Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 34 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đẩy mạnh cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp

Cập nhật: 14:52 ngày 23/09/2014
(BGĐT) - Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản số 5342/NHNN-TTGSNH yêu cầu các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay, trong đó có hướng xem xét tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản (cho vay tín chấp).

{keywords}

Hoạt động có uy tín, hiệu quả nên Công ty CP May Hà Bắc thường xuyên được vay tín chấp.

Ảnh: Anh Tuấn

Vay tín chấp là một trong những giải pháp để đẩy mạnh cho vay trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ở mức thấp như hiện nay. Tính đến ngày 31-7, tổng dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt 19.361 tỷ đồng, tăng 3% so với thời điểm 31-12-2013. Đây là mức tăng trưởng thấp so với kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước đề ra. Có nhiều nguyên nhân trong đó một phần do các doanh nghiệp (DN) không còn tài sản để thế chấp vay ngân hàng hoặc có tài sản nhưng không đủ bảo đảm cho nhu cầu vay. 

Cho vay tín chấp là phương thức cho vay không có tài sản thế chấp, cầm cố hoặc bảo lãnh của bên thứ ba mà chỉ dựa vào uy tín của DN vay vốn để quyết định cho vay. Thông thường các ngân hàng chỉ áp dụng trong trường hợp DN vay ngắn hạn bổ sung vốn lưu động. Và kèm theo đó là các điều kiện tùy thuộc chính sách tín dụng của từng ngân hàng. Có thể kể ra như: về lịch sử quan hệ tín dụng, uy tín với ngân hàng; xếp hạng tín nhiệm DN; hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành nghề hoạt động... 

Trên địa bàn tỉnh, những khách hàng được cấp tín chấp một phần hoặc toàn phần là những DN hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng (Công ty TNHH TM Uyên Cường, Công ty TNHH TMDV Tiến Thành), phụ tùng ô tô xe máy (Công ty TNHH TMDV Vinh Anh); sản xuất chế biến thực phẩm; dệt may (Công ty CP May Hà Bắc) hoặc phân bón... Đây là những ngành thế mạnh và hoạt động hiệu quả. 

Việc cho vay tín chấp là hoạt động tín dụng bình thường, được một số ngân hàng triển khai từ lâu, áp dụng đối với các DN lớn, uy tín, có năng lực tài chính tốt và có dòng tiền luân chuyển qua tài khoản thường xuyên. Riêng đối với các DN vừa và nhỏ, để được vay tín chấp là không đơn giản.

Hiện tại, khối ngân hàng quốc doanh thực hiện cho vay tín chấp đối với khách hàng dựa trên sự đánh giá tín nhiệm DN, đây đều là những DN có lịch sử quan hệ lâu năm, uy tín và hoạt động hiệu quả. Còn đối với khối ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện theo chương trình, chính sách tín dụng chung từ hội sở chính. Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cho vay tín chấp theo danh sách các khách hàng được hội sở chính thẩm định, phê duyệt (hằng năm) và gửi xuống cho các chi nhánh thực hiện. Theo đó, MB ưu tiên hướng tới các DN hoạt động phân phối sữa, bánh kẹo, thực phẩm để cho vay tín chấp. 

Còn với Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank) đang triển khai cung cấp gói tín dụng tổng thể cho DN. Khách hàng được cấp một hạn mức tín dụng bao gồm cho vay, bảo lãnh và phần bảo lãnh (bao gồm cả bảo lãnh thanh toán) sẽ được tín chấp một phần hoặc toàn bộ. Với phương thức bảo lãnh thanh toán DN sẽ tiết kiệm được 1/3 chi phí so với việc vay vốn ngân hàng do mức phí bảo lãnh thấp hơn nhiều lãi suất vay. 

Một lãnh đạo ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho rằng “tín chấp” là tín nhiệm giữa hai bên, trong khi DN nhỏ, thời gian hoạt động chưa nhiều nên chưa tạo được chữ tín với ngân hàng. Do đó, các DN vừa và nhỏ cần phải có chiến lược hoạt động kinh doanh bài bản, minh bạch, có thể mở tài khoản ngân hàng, thực hiện các giao dịch thông qua tài khoản và hạn chế dùng tiền mặt. 

Về lâu dài các DN nên mời kiểm toán độc lập xác nhận tính chính xác về báo cáo tài chính của mình thì ngân hàng mới có cơ sở đánh giá độ tín nhiệm của khách hàng để cân nhắc cho vay…

Để thực hiện chủ trương đẩy mạnh cơ chế cho vay tín chấp của Chính phủ cần có sự nỗ lực của các bên, bao gồm ngân hàng, DN và chính quyền địa phương. Với ngân hàng, cần có chính sách, cơ chế cho vay linh hoạt và đa dạng các hình thức bảo đảm như quản lý dòng tiền, quản lý khoản phải thu, nhận cầm cố kho hàng luân chuyển. 

Với DN cần minh bạch hóa dòng tiền, hoạt động kinh doanh cũng như việc lập báo cáo tài chính thì mới được xếp hạng tín nhiệm tốt. Chính quyền cần tích cực thể hiện vai trò trung gian kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các bên.

Phúc Nguyễn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...