Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Khơi gợi ý tưởng, dự án mới

Cập nhật: 08:54 ngày 21/06/2018
(BGĐT) - Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tỉnh Bắc Giang năm 2018 do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chủ trì đã và đang tạo “sân chơi khoa học” hấp dẫn. Nhiều dự án, sản phẩm có tính khả thi cao.
{keywords}

Anh Nguyễn Văn Tiến, phường Xương Giang (TP Bắc Giang) giới thiệu mô hình sản xuất rau mầm sạch với khách hàng.

Cùng khởi động

Anh Nguyễn Văn Tiến (SN 1990), tổ dân phố Thành Ngang, phường Xương Giang (TP Bắc Giang), hiện là Bí thư Đoàn phường - một trong những người gửi dự án sớm tham gia Cuộc thi. Dự án có tên gọi “Khởi nghiệp mô hình sản xuất rau mầm sạch ứng dụng công nghệ cao (CNC)”. Trước đó, nhận thấy việc sản xuất, cung ứng ra thị trường rau mầm sạch khá mới mẻ, tháng 11-2017 anh thuê đất, đầu tư xây dựng nhà lưới diện tích 400 m2, thành lập Cơ sở Sản xuất rau mầm an toàn Xương Giang, gồm nhiều loại rau mầm như: Cải, hạt ngũ cốc, đậu nành, đỗ xanh…

Để tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng, anh Tiến nghiên cứu tài liệu về quy trình trồng, chăm sóc, bảo quản. Hiện rau mầm sạch đã có mặt tại nhiều nhà hàng, siêu thị ở TP Bắc Giang và một số tỉnh lân cận. Với sự năng động, nhạy bén, anh Tiến đang lên kế hoạch sản xuất rau mầm ứng dụng CNC gồm: Đầu tư hệ thống nhà màng hiện đại, hệ thống tưới phun sương, đèn điều chỉnh nhiệt độ… Đồng thời lập kế hoạch tài chính, quản trị nhân lực; nghiên cứu thị trường, định vị thương hiệu... một cách bài bản.

Theo anh Tiến, thanh niên có thể tiếp cận và dễ dàng nhân rộng mô hình bởi chi phí đầu tư không lớn. Đặc biệt, mô hình góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường vì nguồn giá thể trồng rau mầm rất phong phú, có thể tận dụng từ rơm, bã mía, xơ dừa… “Dự án góp phần cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao", anh Tiến nói.

Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” được Sở KH&CN phát động từ tháng 4-2018 nhằm khơi dậy, tìm kiếm, chọn lọc, tôn vinh các ý tưởng, dự án tiềm năng trong cộng đồng. Cùng đó, cung cấp kiến thức, xây dựng tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến đông đảo sinh viên, thanh niên, tạo sự lan tỏa trong xã hội; thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của tổ chức, DN, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH. Các tổ chức, cá nhân có ý tưởng, dự án khởi nghiệp ở nhiều ngành công nghệ khác nhau như: Thông tin, sinh học, tự động hóa, bảo vệ môi trường, năng lượng mới, nông nghiệp CNC, hữu cơ, vật liệu mới, du lịch và dịch vụ... có thể tham gia.

Ngay sau khi Cuộc thi phát động, đã có nhiều tổ chức, đơn vị đồng hành. Liên đoàn Lao động tỉnh phát động tới các công đoàn cơ sở; tuyên truyền, vận động đoàn viên tham gia. Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp Bafu với 20 thành viên thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ thành viên tham gia... Đặc biệt, Sở KH&CN có văn bản gửi 18 trường đại học phổ biến Cuộc thi trong sinh viên.

Ông Triệu Ngọc Trung, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN (Sở KH&CN), Tổ trưởng Tổ giúp việc Cuộc thi cho biết, các thành viên đang tích cực triển khai nhiệm vụ được phân công như: Tư vấn, tiếp nhận hồ sơ dự thi; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các website, thiết lập đường dây nóng, giải đáp các ý kiến... Ban Tổ chức đã nhận được gần 30 hồ sơ đăng ký dự thi của các tác giả, nhóm tác giả trong và ngoài tỉnh.

Thời gian tiếp nhận hồ sơ Cuộc thi từ ngày 1-5 đến hết 15-8-2018. Ban Tổ chức sẽ chọn 10 dự án có số điểm cao nhất tham gia vòng chung kết và lựa chọn các dự án xuất sắc nhất trao giải. Cơ cấu giải gồm: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 6 giải Khuyến khích.

Ứng dụng, nhân rộng

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp là chủ đạo, không ít bạn trẻ đã tham dự khởi nghiệp bằng những dự án thuộc lĩnh vực công nghệ tự động hóa, vật liệu mới, điện, bảo vệ môi trường mang lại hiệu quả kinh tế, có tính nhân văn cao. Điển hình như dự án “Xe lăn điện cho người khuyết tật, người già” của anh Phùng Thanh Tuyên (SN 1989), xã An Thượng (Yên Thế). Sản phẩm được anh lên ý tưởng từ năm 2014 khi thị trường xe điện phát triển mạnh ở Việt Nam. 

Khi đó, anh thấy nhiều người đi bán vé số bằng những chiếc xe lăn tay rất khó khăn mệt nhọc, nhiều người không may bị tai biến hay tai nạn lao động phải nằm, ngồi một chỗ, mặc cảm về cuộc sống. Từ 2015 đến nay, anh Tuyên đã thiết kế cải tiến kỹ thuật hàng trăm chiếc xe lăn với tính năng vượt trội so với sản phẩm cùng loại trên thị trường, được khách hàng ưa chuộng. Xe có tải trọng 120 kg, phạm vi tốc độ 10-30km/h, sử dụng nguồn điện ắc quy 48VDC-12AH với động cơ điện đẩy phía sau; có số đi tiến, lùi và khả năng leo dốc; hệ thống phanh an toàn tuyệt đối. Xe được trang bị còi, đèn siêu sáng, tiết kiệm điện, thân thiện với môi trường...

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở KH&CN, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi, Bắc Giang là một trong những địa phương triển khai sớm chương trình "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo’’ theo Quyết định số 844 ngày 18-5-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Trên cơ sở các sản phẩm xuất sắc được trao giải, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn, DN khoa học có năng lực nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ đào tạo để phát triển thành những đề tài, dự án khoa học cơ sở hoặc cấp cao hơn để ứng dụng rộng rãi.

Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...