Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuẩn bị thật tốt để xuất khẩu vải thiều vào thị trường Mỹ

Cập nhật: 16:42 ngày 20/10/2014
(BGĐT) - Để được Bộ Nông nghiệp Mỹ đồng ý nhập khẩu vải thiều Việt Nam, UBND tỉnh Bắc Giang và các bộ ngành trung ương đã phải nỗ lực trong nhiều năm. Nhân sự kiện này, phóng viên phỏng vấn đồng chí Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
{keywords}

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hạnh.

{keywords}

Ngay từ năm 2005, UBND tỉnh đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) để xây dựng và cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá “vải thiều Lục Ngạn”. Năm 2008, Cục Sở hữu trí tuệ tiếp tục cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số cho vải thiều Lục Ngạn gồm 20 xã và thị trấn trên địa bàn huyện. Hiện nay, vải thiều Lục Ngạn đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản một số nước EU và Đông Nam Á.

Ngày 11-9-2014, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công bố quyết định chính thức cho phép nhập khẩu vải thiều và quả nhãn từ Việt Nam. Để có được sự chấp thuận của Bộ Nông nghiệp Mỹ, UBND tỉnh đã phối hợp cung cấp thông tin, triển khai một số công việc theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hỗ trợ quá trình tham gia đàm phán qua nhiều công đoạn như: Nộp đơn yêu cầu, nộp danh sách dịch hại cho nước nhập khẩu, phân tích nguy cơ dịch hại, đưa ra giải pháp bảo vệ,   các cam kết bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...

Có ý kiến cho rằng đáp ứng đủ tiêu chuẩn để vào được thị trường khó tính này không đơn giản. Vậy theo đồng chí, vải thiều của Bắc Giang muốn thực sự xâm nhập được thị trường Mỹ, chúng ta cần vượt qua những rào cản nào từ phía đối tác?

Đồng chí Bùi Văn Hạnh: Thị trường Mỹ và người tiêu dùng Mỹ rất khó tính, đòi hỏi đối tác của mình rất nhiều yêu cầu, trong đó đặc biệt là an toàn thực phẩm theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) đang được áp dụng đối với các nước thành viên của WTO, quy định về nhãn mác thương hiệu, bao bì và quy tắc xuất xứ đối với hoa quả xuất khẩu...

Trước hết, chúng ta cần đáp ứng đầy đủ về các tiêu chuẩn về vệ sinh - an toàn thực phẩm mà Bộ Nông nghiệp Mỹ quy định như: Quả vải phải được trồng ở vùng đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam theo dõi, bảo đảm không có mầm bệnh; trước khi xuất khẩu phải được chiếu xạ chống ký sinh trùng; mỗi lô hàng phải có chứng chỉ về an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng của Việt Nam và chứng chỉ nguồn gốc xuất xứ... mới được phép xuất khẩu vào Mỹ.

Nếu không đáp ứng được các quy định trên, Mỹ sẽ áp dụng các lệnh trừng phạt, khi đó chúng ta sẽ đánh mất thị trường và cơ hội quay trở lại sẽ rất khó. Chính vì vậy, việc quan trọng là phải chủ động, khẩn trương triển khai các công việc cụ thể để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của họ đó là: Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho quả vải, thực hiện tiêu chuẩn GAP trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, đóng gói và xuất khẩu; xây dựng chuỗi cung ứng, sản xuất và xuất khẩu sạch để gây dựng niềm tin, giữ vững thị trường.

Thưa đồng chí, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và các huyện, nhất là Lục Ngạn phải chuẩn bị những gì để ngay trong vụ vải thiều tới, ta có thể đưa được những lô hàng đầu tiên vào thị trường Mỹ?

