Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khơi thông dòng vốn nông nghiệp - nông thôn

Cập nhật: 16:44 ngày 22/09/2014
(BGĐT) - Thời gian qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tích cực triển khai Nghị quyết 01 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp - nông thôn (NNNT). Qua đó tập trung nguồn vốn góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
{keywords}

Khách hàng giao dịch tại Trụ sở chính của Agribank Bắc Giang tại đường Nguyễn Thị Lưu 

(TP Bắc Giang).

Những tín hiệu vui

Xác định việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ NNNT là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong quá trình hoạt động, thời gian qua, ngành ngân hàng đã tổ chức triển khai nghiêm túc, kịp thời các quyết định, chỉ đạo của trung ương, đồng thời bám sát chương trình phát triển KT-XH của tỉnh, huy động vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp vay vốn. 

Là một trong những ngân hàng đóng vai trò chủ lực trong hoạt động này, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang (Agribank Bắc Giang) đã phát huy lợi thế mạng lưới chi nhánh phủ kín 10/10 huyện, thành phố trong tỉnh; thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp giải ngân vốn tín dụng khu vực nông thôn. Trong đó chi nhánh Agribank các huyện, thành phố đã phối hợp với hội nông dân, hội phụ nữ thành lập tổ vay vốn; tích cực hướng dẫn các hộ phương án sản xuất, kinh doanh khả thi... 

Theo Trưởng Phòng Tín dụng Agribank Bắc Giang Đào Văn Vũ, đến 31-7-2014, dư nợ tại hơn 1.900 tổ tiết kiệm vay vốn đạt hơn 1.700 tỷ đồng với gần 53 nghìn thành viên. Nhờ nguồn vốn từ ngân hàng, nhiều hộ nông dân đã phát triển kinh tế. Gia đình anh Nguyễn Ngọc Toản ở thôn Huyện, xã Tiến Dũng (Yên Dũng) là một điển hình. 

“Khi vợ đi xuất khẩu lao động về, có bao nhiêu tiền chúng tôi đổ vào sửa sang nhà cửa, chuồng trại, đào ao thả cá nên vốn liếng chả còn là bao. Có thêm khoản vốn 50 triệu đồng vay từ ngân hàng Agribank đã giúp chúng tôi mua cặp bò và cá giống chăn thả, tạo thu nhập ổn định cho gia đình”- anh Toản chia sẻ. 

Các ngân hàng thương mại khác trên địa bàn cũng tích cực triển khai cho vay trong lĩnh vực NNNT như BIDV, VP Bank, Navi Bank, Ocean Bank…, coi đây là một trong những “chiến lược” nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước tỉnh, đến 31-7-2014, dư nợ cho vay phát triển NNNT đạt 5.866 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30%; chủ yếu tập trung trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp và sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn nông thôn. 

Tiếp tục gỡ rào cản

Mặc dù việc tiếp cận vốn vay ngân hàng của đối tượng khách hàng khu vực NNNT thời gian qua đã có chuyển biến tích cực nhưng có thể thấy, so với nhu cầu vốn khu vực NNNT hiện nay thì khả năng giải ngân vốn tại ngân hàng vẫn hạn chế. 

Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho rằng, quy định mới nâng hạn mức cho vay trong lĩnh vực NNNT nhưng nhiều khách hàng chưa đủ uy tín, thiếu phương án kinh doanh khả thi; đồng thời việc nâng hạn mức cho vay không cần tài sản thế chấp làm tăng đáng kể rủi ro. Do đó, mức trích lập dự phòng rủi ro đối với những khoản vay không có tài sản thế chấp từ đó cũng tăng cao hơn, khả năng xử lý thu hồi nợ thường gặp khó khăn nên các ngân hàng dù rất muốn cũng chưa dám “mạnh tay” cho vay đối với không ít trường hợp.

Còn ý kiến của các chủ trang trại, gia trại, hộ sản xuất, kinh doanh ở nông thôn lại cho rằng, nhiều HTX, hộ sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn trong vay vốn ngân hàng vì giá trị tài sản thế chấp thấp, nên số tiền được vay thấp không đáp ứng nhu cầu vốn, cần có sự bảo lãnh vay vốn hoặc tín chấp của ngân hàng. 

Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp Việt Lập (Tân Yên) chia sẻ: “Đa phần các chủ trang trại, gia trại hay hộ sản xuất, kinh doanh địa bàn NNNT không có khả năng lập dự án, phương án sản xuất, kinh doanh dẫn đến khó khăn trong việc lập hồ sơ vay vốn gửi ngân hàng. Bên cạnh đó, thủ tục vay ngân hàng chưa thuận tiện, mất nhiều thời gian do liên quan đến việc thẩm định, kiểm tra trước khi cho vay của ngân hàng và các thủ tục khác như công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm…”. 

Ngân hàng “ngại” cho vay tới hộ nông dân, còn người dân thì “ngại đi vay” vì cơ chế, thủ tục cho vay phức tạp trở thành “rào cản” cần tháo gỡ không chỉ từ phía ngân hàng và người dân mà còn các cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tỉnh, để khơi thông nguồn vốn vay cho các đối tượng khu vực NNNT, đặc biệt là các hộ sản xuất, kinh doanh khu vực này, thời gian tới, khối ngân hàng sẽ chủ động triển khai các giải pháp và gói tín dụng cho vay phù hợp với từng loại hình nuôi, trồng của các nông hộ; tiếp tục đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong việc lập hồ sơ vay vốn. 

Được biết, Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng đã có kế hoạch phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân trong việc tiêu thụ sản phẩm; triển khai mô hình “chuỗi liên kết” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… nhằm thúc đẩy khu vực NNNT phát triển mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới.

Quỳnh Hương



Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...