Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Công bố chỉ số ICT Index VietNam 2016, Bắc Giang tăng 1 bậc: Tiếp tục phấn đấu nâng hạng

Cập nhật: 08:48 ngày 10/04/2017
(BGĐT) - Hội Tin học Việt Nam vừa công bố Báo cáo về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông Việt Nam 2016 (Vietnam ICT Index 2016). Bắc Giang đứng thứ 19/63 tỉnh, TP, tăng một bậc so với năm 2015.

{keywords}

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu. Ảnh: Linh Đồng.

Chỉ số Vietnam ICT Index 2016 được kết cấu theo hệ thống chỉ tiêu của Liên Hợp quốc gồm ba chỉ số thành phần chính là: Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực và ứng dụng CNTT. Bỏ chỉ số môi trường - chính sách và loại bỏ các chỉ tiêu không còn phù hợp; chỉ số sản xuất kinh doanh được tách riêng để đánh giá, cập nhật bổ sung các chỉ tiêu mới, trong đó dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp được ưu tiên đánh giá chi tiết, góp phần đẩy mạnh hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử thời gian tới.

Với Bắc Giang, chỉ số cao nhất năm 2016 là ứng dụng CNTT (đứng thứ 5/63 tỉnh, TP, tăng 15 bậc so với năm trước). Chỉ số này được đánh giá dựa trên hai chỉ số là ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước (CQNN) và dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, chỉ số ứng dụng CNTT trong các CQNN đứng thứ 9/63, chỉ số dịch vụ công trực tuyến đứng thứ 4/63 tỉnh, TP. 

Báo cáo Vietnam ICT Index 2016 là năm thứ 11 liên tiếp Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Tin học Việt Nam (VAIP) thực hiện. So với các năm trước, báo cáo 2016 có sự cải tiến mạnh mẽ về hệ thống chỉ tiêu và phương pháp tính nhằm bảo đảm bám sát định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông, đồng thời phù hợp với các chuẩn mực của Liên Hợp quốc.

Việc tăng chỉ số ứng dụng CNTT năm 2016 là do tỉnh tích cực chỉ đạo, triển khai ứng dụng CNTT trong các CQNN như: Triển khai hệ thống thư điện tử đến 100% cán bộ, công chức, viên chức; phần mềm một cửa điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc, phần mềm kế toán tài chính, ứng dụng chữ ký số… được triển khai đến 100% CQNN trên địa bàn tỉnh; việc sử dụng và gửi nhận văn bản điện tử đạt tỷ lệ cao; các ứng dụng phần mềm nguồn mở luôn được ưu tiên đưa vào sử dụng... 

Ngoài ra, năm 2016 Bắc Giang còn có sự đột biến về triển khai dịch vụ công trực tuyến (tăng từ 235 dịch vụ mức độ 3 năm 2015 lên 542 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 năm 2016, từ 38 dịch vụ mức độ 4 năm 2015 lên 57 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 năm 2016).

Về chỉ số hạ tầng nhân lực CNTT, Bắc Giang đứng thứ 30/63 tỉnh, TP. Chỉ số này được xây dựng trên hai chỉ số là hạ tầng nhân lực của xã hội và hạ tầng nhân lực của CQNN. Chỉ số hạ tầng nhân lực của xã hội được cấu thành trên các thông tin: Tỷ lệ người biết đọc, viết (99,9%), tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học đến trường (100%), tỷ lệ các trường học có dạy tin học (80,4%), tỷ lệ các trường đại học, cao đẳng đào tạo CNTT (60%), xếp hạng chung chỉ số hạ tầng nhân lực của xã hội Bắc Giang đứng thứ 28/63 tỉnh, TP. Chỉ số hạ tầng nhân lực CNTT của các CQNN được cấu thành trên các thông tin: Tỷ lệ cán bộ chuyên trách CNTT (5,8%), cán bộ chuyên trách CNTT có trình độ từ đại học trở lên (21,1%), cán bộ chuyên trách an toàn thông tin (0,7%); công chức, viên chức được tập huấn phần mềm nguồn mở (100%), công chức, viên chức được tập huấn an toàn thông tin (2,1%). 

Xếp hạng chung chỉ số hạ tầng nhân lực của các CQNN, Bắc Giang đứng thứ 28/63 tỉnh, TP. Như vậy, ở chỉ số này cho thấy tỉnh vẫn thiếu nhiều cán bộ chuyên trách CNTT; cán bộ chuyên trách CNTT có trình độ đại học trở lên còn quá ít, đặc biệt là chưa có đội ngũ cán bộ chuyên trách về an toàn thông tin (hiện cán bộ chuyên trách CNTT kiêm luôn cán bộ an toàn thông tin), tỷ lệ cán bộ công chức, viên chức được tập huấn về an toàn thông tin chưa nhiều.

Cuối cùng là chỉ số hạ tầng kỹ thuật, Bắc Giang đứng thứ 36/63 tỉnh, TP, tụt 4 bậc. Chỉ số này được cấu thành từ hạ tầng kỹ thuật của xã hội và hạ tầng kỹ thuật của các CQNN. Trong đó, chỉ số hạ tầng kỹ thuật của xã hội bao gồm các thông tin: Tỷ lệ điện thoại cố định/100 dân (2,36), điện thoại di động/100 dân (91,66), thuê bao Internet/100 dân (28,96), thuê bao băng rộng cố định/100 dân (4,17), thuê bao băng rộng không dây/100 dân (24,80), hộ gia đình có máy tính (13,2%), tỷ lệ hộ gia đình có Internet (11,4%), tỷ lệ doanh nghiệp có Internet (100%). 

Chỉ số hạ tầng kỹ thuật của các CQNN bao gồm các thông tin: Tỷ lệ máy tính/công chức, viên chức (0,96), tỷ lệ băng thông Internet/công chức, viên chức (157,8), tỷ lệ CQNN kết nối mạng WAN của tỉnh và mạng Chính phủ Net (12,5%), triển khai an toàn thông tin và an toàn dữ liệu (26,17). Nhìn chung các thông tin này không có thay đổi nhiều so với năm trước. Sự tụt hạng của chỉ số này là do năm 2016 một số tiêu chí đánh giá không phù hợp bị bỏ bớt đi như: Tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại cố định, tỷ lệ hộ gia đình có ti vi, tỷ lệ máy tính CQNN có kết nối Internet và thêm tỷ lệ thuê bao băng rộng không dây/100 dân.

Xét tổng thể, Bắc Giang vẫn là một trong những tỉnh thuộc top khá về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT. Tuy nhiên, ứng dụng CNTT luôn vận động và phát triển không ngừng, để theo kịp với mục tiêu của Đảng, Nhà nước và xây dựng thành công mô hình chính quyền điện tử tỉnh Bắc Giang, đồng thời tiếp tục duy trì, nâng hạng chỉ số VietNam ICT Index trong những năm tới vẫn cần nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cũng như sự chung sức của các cấp, ngành để tiếp tục phát huy những điểm mạnh, khắc phục tồn tại, hạn chế.

Trần Minh Chiêu 

(Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Giang)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...