoạn này để ruộng khô hạn, rễ lúa càng nhanh mất đi. Bên cạnh hút dinh dưỡng và nước cung cấp cho cây, rễ lúa có vai trò rất quan trọng là chống đổ. Nếu cây lúa có bộ rễ khỏe thì khả năng chống đổ càng cao.

Từ những hiểu biết về sinh lý của bộ rễ như trên, việc tưới nước sẽ tiến hành như sau: Giai đoạn sau cấy (sạ) đến kết thúc đẻ nhánh tưới nước kết hợp với phơi ruộng có những thời điểm để ruộng nứt nẻ (giai đoạn lúa đang đẻ nhánh rộ). Giai đoạn từ khi lúa phân hóa đòng (đứng cái) đến trước thu hoạch 1 tuần giữ đủ nước trong ruộng hoặc có thể ruộng phải được đủ ẩm để cây phân hóa đòng, làm đòng - trỗ bông phơi màu và làm hạt được thuận lợi. 

Nếu lúc này ruộng hạn, thiếu nước, rễ lúa nhanh mất đi thì sự vận chuyển các chất về hạt sẽ bị ảnh hưởng. Giai đoạn này nếu thiếu nước cũng tạo điều kiện cho một số đối tượng sâu bệnh phát triển như: Tập đoàn rầy, bệnh khô vằn, đạo ôn, đen lép hạt …

Đỗ Thị Luyến

(Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...