Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học - Công nghệ
Khoa học - Công nghệ
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Giải mã dược tính, bảo tồn sâm Nam núi Dành

Cập nhật: 13:59 ngày 22/11/2018
(BGĐT) - Các nhà khoa học  thuộc Trung tâm Thực nghiệm Sinh học Nông nghiệp công nghệ cao (CNC - Viện Di truyền Nông nghiệp) thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây sâm Nam núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Kết quả nghiên cứu mở ra triển vọng trong việc bảo tồn, phát triển cây dược liệu quý. 

Đây là đề tài khoa học cấp tỉnh thực hiện trong 3 năm (từ 2015 -2018) với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học thuộc Trung tâm Thực nghiệm Sinh học Nông nghiệp CNC (đơn vị chủ trì) và Viện Hóa học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ - (KH&CN) Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam.

{keywords}

Chăm sóc sâm Nam núi Dành ở xã Việt Lập (Tân Yên).

Từ xa xưa, sâm núi Dành được trồng chủ yếu ở xã Việt Lập và Liên Chung (Tân Yên). Người dân thường sử dụng để chữa các bệnh mãn tính như viêm gan, thấp khớp, gia tăng sự hồi phục các chức năng của cơ thể, được xem là loại thuốc bổ toàn diện. Ngoài ra, loại cây này còn có tác dụng chống lão hóa tế bào, thúc đẩy quá trình tổng hợp protein của tế bào mới. Do đó sâm còn là vị thuốc “cải lão hoàn đồng”.

Tuy nhiên, số hộ trồng sâm chỉ lác đác, trung bình từ 10-15 m2/hộ. Từ trước tới nay chưa có nghiên cứu khoa học nào về phân bố, đặc tính sinh học, dược tính, giá trị trong y dược của sâm Nam núi Dành. “Chúng tôi muốn giải mã dược tính, định danh và đề xuất phương pháp bảo tồn gen của cây dược liệu quý này”, Tiến sĩ Đồng Thị Kim Cúc, Chủ nhiệm đề tài chia sẻ.

Các chuyên gia đã tới nhiều huyện trong tỉnh như Tân Yên, Sơn Động, Lạng Giang điều tra, khảo sát. Các mẫu phân tích được thực hiện trong phòng thí nghiệm hiện đại. Vật liệu để nghiên cứu gồm nhiều nguồn mẫu giống, trong đó có mẫu thu từ vùng núi Dành (Tân Yên). Nội dung nghiên cứu tập trung vào đặc điểm phân bố, sinh trưởng, phát triển của cây, xác định danh pháp khoa học, bảo tồn nguồn gen... Mặt khác, phân tích nguồn nước, đặc điểm đất đai, hình thái, sinh thái học, quần thể của cây; tách chiết AND; nhân bản gen; định tính một số nhóm chất; đề xuất phương án bảo tồn nguồn gen...

Hộ ông Thân Hải Đăng, thôn Đồng Sen, xã Việt Lập được chọn làm điểm để nghiên cứu, đánh giá khoa học về sâm Nam núi Dành, bởi sở hữu cây sâm cổ, hội tụ đủ các yếu tố phục vụ nghiên cứu. Ông Đăng cho biết, trước kia, gia đình trồng vài cây sâm ở góc vườn, cũng không biết giá trị ra sao, gà thường xuyên bới mổ cây. “Hễ thân có cành chồi ra mặt đất, tôi lại cuốc xới trồng sang chỗ khác, cây phát triển chậm, tỷ lệ sống chỉ đạt 50%. Sau khi tham gia dự án, được các chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, chăm sóc, tỷ lệ sống đạt 90%, cây phát triển nhanh”, ông Đăng chia sẻ.

Các nhà khoa học cũng kết luận có 3 phương pháp bảo tồn gen; trong đó, uốn vít cành bánh tẻ vào các túi bầu có tỷ lệ hình thành rễ cao nhất sau 90 ngày là 75%; giâm hom 29% và phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật (thực hiện trong phòng thí nghiệm).

Từ kết quả nghiên cứu, các chuyên gia xác định, sâm Nam núi Dành có tên khoa học là Callerya speciosa, phân bố hẹp, chủ yếu ở xã Việt Lập và Liên Chung- nơi có thành phần thổ nhưỡng đặc biệt (đá cám, Canxi và Magiê). Nhóm chất chính trong mẫu sâm là saponin (hoạt chất chính tạo nên những công dụng kỳ diệu của sâm), flavonoid (hoạt chất chống lão hóa), acid hữu cơ, acid amin... Mẫu sâm hơn 5 tuổi có hàm lượng lớn hơn đáng kể so với mẫu 2, 3, 4 tuổi. Cụ thể, nhóm chất saponin ở củ sâm Nam núi Dành 5 tuổi cao hơn so với 2 tuổi 253%, flavonoid là 595%. Đáng chú ý, hàm lượng chất saponin tương đương với sâm Hàn Quốc và chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh - loại sâm quý, hiếm nhất thế giới.

Hiện các nhà khoa học đã nhân rộng được vườn sâm Nam núi Dành với diện tích 2.800 m2 tại hộ ông Thân Hải Đăng. Theo khảo sát, ngoài diện tích của hộ ông Đăng, khoảng 10 hộ (chủ yếu ở thôn Đồng Sen, xã Việt Lập) cũng đang trồng với diện tích khoảng 5 nghìn m2. Thông thường, mỗi cây sâm trồng từ 4 đến 5 năm cho thu hoạch. Trên thị trường, 1kg sâm Nam núi Dành tươi giá khoảng 2 triệu đồng. Hiện Trung tâm Thực nghiệm Sinh học Nông nghiệp CNC dự định thực hiện đề tài này cấp nhà nước để nghiên cứu ở tầm vĩ mô với mục tiêu bảo tồn, phát triển kinh tế từ dược liệu “có một không hai” này.

Mới đây, Hội đồng đánh giá nghiệm thu, Sở KH&CN đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc. Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở KH&CN, kết quả đề tài có giá trị, tính khoa học cao, có khả năng ứng dụng trong thực tiễn. Được biết, chính quyền, ngành chức năng đang tiến hành các bước xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm Nam núi Dành.

Đăng ký chỉ dẫn địa lý “Núi Dành” cho sản phẩm sâm nam
(BGĐT) - Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) vừa tổ chức Hội đồng tư vấn đánh giá hồ sơ và thông qua triển khai dự án “Bảo hộ và quản lý quyền SHTT cho sản phẩm sâm nam núi Dành của tỉnh Bắc Giang” do Sở KH&CN Bắc Giang đề xuất thực hiện năm 2017. 
 
Duyên phận với sâm nam núi Dành
(BGĐT) - Mọi người quanh vùng vẫn nhắc đến hai chữ duyên - phận khi nói về ông Dương Đức Viên ở thôn Lãn Tranh I, xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) và cây sâm nam núi Dành. Dù "ít duyên nhưng hữu phận" nên hiện nay trong vườn nhà ông, loài thảo dược quý này đã xanh cây, bén rễ và ngày càng nhân rộng.
 

Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...