Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

“Của ăn, của để” nhờ vụ đông

Cập nhật: 09:20 ngày 29/08/2014
(BGĐT) - Là vụ có giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích cao nhất trong năm, vụ đông luôn được huyện Tân Yên (Bắc Giang) coi trọng. Thời điểm này, UBND huyện và các đơn vị chuyên môn đang triển khai các bước để nông dân vào vụ thuận lợi.
{keywords}

Thu hoạch khoai tây bằng máy trên đồng đất Tân Yên vụ đông xuân 2013 – 2014.

Chú trọng cây hàng hóa

Bốn năm qua, vụ đông nào gia đình anh Trần Đức Chung, thôn Tân Châu, xã Ngọc Châu cũng trồng 5-6 sào cà chua bi, ớt ngọt. Theo anh Chung, trồng loại cây này phải tỉ mỉ, tốn nhiều công nhưng bù lại sản phẩm khi thu hoạch được các doanh nghiệp chế biến rau quả về tận nơi thu mua, rất thuận tiện. Những vụ trước, lợi nhuận thu được từ rau chế biến khoảng 5 triệu đồng/sào. 

Gia đình anh Chung không có nghề phụ, đời sống chỉ trông vào đồng ruộng. Vì vậy sắp tới, ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, anh dự kiến trồng khoảng 8 sào rau chế biến để tăng thu nhập. Còn bà Dương Thị Phi, thôn Tân Lập, xã Song Vân chọn lạc là cây trồng chủ yếu. Bà cho biết: “Nhà chỉ mình tôi làm đồng, trồng lạc là phù hợp bởi tốn ít công chăm sóc. 3 sào lạc đông năm ngoái, năng suất mỗi sào đạt 2,5 tạ tươi, giá bình quân 14-15 nghìn đồng/kg, trừ chi phí thu lãi khoảng 7 triệu đồng, gấp đôi so với cấy lúa”. 

Những năm qua, hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn huyện Tân Yên có “của ăn, của để” nhờ trồng cây vụ đông. Năm 2013, toàn huyện hình thành được 12 vùng sản xuất cây vụ đông quy mô từ 2 ha trở lên, tập trung tại xã Việt Ngọc, Cao Xá, Ngọc Vân, Phúc Sơn, Quang Tiến, Song Vân, Lam Cốt. 

Giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích bình quân đạt hơn 120 triệu đồng/ha. Trong đó khoai tây chế biến 35 ha tại thôn Trám, Luông và Yên Lý, xã Phúc Sơn cho thu nhập 150-160 triệu đồng/ha/vụ; dưa bao tử, cà chua bi thu lãi từ 6-8 triệu đồng/sào/vụ. Ngoài ra, khu đồng sản xuất cà ghém, rau xanh tại xã Phúc Hòa, Cao Thượng; hành, tỏi với quy mô hơn 100 ha tại xã Liên Chung, Quế Nham... cũng cho thu nhập 150-200 triệu đồng/ha/vụ. 

Nhiều giải pháp khuyến khích sản xuất

Tiếp tục phát huy hiệu quả kinh tế, khuyến khích nông dân sản xuất, năm 2014, UBND huyện Tân Yên sớm xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích cây vụ đông. Toàn huyện gieo trồng 4.700 ha rau màu các loại, tăng 200 ha so với năm ngoái, trong đó lạc 1.100 ha; ngô 900 ha; rau chế biến hơn 600 ha và rau, củ, quả các loại… 


{keywords}

Cà chua bi là một trong những cây trồng vụ đông thế mạnh của Tân Yên, đem lại hiệu quả kinh tế cao.


Huyện chỉ đạo xây dựng hai cánh đồng mẫu sản xuất khoai tây chế biến, lạc giống quy mô 30 ha/cánh đồng tại xã Phúc Sơn, Song Vân; hai cánh đồng trồng lạc giống, rau quả thực phẩm tập trung từ 10 đến 20 ha tại xã Cao Thượng, Việt Ngọc. Dự kiến, toàn huyện thu hoạch xong lúa mùa sớm trước ngày 25-9, đến ngày 5-10 hoàn thành kế hoạch trồng lạc đông, giữa tháng 10 trồng xong ngô; khoảng  cuối tháng 11 kết thúc trồng khoai tây và tiếp tục trồng rau màu đến hết tháng 11. 

Để hạn chế tình trạng bỏ trống ruộng, huyện phát động thi đua sản xuất vụ đông như: Thưởng cho xã, thị trấn, thôn, khu phố tiêu biểu hoàn thành vượt kế hoạch; tiếp tục hỗ trợ ban điều hành thôn tổ chức sản xuất thành vùng tập trung đối với lạc giống, rau quả thực phẩm, rau quả chế biến; hỗ trợ xây dựng cánh đồng mẫu theo chính sách của tỉnh và huyện; giao chỉ tiêu kế hoạch sản xuất cụ thể cho các xã; tuyên truyền nông dân tích cực mở rộng diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao. 

Xác định đầu ra của sản phẩm là yếu tố quan trọng, quyết định thành công trong sản xuất, mới đây, UBND huyện tổ chức gặp mặt 20 doanh nghiệp kinh doanh, chế biến rau quả thực phẩm ở trong và ngoài tỉnh để chuẩn bị cho bước liên kết, bao tiêu sản phẩm trong vụ đông. 

Ông Nguyễn Thế Huy, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Tại hội nghị, huyện đã nghe ý kiến phản ánh về thuận lợi cũng như khó khăn của doanh nghiệp khi liên kết với nông dân sản xuất cây vụ đông. Đại diện lãnh đạo huyện đã giải đáp những thắc mắc, trong đó huyện cam kết kiên quyết không để xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán giữa các đơn vị; tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm để doanh nghiệp thu mua; yêu cầu các xã vận động nông dân tuân thủ hợp đồng”. 

Cũng theo ông Huy, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn bảo đảm các điều kiện để cây trồng cho năng suất, chất lượng tốt như: Nước tưới, hạ tầng thủy lợi; tổ chức tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho nông dân. Ràng buộc doanh nghiệp ký hợp đồng ấn định giá tối thiểu đối với từng nhóm sản phẩm.

Theo tổng hợp của Trạm Khuyến nông huyện, đến ngày 27-8, đã có 8 doanh nghiệp đăng ký liên kết tiêu thụ sản phẩm rau quả vụ đông cho nông dân. Trong đó nhiều doanh nghiệp lớn có uy tín như: Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang); Công ty TNHH Hội Vũ (Hà Nam); Công ty cổ phần Xuất khẩu Thực phẩm Hải Dương…


Trịnh Lan - Kim Anh



Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...