Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Biến bã mía thành vật dụng hữu ích

Cập nhật: 07:00 ngày 25/03/2018
(BGĐT) - Sáng kiến tận dụng bã mía để làm tấm panel cách nhiệt, viên nén, than sạch của nhóm học sinh Đặng Thạch Mai Linh, lớp 9A2 và Nguyễn Trần Khánh Linh, 9A4, Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Bắc Giang) vượt qua hàng trăm mô hình khác, xuất sắc giành giải Ba Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2017-2018 khu vực phía Bắc. 
{keywords}

Mai Linh (trái) và Khánh Linh nghiên cứu làm tấm panel cách nhiệt từ bã mía.

Thực tế cuộc sống, nhiều người dân sử dụng phế thải trong nông nghiệp để làm chất đốt hoặc xả thải ra môi trường gây ô nhiễm. Năm 2017, xuất phát từ những điều "mắt thấy, tai nghe" đó, nhóm bạn trẻ Mai Linh và Khánh Linh, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn đã nảy ra ý tưởng làm tấm ốp trần (panel) cách nhiệt, viên nén, than sạch, giá thể trồng nấm từ bã mía (nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên).

Trở về từ Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học diễn ra vào đầu tháng 3 vừa qua tại Nghệ An, cô giáo Trần Thị Thảo cùng Mai Linh và Khánh Linh không giấu nổi niềm vui khi dự án được ban tổ chức đánh giá cao về tính ứng dụng. Mai Linh cho hay, ý tưởng này xuất hiện từ năm em học lớp 8. Trong một ngày mùa hè trời oi bức, đôi bạn đi uống nước mía, nhìn đống bã mía cao ngất, ruồi muỗi đậu gây mất vệ sinh nên cả hai suy nghĩ làm cách nào đó để tận dụng phế phẩm làm ra những sản phẩm có ích. Vì vậy, cả hai đã đề xuất với cô Thảo về ý tưởng trên và bắt tay vào thực hiện. Được cô giáo ủng hộ, hai em thêm động lực nghiên cứu. Tranh thủ những ngày cuối tuần, Mai Linh và Khánh Linh tìm mua lại bã mía với giá rẻ ở quán nước để làm nguyên liệu sản xuất.

Ban đầu, do chưa nắm chắc đặc tính của bã mía nên nhóm áp dụng công thức, nhiệt độ ép như gỗ keo. Tuy nhiên, do bã mía có thành phần chính gồm xenlulo dạng sợi dài lại xốp nên sản phẩm đầu tay bị hỏng, cháy lụi một phần. Thêm vào đó, bã mía chưa được xử lý khô hoàn toàn, còn cặn đường nên tấm ốp bị cong vênh, không đẹp. Trải qua nhiều lần thất bại nhưng đôi bạn không nản chí mà tiếp tục học hỏi, thử nghiệm. Mất gần một năm, nhóm đã hoàn thành tấm ốp trần cách nhiệt.

{keywords}

Khi thực hiện đề tài, nhóm mong rằng ý tưởng này sẽ làm thay đổi tích cực cuộc sống của người dân. Để tấm ốp trần cách nhiệt này được ứng dụng sản xuất rộng rãi trong thực tiễn cần sự đầu tư hỗ trợ của các doanh nghiệp”.


Cô Trần Thị Thảo, giáo viên hướng dẫn nhóm

Vận dụng kiến thức ở tổ hợp các môn học sinh hóa lý cộng với sự hướng dẫn tận tình của các thầy, cô giáo trong trường, cuối cùng hai em tìm ra công thức phối trộn nguyên liệu thích hợp. Đó là sử dụng bã mía đã phơi khô trộn đều keo MUF với tỷ lệ 3:1, sau đó cho vào máy ép ở nhiệt độ 110 độ C trong 15 phút. Vậy là tấm ốp cách nhiệt ra đời. Sau khi thử độ chịu nhiệt, nước tại phòng thí nghiệm của trường, đôi bạn đã gửi sản phẩm này ra Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam để phân tích.

Kết quả, sản phẩm này được đánh giá có mức chịu nhiệt, nước tốt hơn thạch cao, có thể ứng dụng làm trần chống nóng cho nhà xưởng, vách ngăn các công trình. Với ưu điểm tận dụng nguyên liệu từ phế phẩm nông nghiệp sẵn có, mỗi tấm panel 1m2 giá khoảng 40 - 50 nghìn đồng, chỉ bằng 1/2 giá miếng thạch cao cùng kích cỡ. Bạn Mai Linh nói: “Tấm ốp trần (panel) cách nhiệt được làm từ phế phẩm nông nghiệp còn có tác dụng chống cháy, chống mối mọt. Vì vậy chúng em rất mong nhận được sự ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức nhằm sản xuất đại trà. Từ đó góp phần bảo vệ môi trường, góp phần tăng thu nhập cho nông dân”.

Không dừng lại ở thành công đó, nhóm bạn tiếp tục nghĩ ra cách biến bã mía trở thành những viên nén, than sạch và giá thể trồng rau mầm an toàn. Mỗi sản phẩm lại có cách làm khác nhau. Ví như than sạch là ép bã mía thành những hình trụ, rỗng ruột rồi mang đi yếm khí 5 đến 7 ngày. Trải qua quá trình này, những viên than sạch đã bị loại bỏ khí độc, đốt lên không còn khói và cacbonic nữa, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.

Cô Ngô Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn cho biết: "Nghiên cứu khoa học chính là cách tự học tốt nhất. Vì vậy, nhà trường khuyến khích và hỗ trợ mọi điều kiện, cơ sở vật chất cho học sinh phát huy năng lực, sáng tạo kỹ thuật".

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...