Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Việt Nam sẽ có giải pháp liên thông chứng thực chữ ký số

Cập nhật: 15:57 ngày 30/06/2018
Liên thông chứng thực chữ ký số đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn cho các giao dịch, góp phần thúc đẩy triển khai chính phủ điện tử tại Việt Nam.

Tại Hà Nội, Trung tâm Chứng thực Điện tử Quốc gia (Bộ TT&TT) vừa tổ chức buổi hội thảo “Chính sách và giải pháp liên thông các hệ thống chứng thực chữ ký số".

Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, đại diện Ban Cơ yếu chính phủ và đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan. Buổi hội thảo cũng có sự góp mặt của các chuyên gia có kinh nghiệm đến từ những nước, vùng lãnh thổ có ứng dụng chữ ký số phát triển mạnh như Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giải quyết vấn đề liên thông chứng thực chữ ký số.

{keywords}

Buổi hội thảo “Chính sách và giải pháp liên thông các hệ thống chứng thực chữ ký số". Ảnh: Trọng Đạt.

Hiện trên cả nước có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đang hoạt động để phục vụ việc kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm, xã hội điện tử.

Cùng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng, Chính phủ đã cấp hơn 60.000 chứng thư số cho các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.

Trong những năm gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) tại Việt Nam. Ủy ban quốc gia về CPĐT sẽ được thành lập với Chủ tịch Ủy ban là Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được đáng ghi nhận, việc ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam trong thời gian qua còn có những hạn chế nhất định, trong đó có vấn đề về liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số.

{keywords}

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ về tầm quan trọng của việc liên thông giữa các hệ thống chứng thực số tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt.

Đây là vấn đề đã và đang được giải quyết ở nhiều nước trên thế giới theo những cách khác nhau. Điều này phụ thuộc vào mô hình quản lý Nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số, mô hình, cấu trúc của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp, thực tế sử dụng chữ ký số của người dân và các giải pháp cụ thể được sử dụng.

Trong thời gian qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số và các cơ quan, tổ chức liên quan để từng bước giải quyết vấn đề liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số và đã có những kết quả bước đầu.

Theo ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT, để bảo đảm an toàn cho các giao dịch CPĐT, cũng như các giao dịch điện tử nói chung, việc có một cơ chế xác thực điện tử an toàn là hết sức cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng có nhiều yếu tố, nguy cơ gây mất ATTT.

“Sử dụng chữ ký số là một trong các giải pháp xác thực điện tử an toàn được ứng dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Từ ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT có thể tham khảo, nghiên cứu, đề xuất cách thức giải quyết vấn đề liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số tại Việt Nam trong thời gian tới”, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chụp hình lưu niệm cùng ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia và các chuyên gia về chứng thực chữ ký số. Ảnh: Trọng Đạt.

Những vấn đề đặt ra về liên thông chứng thực chữ ký số tại Việt Nam bao gồm việc sử dụng chứng thư số công cộng do các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (Certificate Authority - CA ) khác nhau cung cấp, việc sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ trong các giao dịch với người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó là việc sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ khi kê khai thuế.

Để có thể tạo thuận lợi trong việc sử dụng chữ ký số cho các cán bộ, công chức, viên chức, một giải pháp đưa ra là việc có thể sử dụng chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho mọi giao dịch. Điều này chỉ có thể thực hiện khi có sự hỗ trợ quá trình chuyển đổi chuẩn SHA-2. Đây là giải thuật hàm băm (Secure Hash Algorithm - SHA), mỗi dữ liệu qua hàm băm sẽ cho ra một giá trị băm khác nhau và duy nhất. Người ta dùng các giá trị băm này để phân biệt các khối dữ liệu.

Trước vấn đề liên thông giữa các hệ thống chứng thực chữ ký số, ông Lã Hoàng Trung - Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia cho biết, công việc này đang được triển khai cả về khía cạnh kỹ thuật và pháp lý.

Chính vì vậy, ông Trung mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài nước để hoàn thiện hành lang pháp lý và các quy định, giải pháp kỹ thuật. Bên cạnh đó, vị Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia cũng sẵn sàng tiếp nhận những khuyến nghị thực tiễn cho việc triển khai liên thông chứng thực chữ ký số tại Việt Nam.

Theo VietNamNet

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...