Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giáo sư Thân Đức Hiền: Kiên trì trên con đường khoa học

Cập nhật: 08:30 ngày 21/04/2017
(BGĐT) - Trong buổi gặp mặt các nhà khoa học quê Bắc Giang đang làm việc, sinh sống ở Hà Nội, có một người được các đại biểu dành cho những lời ngợi khen. Đó là Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Thân Đức Hiền, người vừa được trao Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ.
{keywords}

Giáo sư Thân Đức Hiền.

Kế thừa truyền thống hiếu học 

Trong gia phả của dòng tộc Giáo sư Thân Đức Hiền còn ghi rõ, cha của ông là cụ Thân Nhân Điện, hậu duệ nhiều đời của Tiến sĩ Thân Nhân Trung, danh sĩ thời Hậu Lê nổi tiếng với câu nói "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Sau hàng trăm năm vật đổi sao dời, “nhánh” của gia đình ông từ quê Việt Yên lên vùng đất Hiệp Hòa sinh sống. 

Giáo sư Thân Đức Hiền sinh năm 1939, trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Hoàng Thanh (Hiệp Hòa). Lớn lên giữa lúc đất nước có chiến tranh, loạn lạc, ông không thể quên những ngày tháng vất vả khi cha mẹ ông quần quật cấy lúa, trồng khoai để nuôi các con ăn học. Vì hoàn cảnh mà gia đình ông phải lĩnh canh ruộng, nộp tô ở đồn điền của người Pháp. Tuy khổ cực nhưng bố mẹ ông không để con cái thất học, đúng với truyền thống gia đình. 

Sớm nhận thức được chỉ có con đường học tập mới đưa gia đình, đất nước thoát khỏi cảnh lầm than, ông nỗ lực theo học dù khó khăn đến đâu. Thành quả đến với ông khi năm 1961, ông được cử đi du học nước ngoài khi đang học năm thứ nhất ở Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. 

Giáo sư Thân Đức Hiền vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Lao động hạng Nhì (2008); Huân chương Lao động hạng Ba (2002); Nhà giáo ưu tú (2008) và đặc biệt là Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và Công nghệ (2016) về cụm công trình "Nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng các vật liệu liên kim loại đất hiếm-kim loại chuyển tiếp".

Sang Liên Xô học tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva mang tên Lômônôxốp, ban đầu ông bỡ ngỡ vì vốn tiếng Nga chưa nhiều và khác biệt trong văn hóa, lối sống, khí hậu khắc nghiệt. Với sự chăm chỉ, siêng năng cùng quyết tâm học tập, chàng sinh viên Thân Đức Hiền đã sớm thích nghi và đạt thành tích đáng nể. Kỳ thi đầu tiên ông đạt kết quả tốt với nhiều điểm 5 (loại xuất sắc, theo thang điểm 1-5 của Liên Xô thời đó). 

Gần 6 năm theo học, ông  được vị giáo sư hướng dẫn luận án tốt nghiệp tiếp tục nhận dìu dắt theo chế độ nghiên cứu sinh. Sau 3 năm nghiên cứu tại Khoa Vật lý về chuyên ngành Vật lý Nhiệt độ thấp lĩnh vực vật liệu từ, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và trở về quê hương.

Nghiên cứu thiết thực về đất hiếm 

Từ năm 1970 đến 1993, Giáo sư Thân Đức Hiền giảng dạy tại Khoa Vật lý, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngoài giảng dạy, ông còn đảm nhận công tác quản lý như Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Khoa Vật lý, Trưởng Phòng Thí nghiệm Vật lý Nhiệt độ thấp… Miệt mài nghiên cứu  khoa học, năm 1991, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học tại Viện Hàn lâm khoa học Vácxava (Ba Lan).  

Từ năm 1993 đến khi nghỉ hưu (2002), ông được giao trọng trách làm công tác quản lý ở Bộ Giáo dục và Đào tạo với cương vị Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ. Sau đó được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho nhiệm vụ là Chủ nhiệm chương trình trọng điểm cấp nhà nước về “Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ vật liệu giai đoạn 2006-2010”.

{keywords}
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái tặng hoa chúc mừng Giáo sư Thân Đức Hiền (đứng giữa) và các nhà khoa học.

