Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định: Ít tác động tới khách hàng và doanh nghiệp viễn thông

Cập nhật: 07:00 ngày 16/04/2017
(BGĐT) - Theo Quyết định 2036/QÐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), từ ngày 15-4, mã vùng điện thoại cố định trên địa bàn Bắc Giang thay đổi. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bắc Giang đã phỏng vấn ông Nguyễn Gia Phong, Phó Giám đốc Sở TT&TT.
{keywords}

Ông Nguyễn Gia Phong,  Phó Giám đốc Sở TT&TT.

Thưa ông, vì sao phải thay đổi mã vùng điện thoại cố định? Ở Bắc Giang sẽ thực hiện chuyển đổi như thế nào?

Chúng ta thực hiện thay đổi mã vùng điện thoại cố định theo Quyết định số 2036/QĐ-BTTTT ngày 21-11-2016 của Bộ TT&TT, cùng với 58/63 tỉnh, TP trong cả nước, trừ tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang. Việc chuyển đổi này theo lộ trình gồm 3 giai đoạn. Trong đó Bắc Giang và 23 tỉnh, TP khác cùng thực hiện đợt này. Bắt đầu từ 0 giờ 00 phút ngày 15 tháng 4 năm 2017, mã vùng điện thoại cố định trên địa bàn Bắc Giang sẽ thay đổi từ đầu số 240 sang số 204. Có nghĩa là cách gọi cũ đến thuê bao điện thoại cố định là 0240 + số cố định, nay theo cách mới là 0204 + số cố định.

Thay đổi này nhằm bảo đảm cho kho số viễn thông được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của thị trường, công nghệ. Theo quy hoạch mới, các tỉnh, TP liền kề sẽ được gom chung vào một nhóm mã vùng, giúp người sử dụng thuận tiện, dễ dàng tra cứu. Cùng đó, việc chuyển đổi sẽ tạo điều kiện để chuyển mã mạng điện thoại di động cho các thuê bao di động 11 số hiện nay thành 10 số, góp phần hạn chế tình trạng tin nhắn rác, sim rác. 

Việc thay đổi đã diễn ra nhiều lần. Có ý kiến cho rằng việc này bất tiện, ảnh hưởng tới khách hàng sử dụng, doanh nghiệp (DN) viễn thông, tốn kém chi phí. Quan điểm của ông ra sao? 

Hiện nay, khách hàng sử dụng dịch vụ điện thoại cố định giảm mạnh và chuyển sang di động là chính. Vì thế kho số được sử dụng cho thuê bao cố định rất ít, chiếm chỉ khoảng 5%, còn lại khoảng 95% là thuê bao di động. 

Ở tỉnh Bắc Giang có gần 1,5 triệu thuê bao, trong đó điện thoại cố định hơn 33 nghìn thuê bao, còn lại là di động. Điều này cho thấy hiệu quả sử dụng kho số chưa cao, trong khi việc điều chỉnh quy hoạch kho số là bình thường và cần thiết, phù hợp với nhu cầu phát triển. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng thường điều chỉnh kho số sau khoảng 10 đến 15 năm nhằm sử dụng hiệu quả hơn và đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.

Theo thống kê từ các DN viễn thông do Bộ TT&TT thực hiện, tổng lưu lượng của các cuộc gọi đường dài từ máy cố định và các cuộc gọi từ di động vào máy cố định, kể cả cuộc gọi đường dài quốc tế vào máy cố định tại Việt Nam cũng chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng lưu lượng viễn thông Việt Nam. Như vậy, tác động của việc thay đổi này không lớn. 

Hiện nay phần lớn máy điện thoại cố định được sử dụng cho các cơ quan, tổ chức, DN nhưng không phải đơn vị nào cũng gọi đường dài. Trong một năm, số lượng cuộc gọi đường dài cũng hạn chế, chủ yếu người dùng gọi bằng di động hoặc các dịch vụ khác nên lưu lượng và doanh thu điện thoại cố định để dùng mã vùng rất ít. Khi thay đổi thì tất nhiên có ảnh hưởng tới khách hàng, DN nhưng rất nhỏ. 

{keywords}

Cán bộ Trung tâm Điều hành thông tin - Viễn thông Bắc Giang kiểm tra dịch vụ phục vụ chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định.

Thời điểm chuyển đổi đã đến, các DN viễn thông trên địa bàn có sự chuẩn bị ra sao? Với vai trò quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, Sở đã chỉ đạo thực hiện thế nào?

Sở TT&TT có văn bản đề nghị Báo Bắc Giang, yêu cầu Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Đài Truyền thanh, Truyền hình các huyện, TP thông tin, tuyên truyền về kế hoạch chuyển đổi. Sở chỉ đạo Viễn thông Bắc Giang, Viettel Bắc Giang xây dựng, triển khai các biện pháp kỹ thuật chuyển đổi mã vùng theo quy định.

Đến thời điểm trước giờ “G”, các DN viễn thông cũng như khách hàng đang sử dụng điện thoại cố định trên địa bàn đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi mã vùng điện thoại. 

Ông có đề nghị gì đối với các DN, lưu ý người dân để việc chuyển đổi, sử dụng đầu số mới diễn ra thuận lợi, tiết kiệm? 

Các DN viễn thông cần tăng cường giải pháp tuyên truyền để khách hàng nắm bắt thông tin chuyển đổi mã vùng điện thoại; áp dụng các biện pháp kỹ thuật như: Sử dụng song song mã vùng cũ và mã vùng mới trong vòng 30 ngày từ ngày 15 - 4 đến 15 - 5 năm 2017; phát âm thông báo từ ngày 15 - 5 đến 15 - 6 năm nay nhằm hạn chế tình trạng gián đoạn khi người dân thực hiện cuộc gọi. Khách hàng cần chủ động nắm bắt thông tin về chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định, có biện pháp điều chỉnh nhằm hạn chế ảnh hưởng tới liên lạc và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Khánh (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...