Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ý tưởng sáng tạo về lò đốt rác sinh điện

Cập nhật: 16:43 ngày 24/07/2018
(BGĐT) - Nguyễn Văn Thành Long (SN 2000) vừa tốt nghiệp Trường THPT Lạng Giang số 3 (Bắc Giang) và là một trong số ít học sinh được kết nạp Đảng khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Long không chỉ hoạt động đoàn sôi nổi mà còn đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật. 
{keywords}

Dự án lò đốt rác sinh điện của Nguyễn Văn Thành Long (trái) giành giải A tại Ngày hội “Sáng tạo trẻ”.

Từ năm học lớp 10, Long bắt đầu tham gia vào các dự án nghiên cứu, sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho thanh, thiếu niên. Trong đó nổi bật là mô hình “Lò đốt rác sinh điện”. Quan sát từ thực tế cuộc sống, Long nhận thấy, mỗi ngày, lượng rác xả thải ra môi trường rất nhiều nhưng việc thu gom, xử lý còn hạn chế. Và ý tưởng xử lý rác bằng công nghệ đốt thân thiện, thu hồi năng lượng sản xuất điện năng được hình thành. 
Long và một người bạn cùng lớp đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng này với các thầy, cô giáo trong trường. Ban đầu, việc lắp ráp sản phẩm gặp nhiều khó khăn vì chưa nắm vững nguyên lý, cấu tạo của lò đốt rác. Long cùng bạn đi thực tế và tìm hiểu thêm một số sản phẩm tương tự ở huyện Lục Ngạn, Hiệp Hòa. Sau khi nghiên cứu, Long đưa ra mô hình lò gồm các bộ phận: Thùng cấp rác (đồng thời là bộ phận sấy rác); buồng cháy sơ cấp; buồng cháy thứ cấp; bộ phận thoát tro thải; phần cấp oxy.

Rác thải được nghiền nhỏ, sấy khô từ nhiệt cháy trong lò. Vì thế, những loại rác có độ ẩm cao từ 58-65% cũng bị đốt cháy dễ dàng. Buồng cháy sơ cấp thiết kế dưới dạng khối hình cầu, giúp tăng hiệu suất đốt, làm nhiệt độ trong lò lên khoảng 1.000-1.200 độ C. Ở nhiệt độ này, lượng khí thải độc hại sinh ra ít nhất, triệt tiêu hoàn toàn dioxin. Trong quá trình thử nghiệm, Long thiết kế thêm ống khói cao hơn 1,3 m cùng hệ thống phun nước vôi trong nhằm hạ nhiệt khí, khói bụi phát thải. 

Em cho biết: “Để cho lò hoạt động liên tục, tôi lắp đặt thêm bộ phận cung cấp oxy. Nguồn nhiệt lấy từ quá trình hoạt động của lò đốt được tận dụng để làm nóng động cơ đốt ngoài. Khi đó nhiệt năng của lò đốt được chuyển hóa thành cơ năng. Máy phát điện sẽ chuyển hóa cơ năng thành điện năng phục vụ sản xuất, sinh hoạt”. 

Chi phí cho mỗi chiếc lò đốt rác này chỉ khoảng 10 đến 30 triệu đồng tùy kích cỡ. Mô hình này giành giải A tại Ngày hội “Sáng tạo trẻ” năm 2018 do Huyện đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạng Giang tổ chức; giải Khuyến khích cuộc thi "Sáng tạo khoa học dành cho học sinh" do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...