Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 27 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Khoa học-Công nghệ / Thương mại điện tử
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tăng tốc phát triển cho thương mại điện tử - Những khó khăn cần tháo gỡ

Cập nhật: 08:43 ngày 20/11/2017
(BGĐT) - Công nghệ phát triển không ngừng mở ra những cơ hội mới cho thị trường thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam. Tuy nhiên, để chớp được cơ hội ấy, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có thay đổi thói quen tiêu dùng, tạo ra hệ thống thanh toán, chuyển phát đáng tin cậy.
Nhiều tiềm năng phát triển
Hiện nay, tỷ trọng bán lẻ TMĐT mới chiếm 2,8%. Năm 2015, TMĐT Việt Nam mới chỉ đạt được hơn 4 tỷ USD. Con số này tăng 37% so với năm trước đó, nhưng so với các quốc gia khác thì doanh thu TMĐT Việt Nam còn rất thấp, chỉ chiếm 0,26% thị phần thế giới. 
Mục tiêu đến năm 2020, quy mô của thị trường bán lẻ TMĐT Việt Nam phấn đấu đạt 10 tỷ USD và chiếm tỷ trọng khoảng 5% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước. Những mục tiêu trên nằm trong kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1563/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

{keywords}
Với hệ thống thông tin minh bạch, truy xuất nguồn gốc điện tử, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh để kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ nông sản.

Theo nghiên cứu của Công ty cổ phần Nghiên cứu ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) đưa ra tại Diễn đàn Thanh toán điện tử (TTĐT) Việt Nam mới đây, Việt Nam được xếp thứ 6 trong khu vực châu Á về số lượng người dùng Internet, mức thâm nhập Internet của Việt Nam (48%) cũng cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á (38%) và thế giới (45%). Thế nhưng, tỷ lệ người mua sắm trực tuyến tại Việt Nam chỉ ở mức trung bình so với các nước trong khu vực, tỷ lệ chuyển đổi từ số lượt truy cập thành đơn hàng là rất thấp so với bán lẻ truyền thống. 

Mặt khác, tỷ lệ lựa chọn thanh toán khi giao hàng của người dân Việt Nam là gần 65%, gấp hơn 8 lần so với thế giới (chỉ khoảng 8%), trong khi đó, tỷ lệ thanh toán bằng thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng gần như không đáng kể. Điều đó cho thấy, chưa có sự phát triển đồng đều giữa phát triển công nghệ Internet và thị trường TTĐT ở Việt Nam so với thế giới.
Nhìn nhận vấn đề này từ phía các doanh nghiệp (DN), sở dĩ người dân chưa mặn mà với TTĐT trong các giao dịch thương mại xuất phát từ một số nguyên nhân như: Vẫn còn tình trạng một số đơn vị bán hàng thu phụ phí khi khách hàng thanh toán bằng thẻ, một số đơn vị bán hàng không muốn minh bạch doanh thu bán hàng… nên chưa góp phần được nhiều trong việc giảm thanh toán bằng tiền mặt.

Thêm vào đó, công tác thông tin tuyên truyền cho người dân về các phương tiện, dịch vụ TMĐT nói chung cũng như TTĐT nói riêng, mặc dù đã được tích cực triển khai, tuy nhiên thói quen, tâm lý sử dụng tiền mặt của người tiêu dùng còn khá phổ biến. Một số yếu tố khác như: Lừa đảo qua mạng, trình độ văn minh thương mại, tâm lý ngại tiếp cận với công nghệ mới, sử dụng tiền mặt với mục đích không minh bạch,… cũng là những nguyên nhân gây cản trở, hạn chế sử dụng TTĐT.

Cần sự vào cuộc đồng bộ

Để thúc đẩy sự phát triển của TMĐT, bên cạnh sự phối hợp của các cơ quan, trong đó có 3 nhánh chính là: Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Ngân hàng Nhà nước trong việc ban hành các cơ chế chính sách cũng như triển khai và điều tiết ở cấp độ vĩ mô; trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển TMĐT, cần có sự đồng bộ giữa các DN, hiệp hội và các cơ quan quản lý.  

Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), để TMĐT phát triển thì cần rất nhiều yếu tố, bán hàng đa kênh là xu thế của tương lai gần. Đồng thời, các hội, hiệp hội nên liên kết, sáp nhập với nhau để có sự hỗ trợ tốt nhất cho DN TMĐT.

Hiện nay, các công ty bưu chính đang mở ra mảng kinh doanh phục vụ cho TMĐT. Với sự tham gia rất tích cực của DN trong các lĩnh vực: DN kinh doanh, DN ngân hàng, DN chuyển phát… và với sự vào cuộc cũng như cơ chế chính sách của Chính phủ ngày càng hoàn thiện để hỗ trợ cho phát triển thì chắc chắn TMĐT của Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu đặt ra.            

Văn Vĩnh (tổng hợp)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...