Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nâng chất lượng sống của người dân nông thôn

Cập nhật: 15:07 ngày 22/08/2014
(BGĐT) - Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường (VSMT) được triển khai 10 năm nay tại Bắc Giang đã góp phần cải thiện đáng kể cuộc sống người dân ở nhiều vùng quê trong tỉnh. 

{keywords}

Các công trình nước sạch được xây dựng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho hộ dân.


{keywords}

Đổi thay ở một vùng quê

Xã Tư Mại (Yên Dũng) là nơi nguồn nước bị nhiễm sắt nặng, ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày của người dân. Một số gia đình có điều kiện mua bình nóng lạnh nhưng chỉ dùng được một thời gian ngắn là bị hỏng. Bà Ngụy Thị Chiến, thôn Đông Khánh kể: “Gia đình tôi bật bình nóng lạnh song không thấy nước nóng chảy xuống. Nhờ thợ điện nước đến xem, họ phát hiện một lớp bùn đỏ quạch, dày vài xăng-ti-mét bám chặt đáy bình làm nước không thể chảy xuống được”. 

Để hạn chế tình trạng này, người dân phải sử dụng các loại bể lọc được thiết kế nhằm giảm nồng độ sắt trong nước. Tuy nhiên, theo tính toán, đầu tư hệ thống bể lọc (bao gồm bể ngầm hai ngăn lọc nước đặt dưới đất, két nước đặt trên cao và hệ thống ống dẫn nước…) tốn khoảng 30-40 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ đối với những hộ dân chủ yếu làm nông nghiệp. 

“Năm 2013, nhờ được vay vốn từ chương trình cho vay nước sạch và VSMT của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện, gia đình tôi đã xây dựng hệ thống bể lọc mới kết hợp cải tạo nhà vệ sinh. Nhờ đó, gia đình tôi có đủ nước sạch phục vụ sinh hoạt. Thậm chí, nhiều gia đình khác còn đến xin nước về dùng”- bà Chiến kể. 

Gia đình bà Ngụy Hằng Nga cùng thôn cũng phấn khởi cho biết: “Bể nước hai ngăn tôi ốp gạch men cả trong lẫn ngoài để lọc và chứa nước, téc nước được đặt trên tầng ba. Với mức cho vay 8 triệu đồng hỗ trợ lãi suất cho hai công trình chỉ chiếm phần nhỏ vốn đầu tư nhưng khích lệ chúng tôi phấn khởi hơn, quyết tâm hơn khi xây dựng công trình”. 

Theo bà Nguyễn Thị Tịnh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tư Mại, chương trình cho vay nước sạch và VSMT đã tạo chuyển biến tích cực về chất lượng cuộc sống cho các hộ dân nơi đây. Tính đến nay, toàn xã có gần 200 hộ được vay vốn từ NHCSXH để cải tạo, sửa chữa và xây dựng mới các công trình nước sạch, VSMT; tương ứng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng được giải ngân.

Tạo động lực mới

Tính đến cuối tháng 5-2014, tổng dư nợ của chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường trong toàn tỉnh  đạt hơn 176 tỷ đồng với khoảng 22 nghìn hộ được vay. Đây cũng là chương trình có nợ quá hạn thấp (chiếm 0,1%). “Một trong những lý do quan trọng để chương trình đến được với nhiều hộ nông dân ở những vùng cần thiết nhất, mang lại hiệu quả cao nhất là có sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống NHCSXH, chính quyền địa phương với ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh”- ông Ngô Gia Quát, Giám đốc NHCSXH tỉnh cho biết. 

 

Theo quy định của NHCSXH Việt Nam, từ ngày 1-5-2014, mức vay được nâng lên 6 triệu đồng/công trình, tăng 2 triệu đồng so với trước đây. Qua đó khích lệ các hộ đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình nước sạch và vệ sinh, giúp bộ mặt nông thôn thêm đổi mới.

Với đối tượng mở rộng, không chỉ là hộ nghèo, hộ cận nghèo mà gồm cả các gia đình tham gia tổ tiết kiệm và vay vốn của NHCSXH nên nhu cầu cho chương trình này rất lớn. Theo đánh giá của NHCSXH tỉnh, nguồn vốn của Trung ương rót về đến đâu đều được giải ngân đến đấy. 

Để bảo đảm nguồn vốn đầu tư hiệu quả, đúng đối tượng, trong quá trình xây dựng kế hoạch với Sở Nông nghiệp và PTNT cũng như các huyện, NHCSXH tỉnh ưu tiên các huyện có làng nghề ô nhiễm, những nơi chưa có hệ thống nước sạch tập trung và điều kiện người dân còn khó khăn. Nhờ đó, huyện Việt Yên, nơi đang có nhiều làng nghề bị ô nhiễm nặng như làng mổ gia súc Phúc Lâm (xã Hoàng Ninh), làng nấu rượu, làm bánh đa Thổ Hà (xã Vân Hà)… đang có mức dư nợ 29 tỷ đồng. Các huyện khác cũng có dư nợ cao như: Yên Dũng (24 tỷ đồng), Tân Yên (23 tỷ đồng)… 

Thời gian tới, NHCSXH tỉnh sẽ tranh thủ nguồn vốn trung ương, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác thu hồi vốn đối với các hộ đến hạn trả nợ để quay vòng nguồn vốn. Đơn vị cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và ngành chức năng phân bổ nguồn vốn hợp lý, hiệu quả, trong đó ưu tiên cho các vùng, những hộ gia đình có nguồn nước bị ô nhiễm nặng, chưa có công trình nước sạch tập trung, kinh tế khó khăn nhằm bảo đảm hiệu quả đồng vốn, thực sự nâng cao chất lượng cuộc sống cho các đối tượng thụ hưởng.

Nguyễn Hưởng

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...