Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bổ sung ảnh của chủ thuê bao điện thoại di động: Khó đâu, gỡ đó

Cập nhật: 11:07 ngày 10/07/2017
(BGĐT) - Theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông, người dân khi đăng ký thuê bao điện thoại di động phải chụp ảnh chân dung.  Đây là việc làm cần thiết song trong quá trình triển khai vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ.
{keywords}

Khách hàng đến làm thủ tục đăng ký thuê bao điện thoại di động tại cửa hàng Viettel TP Bắc Giang.

Chủ trương đúng

Ngày 24-4-2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2017/NĐ-CP, trong đó sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông. Theo đó, ngoài những thông tin hiện hành như chứng minh nhân dân, người dùng di động (kể cả trả trước hay trả sau) phải cung cấp ảnh chụp chân dung mới đủ điều kiện làm chủ sở hữu hợp pháp của một SIM số điện thoại. Với thuê bao đã kích hoạt trước ngày 24-4-2017, nhà mạng sẽ có 12 tháng để bổ sung thông tin theo quy định mới. Nhà mạng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin thuê bao di động.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong tổng số gần 120 triệu thuê bao di động trong cả nước hiện nay có tới hơn 80 triệu thuê bao di động thông tin là sai về tên, tuổi, ngày sinh, số chứng minh nhân dân, bản chụp chứng minh nhân dân giả. Thậm chí, nhiều chứng minh nhân dân của người này được gán cho số điện thoại của người khác.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là trong thời gian qua, vì lợi nhuận, doanh thu cùng với việc tổ chức thực thi pháp luật chưa nghiêm nên một số doanh nghiệp (DN) và đại lý phân phối SIM thẻ, điểm đăng ký thông tin thuê bao đã giả mạo thông tin thuê bao, thậm chí sử dụng công nghệ thông tin tạo ra chứng minh nhân dân giả gắn vào số thuê bao bán cho người khác để hòa mạng các SIM di động mà không cần có người thực đến đăng ký sử dụng dịch vụ.

Hiện tỉnh Bắc Giang có hơn 1,4 triệu thuê bao di động. Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho rằng: Trong bối cảnh dịch vụ viễn thông di động đang có ảnh hưởng sâu rộng tới xã hội thì việc lập ra cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ, đúng quy định là rất cần thiết. Cơ sở dữ liệu này sẽ phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền lợi mỗi người dân. Mặt khác, tránh tình trạng gọi điện, nhắn tin lừa đảo, đe dọa, quấy rối, phát tán thông tin độc hại...

Cùng chung quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước, nhiều người dân cũng đồng tình với chủ trương này. Ông Nguyễn Văn Thái, xóm Chùa, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) nói: "Chúng tôi rất bức xúc với nạn tin nhắn rác thời gian qua, nhiều tin có tính chất lừa đảo, là công cụ của bọn tội phạm. Vì thế, việc thắt chặt quản lý SIM thông qua cung cấp ảnh để xác định rõ danh tính của chủ nhân từng thuê bao di động là cần thiết".

Kiến nghị từ DN viễn thông

Cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo; đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.
Nguồn: Nghị định 49/2017/NĐ-CP

Tìm hiểu ở một số DN viễn thông trên địa bàn tỉnh, hầu hết các đơn vị đều ủng hộ chủ trương này để thuận tiện cho công tác quản lý. Ông Nguyễn Đình Lợi, Phó Giám đốc Kinh doanh Viettel Bắc Giang cho biết: Hiện DN có 1.080.000 thuê bao di động (chủ yếu là trả trước). Ngay sau khi Nghị định 49 có hiệu lực, đơn vị đã chỉ đạo các điểm giao dịch thực hiện việc kê khai thông tin và chụp ảnh chân dung theo quy định  đối với các thuê bao mới khi đến đăng ký. Các điểm giao dịch đã bố trí thiết bị chụp chân dung, nhìn chung khách hàng chấp hành quy định và không có phản ứng trái chiều.

Tuy nhiên, theo ông Lợi, khó khăn nhất hiện nay là lượng thuê bao của DN lớn, trong khi thời hạn chót để hoàn tất thủ tục là ngày 22-4-2018. Ở những địa bàn rộng, dân cư thưa, việc đề nghị khách hàng đến các điểm giao dịch trung tâm để làm thủ tục rất khó khăn; thậm chí phương án cử nhân viên đến tận gia đình chụp ảnh cũng không dễ dàng vì không phải lúc nào người dân cũng có nhà, người đi làm ăn xa; người bận đi nương rẫy... "Theo lộ trình, sau một năm kể từ khi Nghị định 49 được ban hành, các DN phải hoàn tất việc bổ sung thông tin và chụp ảnh chân dung đối với chủ thuê bao. Như vậy tính trung bình, chúng tôi phải giải quyết hơn 3 nghìn thuê bao di động/ngày. Nếu chia lộ trình sẽ giảm bớt áp lực cho DN, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng", ông Lợi nói.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Đức Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Viễn thông Bắc Giang bày tỏ: Quy định người đăng ký thuê bao di động phải đến chụp ảnh trực tiếp sẽ là bằng chứng xác thực nhất để bảo đảm đúng người đang sở hữu. Qua đó, DN sẽ quản lý và nắm chắc số lượng, thông tin các thuê bao, tránh hiện tượng SIM ảo, từ đó làm cơ sở để Nhà nước, DN đánh giá đúng thực trạng và có những chính sách chiến lược phát triển công nghệ thông tin, trong đó có hạ tầng điện thoại di động. Cũng theo ông Cường, các DN phải đồng loạt làm nghiêm, tránh tình trạng khách hàng bị cắt thuê bao ở nơi này nhưng vẫn đăng ký được ở nơi khác. Một số ý kiến cho rằng, với những thuê bao đã đăng ký thông tin chính xác, có địa chỉ nơi ở, công tác không nhất thiết phải đến tận điểm giao dịch để chụp ảnh mà DN có thể kiểm tra, xác minh lại thông tin.

Ông Ngô Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Tới đây, Sở sẽ tổ chức hội nghị phổ biến hướng dẫn của Bộ TT&TT giải đáp những khó khăn, vướng mắc của DN trên tinh thần "khó đâu, gỡ đó". Mặt khác, thanh tra Sở sẽ tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định.

Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...