Thứ năm, 02/05/2024
Bắc giang 22 °C / 23 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Công trình dở dang vì thiếu mặt bằng

Cập nhật: 13:40 ngày 01/08/2014
(BGĐT) - Do giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp trở ngại, nhiều dự án giao thông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thi công chậm hoặc phải điều chỉnh thiết kế, tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống. 
{keywords}

Nhiều công trình xây dựng kiên cố trên mái đê ở xã Tân Tiến (TP Bắc Giang).

Làm nhà trên mái đê

Tháng 2-2014, Chi cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và PTNT) triển khai dự án tu bổ đê điều thường xuyên, kết hợp xây dựng đường gom dân sinh đê tả Thương, đoạn qua thôn An Bình, xã Tân Tiến (TP Bắc Giang). Công trình dài chưa đầy 1km nhưng sau nhiều tháng thi công vẫn lầy lội, ngổn ngang đất, đá. Nguyên nhân do vướng mắc về mặt bằng. 

Theo Luật Đê điều năm 2006, hành lang bảo vệ đối với đê cấp III (đê sông Thương) ở những vị trí đi qua khu dân cư được tính từ chân đê trở ra là 5m. Tuy nhiên, trước đây, khi xã Tân Tiến còn thuộc địa giới huyện Yên Dũng, UBND huyện đã cấp hàng loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trong hành lang bảo vệ đê, thậm chí cả khu vực chân, mái đê. Nhiều hộ đã làm nhà ở kiên cố nhưng cơ quan chức năng không xử lý dứt điểm ngay từ khi sai phạm mới phát sinh. Bởi vậy, khi mở đường gom dân sinh qua thôn An Bình, chính quyền cơ sở phải rất vất vả trong khâu giải toả công trình, tạo quỹ đất cho dự án. 

Ban đầu, các hộ không đồng ý tháo dỡ mà yêu cầu chủ đầu tư phải bồi thường. Khi được UBND xã Tân Tiến cùng ban lãnh đạo thôn tuyên truyền, thuyết phục, nhiều hộ tự tháo dỡ hàng quán, tường bao. Trong đó tiêu biểu là hộ ông Đỗ Văn Sinh có tài sản lớn nhất với hơn 30m2 đất thổ cư, cùng hàng quán, cổng, tường rào, giá trị hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, trong số hơn 40 hộ thuộc diện phải giải tỏa còn ba hộ chưa đồng ý phương án di dời. Ban lãnh đạo thôn An Bình và UBND xã Tân Tiến đang vận động người dân tháo dỡ công trình để hoàn thiện đoạn đường gom dân sinh. Nhà thầu đành chờ mặt bằng, chưa biết bao giờ mới thi công xong. 

Tình trạng người dân xây dựng nhà cửa vi phạm hành lang đê còn xảy ra phổ biến tại các thôn Văn Giàng, Văn Sơn, Thanh Cảm (xã Tân Tiến)... Thậm chí, có hộ xây dựng nhà kiên cố từ 2 đến 4 tầng dọc hai bên hành lang đê. Nhiều ngôi nhà nằm chênh vênh chỉ cách mép sông vài mét, nguy cơ mất an toàn cho người và công trình trong mùa mưa bão. 

Bài học trong quản lý đất đai, xây dựng

Nhiều người dân thôn Yên Sơn, xã Tiền Phong (Yên Dũng) phản ánh, đường tỉnh 398 đi qua thôn có chiều dài gần 500m, ven đường không có rãnh thoát nước. Mỗi khi mưa, nước tràn vào nhiều ngôi nhà ven đường. Tiếp cận hồ sơ dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 398, chúng tôi được biết trong quá trình GPMB, UBND huyện Yên Dũng đã "bó tay" trước mâu thuẫn nảy sinh giữa các hộ trong thôn. Hầu hết người dân cho rằng họ đã xây dựng nhà cửa sinh sống lâu dài, ổn định hàng chục năm nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi bị thu hồi đất mở rộng đường không được bồi thường, hỗ trợ. 

Trong khi đó, một số hộ nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất vài năm gần đây lại có giấy chứng nhận ra đến mép đường. Nếu những hộ này được bồi thường là vô lý. Từ thực tế đó dẫn đến nhiều ý kiến so bì, cản trở công tác GPMB. Sau thời gian dài kiên trì vận động mà không đi đến thống nhất phương án bồi thường, cơ quan chức năng đã quyết định cắt hạng mục xây rãnh thoát nước qua thôn Yên Sơn vì thiếu mặt bằng. Hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ đã gây khó khăn cho sinh hoạt, đời sống của một số hộ dân.  

Tại dự án xây dựng đường dẫn lên cầu Mai Đình - Đông Xuyên, UBND huyện Hiệp Hòa đã phối hợp với UBND các xã vận động hàng trăm hộ hiến đất phục vụ dự án. Đến nay, dù toàn bộ công trình hơn 15km đã cơ bản hoàn thiện, song vẫn còn ba điểm với tổng chiều dài hơn 100m chưa giải phóng được mặt bằng. Các dự án xây dựng đường tỉnh 293 đoạn qua xã Vô Tranh, Trường Sơn (Lục Nam), đường tỉnh 398 đoạn qua xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang), Đồng Việt (Yên Dũng) cũng đang gặp vướng mắc tương tự, làm chậm tiến độ dự án. 

Ông Nguyễn Việt Oanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải:

Hiện nay, nhiều dự án giao thông gặp khó khăn về mặt bằng. Chúng tôi có văn bản đề nghị UBND các huyện, TP tập trung giải quyết vấn đề này nhưng một số địa phương chưa có biện pháp hữu hiệu. Có những dự án phải điều chỉnh thiết kế vì không có mặt bằng. 


Không có đủ mặt bằng theo thiết kế, tại nhiều đoạn đường đang hình thành các nút thắt cổ chai, gây mất an toàn giao thông. Những đoạn đường thi công dang dở, không đồng bộ còn gây bụi, bẩn, ngập úng cục bộ. 

Từ thực tế trên cho thấy, việc bảo đảm mặt bằng sạch trước khi thi công các công trình xây dựng cơ bản là rất quan trọng. Đây là bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý đất đai, xây dựng, quản lý hành lang bảo vệ đê điều, an toàn giao thông tại các địa phương. Khi công tác này không được làm tốt từ cơ sở sẽ phát sinh nhiều hệ luỵ, gây trở ngại cho việc cải tạo, nâng cấp các công trình công cộng.   

Nhiều ý kiến đề nghị chính quyền các huyện, TP nâng cao trách nhiệm, công khai minh bạch trong công tác thẩm định, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo đảm không cấp chồng lấn hành lang bảo vệ công trình đê điều, giao thông, hạn chế khiếu nại, tố cáo trong quá trình bồi thường, GPMB.


Văn Thương



Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...