Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 29 °C / 26 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang: Phát triển thị trường bán lẻ

Cập nhật: 13:43 ngày 15/09/2014
(BGĐT) - Nắm bắt tiềm năng, lợi thế của Bắc Giang, nhiều nhà đầu tư đang tích cực triển khai xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị góp phần thúc đẩy phát triển thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh.
{keywords}

 Dự án Trung tâm thương mại Big C Bắc Giang đang hoàn thiện những hạng mục cuối.

Đồng loạt triển khai dự án

Trong số các dự án phải kể đến Trung tâm Thương mại (TTTM) Dịch vụ tổng hợp Hapro Bắc Giang được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 12-2011, do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hà Nội triển khai, dự kiến khai trương vào cuối năm nay. 

Bà Nguyễn Thị Phương Thanh, đại diện doanh nghiệp cho biết, Hapro Bắc Giang gồm một tòa nhà hai tầng,  tổng diện tích sàn hơn 6,5 nghìn m2 nằm ngay Quảng trường 3-2, đường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang). Công trình có thiết kế hiện đại, tổng vốn đầu tư hơn 92,8 tỷ đồng. Các ngành hàng kinh doanh chủ yếu là: Điện máy, hàng tiêu dùng, thời trang, mỹ phẩm, nhà hàng, khu vui chơi giải trí… được cung cấp bởi các thương hiệu uy tín trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp cam kết cung cấp các sản phẩm bảo đảm chất lượng, được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, mang lại sự hài lòng cho khách hàng khi đến tham quan, mua sắm. Ngoài ra, Hapro Bắc Giang còn liên kết với các doanh nghiệp uy tín từ các TP lớn như: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng và các tỉnh giáp ranh như: Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn… đầu tư kinh doanh, góp phần đẩy mạnh hoạt động thương mại dịch vụ, đáp ứng nhu cầu mua sắm, giải trí của nhân dân. Bên cạnh đó, Hapro còn góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động. 

TTTM Big C Bắc Giang cũng đang được Công ty cổ phần Bất động sản Việt Nhật đầu tư tại xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) trên tổng diện tích hơn 22 nghìn m2, tổng vốn đầu tư 199,5 tỷ đồng. Trong đó, riêng phần siêu thị được xây dựng trên diện tích 6,1 nghìn m2, tổng mức đầu tư 75 tỷ đồng. Dự án đang hoàn thiện những hạng mục cuối, dự kiến khai trương vào cuối năm nay. 

Cũng đầu tư vào TP Bắc Giang, Công ty TNHH một thành viên FAM&CO. INVIEST bắt đầu xây dựng siêu thị Co.op Mark Bắc Giang trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP Bắc Giang) với diện tích 4.720m2, tổng mức đầu tư hơn 65,7 tỷ đồng. Tại thị trấn Vôi (Lạng Giang) Công ty cổ phần tập đoàn HDB Việt Nam cũng đang đầu tư xây dựng TTTM với quy mô tòa nhà 5 tầng, diện tích sử dụng hơn 10 nghìn m2. Theo thông tin từ các nhà đầu tư, nhiều dự án sẽ đồng loạt hoàn thiện, đi vào hoạt động trong năm 2015.

Chủ động nắm bắt thị trường

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 10 TTTM, siêu thị đang hoạt động, mỗi đơn vị có một chiến lược, phương thức kinh doanh riêng nhưng đều hướng đến xây dựng môi trường thương mại văn minh, hiện đại, tạo ra lợi nhuận trong kinh doanh và nhiều tiện ích cho người tiêu dùng. Một đại diện quản lý tại TTTM Big C cho biết, trước khi đầu tư, doanh nghiệp đã tìm hiểu rất kỹ thị trường, tiềm năng phát triển thương mại của tỉnh. Số dân Bắc Giang ở mức trung bình nhưng thu nhập bình quân đầu người ở mức khá. 

Kết quả theo dõi khách hàng tại hệ thống siêu thị Big C ở Hà Nội cho thấy, người dân Bắc Giang đến giao dịch khá đông. Trong thời gian đầu, Big C xác định tập trung xây dựng hình ảnh, uy tín, thương hiệu đối với khách hàng, hướng đến những khách hàng tiềm năng ở khu vực ngoại thành TP Bắc Giang và các huyện lân cận, thậm chí cả khách hàng ở các tỉnh lân cận chưa có hệ thống bán lẻ của Big C như Lạng Sơn, Bắc Ninh.

Trong chiến lược kinh doanh, Big C dự kiến đưa từ 30 đến 40 nghìn mặt hàng thiết yếu trong tiêu dùng như: Ăn uống, điện tử, điện lạnh, mỹ phẩm, thời trang, dịch vụ vui chơi giải trí... Bên cạnh đó là phát triển hệ thống bến bãi, điểm dừng, đỗ xe đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân. Ngoài sản phẩm do các doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước cung cấp, Big C sẽ chú trọng phát triển kênh sản phẩm chủ lực là những đặc sản của địa phương như: Vải thiều Lục Ngạn, mì Chũ, gà đồi Yên Thế... tạo nên sự liên kết, thúc đẩy sản xuất của tỉnh.

Một số siêu thị, TTTM lại có chiến lược liên kết với nhà phân phối tại các tỉnh, TP để khai thác thị trường, nhiều gian hàng cũng được bán hoặc cho thuê để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh. Ở hình thức kinh doanh nào thì sự có mặt của các TTTM, siêu thị sẽ góp phần phát triển thị trường bán lẻ của tỉnh, tạo nên môi trường cạnh tranh lành mạnh, văn minh. 

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Quản lý Thương mại (Sở Công thương), việc xây dựng các TTTM, siêu thị hiện nay nằm trong quy hoạch phát triển hệ thống TTTM, siêu thị, chợ trung tâm của tỉnh. Với sự đầu tư bài bản của các doanh nghiệp uy tín, các TTTM, siêu thị sẽ góp phần hạn chế hàng giả, hàng kém chất hượng, giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn khi mua sắm. 

Ngoài những đơn vị đang triển khai dự án, hiện còn ba doanh nghiệp đang khảo sát đầu tư tại các điểm quy hoạch trên đường Nguyễn Văn Cừ. Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ lập hồ sơ công nhận thứ hạng, đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo đảm các TTTM hoạt động hiệu quả.

"Chính sách thu hút đầu tư của tỉnh hiện nay là khuyến khích phát triển các dự án xây dựng TTTM, siêu thị góp phần làm tăng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu các ngành kinh tế. Không chỉ quy hoạch, tạo quỹ đất, hỗ trợ tối đa việc giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp còn được các cơ quan chuyên môn của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính khi triển khai dự án" - Ông Vũ Văn Cường, Trưởng phòng Hợp tác và Kinh tế đối ngoại (Sở Kế hoạch và Đầu tư).


Văn Thương



Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...