Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 35 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sản xuất nông nghiệp ở Bắc Giang: Đổi công, tăng hiệu quả

Cập nhật: 08:11 ngày 17/09/2014
(BGĐT) - Trước tình trạng thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp, ở một số vùng quê trong tỉnh Bắc Giang đã hình thành các nhóm lao động đổi công cho nhau mỗi khi vào mùa vụ cao điểm.
{keywords}
 Tổ đổi công làm đất trồng củ đậu ở thôn Bình An, xã Chu Điện (Lục Nam).

Giảm sức ép thời vụ

Chu Điện (Lục Nam) là xã điển hình có nhiều tổ, nhóm đổi công hoạt động hiệu quả. Bà con nơi đây, ngoài cấy lúa còn trồng rau màu như: củ đậu, dưa hấu, dưa lê, hành lá, su hào, cà chua… Công việc khá vất vả trong khi mỗi gia đình chỉ có 2-4 lao động nên nhiều năm nay người dân Chu Điện sáng tạo trong cách làm bằng việc đổi công. Những ngày này, về bất cứ cánh đồng nào trong xã đều dễ dàng bắt gặp các nhóm lao động tập thể (từ 10-15 người). 

Trên thửa ruộng của gia đình anh Nguyễn Văn Đoàn, thôn Bình An, 13 lao động đang tất bật, người cào luống, đập đất, san phẳng, người tra hạt củ đậu, phủ rạ… Anh Đoàn cho biết: “Nhà tôi ít người nên trước đây 2-3 ngày mới trồng xong một sào củ đậu. Nhưng nay, nhờ làm đổi công, chỉ trong buổi sáng gia đình tôi đã hoàn thành”. 

Chị Thanh, anh Hùng đang làm đổi công cho nhà anh Đoàn cũng có chung nhận xét kể từ khi hình thành tổ đổi công, việc trồng củ đậu dường như nhẹ nhàng và đỡ vất vả hơn rất nhiều. Trồng củ đậu đòi hỏi nhiều công, kỹ thuật khắt khe, làm đất xong phải trồng ngay trong ngày để hạt nảy mầm đồng đều. Nhờ đổi công nên công việc được thực hiện nhanh chóng, nhiều thửa ruộng sáng lúa chiều đã củ đậu. 

"Tổ đổi công là hình thức liên kết tổ chức sản xuất tập thể đang phát huy hiệu quả, không chỉ giảm chi phí sản xuất, khắc phục được tình trạng thiếu lao động ở nông thôn mà còn ý nghĩa hơn khi mỗi người dân gắn bó, chia sẻ giúp đỡ nhau, phát huy tinh thần tương thân tương ái. Đây là cách làm hay và sáng tạo cần được các địa phương nhân rộng nhất là trên các cánh đồng mẫu” - 
Ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang.

Theo ông Hoàng Văn Đềm, Phó Chủ tịch UBND xã Chu Điện, việc đổi công giúp bà con trao đổi kinh nghiệm sản xuất, thu hoạch rau màu kịp thời vụ, bảo đảm hàng cho thương nhân thu mua gọn trong buổi sáng hoặc chiều. Các xã Bảo Đài, Bảo Sơn (Lục Nam) có diện tích trồng đậu cô-ve, dứa, dưa hấu tập trung cũng hình thành các tổ đổi công thường xuyên giúp nhau trong gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch. 

Tiết kiệm chi phí sản xuất

Hiện nay, tổ đổi công hình thành  nhiều ở vùng trồng rau màu hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Ngoài huyện Lục Nam, tại một số xã Lãng Sơn, Tư Mại, Đức Giang (Yên Dũng); Tân Dĩnh, Tân Hưng (Lạng Giang); Hoàng Lương (Hiệp Hòa) các tổ đổi công hình thành. 

Ông Hoàng Văn Huấn, thôn Đông Thượng, xã Lãng Sơn (Yên Dũng) cho biết: “Mỗi vụ gia đình tôi cấy một mẫu lúa. Chỉ có hai vợ chồng là lao động chính nên vào vụ thu hoạch mất nửa tháng liên tục mới cắt, tuốt lúa và phơi rơm xong. Lắm vụ, công việc dồn dập, tôi phải thuê người làm chi phí tốn kém nhưng nay nhờ làm đổi công nên mỗi sào tiết kiệm được 600 nghìn đồng thuê nhân công”.  

{keywords}

Đổi công thu hoạch hành lá ở xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang).

Hay tại xã Tân Dĩnh (Lạng Giang), người dân cũng đổi công cho nhau cắt lúa, trồng hoa, tát nước. Bà Ngô Thị Tuyết, thôn Tân Sơn 4 nói: “Gia đình tôi hiện chỉ có 3 người làm 7 sào ruộng. Cắt lúa xong phải trồng màu ngay nên không có đủ người làm. Do vậy, khi lúa của nhà chưa được thu hoạch, tôi tranh thủ đi làm đổi công cho 3-4 nhà bên cạnh để sau họ lại làm giúp mình. Nếu phải thuê nhân công mỗi ngày 200 nghìn đồng/người thì không còn lãi”.  

Đặc biệt do huy động được sức lao động của nhiều người cùng tham gia nên công việc thu hoạch lúa của người dân chóng xong, thuê chuyến xe vận chuyển và tuốt lúa một lần không phải làm lẻ tẻ nên giảm chi phí thuê máy móc. Đặc biệt, tổ đổi công còn giúp các hộ tránh được những tác động bất lợi của thời tiết khi đến vụ thu hoạch gặp mưa, bão. Buổi sáng cắt lúa, trưa tuốt xong, kịp phơi nắng, hiếm khi thóc bị mốc, mọc mầm. 

Được biết, để duy trì hiệu quả của tổ, nhóm đổi công, nhiều thôn giao cho chi hội trưởng, chi hội phó hội nông dân, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên hoặc người có kinh nghiệm sản xuất giỏi làm tổ trưởng. Ví như thôn Xuân Phong, xã Chu Điện, các tổ trưởng có nhiệm vụ dàn xếp lao động quay vòng trên các thửa ruộng của tổ viên sao cho đồng thuận, hợp lý, kịp thời vụ; việc nào cần kíp ưu tiên làm trước. Đồng thời, tích cực đôn đốc các thành viên trong nhóm làm đổi công đúng giờ,  có trách nhiệm. Cứ một tuần các tổ đổi công sinh hoạt nhóm một lần để trao đổi, phổ biến kỹ thuật sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ đó, sự gắn kết và hiệu quả công việc của các tổ ngày càng được củng cố, nâng cao.

Hải Minh 



Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...