Trong hàng chục năm, Giáo sư Thân Đức Hiền và các đồng nghiệp nỗ lực xây dựng và đưa vào hoạt động có hiệu quả 2 cơ sở khoa học, đó là: Phòng thí nghiệm Vật lý Nhiệt độ thấp (Cryolab) Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu (ITIMS) thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. 

Đất hiếm là những nguyên tố quý, hiếm có trong lòng đất bao gồm 17 nguyên tố. Đất hiếm được sử dụng nhiều trong các ngành công nghệ cao như  thực phẩm, y tế, gốm sứ, máy tính, màn hình tivi màu, ô tô thân thiện với môi trường, nam châm, pin, xúc tác lọc hoá dầu, tên lửa, radar... Việt Nam là nước có tiềm năng về đất hiếm, dự báo đạt hơn 10 triệu tấn.

Giáo sư Thân Đức Hiền cho biết, một trong những nghiên cứu mà ông tâm đắc đó là công trình: "So sánh các tính chất từ của hệ (MM - Fe - B) và (Nd - Fe - B) - (MM là hỗn hợp các nguyên tố đất hiếm nhẹ do Việt Nam chế tạo) đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài. Đây là công trình có ý nghĩa thực tiễn cao thích ứng với các điều kiện ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu đã mở ra khả năng sử dụng hỗn hợp đất hiếm nhẹ để chế tạo các nam châm đất hiếm có tích năng lượng (BH) max cao với giá thành hạ. 

Các nguyên tố đất hiếm có nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực như công nghiệp điện tử, công nghệ luyện kim. Đó là các nguyên tố có giá trị khoa học và kinh tế cao. Việt Nam có nguồn tài nguyên phong phú về đất hiếm nhưng chưa được khai thác, tinh chế trên quy mô công nghiệp.

Cùng đó là nghiên cứu chế tạo thành công vật liệu siêu dẫn (dẫn điện không có điện trở) nhiệt độ cao ở Cryolab. Một phát minh có tính chất cách mạng về vật liệu trên thế giới là vào năm 1986, các nhà khoa học phát hiện ra chất siêu dẫn ở vùng nhiệt độ nitơ lỏng rẻ tiền (nhiệt độ sôi ở -1960C). Biết được thông tin này, nhóm nghiên cứu do Giáo sư Thân Đức Hiền hướng dẫn đã lập tức triển khai chế tạo thành công vật liệu siêu dẫn nhiệt độ cao trong thời gian chưa đầy một tuần với sự ngạc nhiên của các chuyên gia Hà Lan đang công tác tại phòng thí nghiệm.

Trong cuộc đời nghiên cứu khoa học, Giáo sư Thân Đức Hiền luôn tâm niệm: Một trong những phẩm chất tiên quyết của nhà khoa học là tính trung thực. Khi làm việc nhóm cần tập hợp đội ngũ, chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu của từng thành viên trong nhóm một cách công khai, dân chủ để phát huy tinh thần tự chủ sáng tạo của từng thành viên. Trong hợp tác quốc tế phải đưa lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu, hợp tác dựa trên sự công bằng, bình đẳng.  

Trước khi chia tay, ông chia sẻ với tôi những suy nghĩ, trăn trở mỗi khi nhắc đến quê hương Bắc Giang: “Sống và làm việc ở Hà Nội gần 50 năm, tôi vẫn thường xuyên về thăm quê nhà, thấy Bắc Giang có nhiều đổi thay, tôi vui vì đời sống bà con khấm khá hơn trước. Tuy nhiên so với các tỉnh bạn, Bắc Giang còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Bắc Giang có nhiều lợi thế về đất đai, sản xuất nông nghiệp phong phú, công nghiệp đang trên đà phát triển. Con người Bắc Giang có truyền thống hiếu học, bề dày văn hóa. 

Theo tôi, tỉnh nhà nên mở thêm nhiều lớp dạy nghề thiết thực, phù hợp cho từng vùng miền và có chất lượng tốt, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hiện nay tôi duy trì một quỹ khuyến học ở quê hương, qua đó khuyến khích học sinh, sinh viên chăm học và đạt được nhiều tiến bộ hơn. Chỉ bằng kiến thức mới có nội lực mạnh để phát triển như lời cụ Thân Nhân Trung đã khắc trên bia đá cách đây hơn 5 thế kỷ”.

Quốc Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...