Đồng chí Bùi Văn Hạnh: Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và UBND huyện Lục Ngạn phối hợp xây dựng kế hoạch xúc tiến xuất khẩu vải thiều vào thị trường Mỹ. Với quan điểm không nóng vội, làm đến đâu chắc đến đó, UBND tỉnh đặt ra các mục tiêu: Quy hoạch, tổ chức sản xuất vải thiều Lục Ngạn theo tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP), bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới với những đòi hỏi cao hơn. Phát triển thương hiệu “Vải thiều Lục Ngạn” thành thương hiệu mạnh ở trong nước và nước ngoài. Lựa chọn, áp dụng công nghệ hiện đại, giá cả hợp lý vào bảo quản, chế biến, đóng gói nhằm nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian tiêu thụ vải thiều. Hình thành và phát triển chuỗi liên kết chặt chẽ trong sản xuất, bảo quản - chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

{keywords}

Sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hồng Giang (Lục Ngạn).Ảnh: Việt Hưng

Đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, tích cực thâm nhập và nắm bắt thông tin nhằm giữ vững thị trường xuất khẩu truyền thống, từng bước tiếp cận, khơi thông, mở rộng sang các thị trường mới, cao cấp; nâng cao giá trị quả vải thiều, góp phần cải thiện đời sống người trồng vải. Trước mắt, năm 2015 bước đầu đưa vải thiều thâm nhập vào thị trường Mỹ và xúc tiến xuất khẩu vào thị trường Úc, Nhật Bản và một số thị trường khác.

Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đặt ra các nhiệm vụ cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, trong đó đặc biệt chú ý: Triển khai sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại Hợp tác xã Hồng Xuân, xã Hồng Giang, (Lục Ngạn) với quy mô 100 ha, sản lượng khoảng 500-600 tấn.  Duy trì và mở rộng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP được cấp giấy chứng nhận là 200 ha tại huyện Lục Ngạn; sản lượng dự kiến khoảng 1.000-1.200 tấn. 

Đăng ký bảo hộ địa danh cho vải thiều tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Nga, Israel, Singapore và một số thị trường khác. Lựa chọn công nghệ bảo quản nhằm nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian sử dụng vải thiều để phục vụ xuất khẩu, trong đó Công nghệ đang được xem xét áp dụng gồm: Công nghệ màng bao gói khí quyển biến đổi MAP của Israel; công nghệ CAS của Nhật Bản. Lựa chọn, phát triển hệ thống các doanh nghiệp liên kết sản xuất, doanh nghiệp áp dụng công nghệ bảo quản, doanh nghiệp đầu mối xuất khẩu. 

Ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích nhân dân tham gia trồng vải theo tiêu chuẩn quốc tế; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, áp dụng công nghệ bảo quản và đẩy mạnh xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu vải thiều tại thị trường Mỹ và các thị trường mới, tiềm năng khác. Làm việc cụ thể với một số doanh nghiệp có khả năng để kết nối họ vào chuỗi liên kết nhằm tránh rủi ro cũng như thiệt hại cho các bên trong quá trình triển khai.

Xin đồng chí cho biết, UBND tỉnh có kế hoạch phối hợp như thế nào với các bộ, ngành trung ương trong việc xúc tiến xuất khẩu vải thiều đi Mỹ và một số thị trường khác?

Đồng chí Bùi Văn Hạnh: Đây là việc tỉnh cần phải tập trung cao trong thời gian tới. Trước hết, tập trung cao cho việc phối hợp khơi thông thị trường để các nước mở cửa thị trường cho sản phẩm vải thiều; chủ động nắm chắc thông tin để định hướng về số lượng sản xuất, tiêu chuẩn sản xuất và phương thức thực hiện để chủ động tổ chức các công việc đáp ứng yêu cầu đặt ra. 

Tiếp đến là tập trung vào những nội dung phối hợp cụ thể như: Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai mô hình sản xuất vải theo tiêu chuẩn GlobalGAP; cấp mã số vùng trồng (chỉ dẫn địa lý) cho quả vải; các quy trình canh tác  bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt là trong tìm hiểu thông tin về công tác kiểm tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ trước khi nhập khẩu vải thiều vào Mỹ. 

Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trong lựa chọn công nghệ bảo quản vải thiều và lựa chọn đơn vị chiếu xạ vải thiều phục vụ xuất khẩu; bảo hộ thương hiệu vải thiều Lục Ngạn tại các quốc gia; đề nghị Bộ hỗ trợ kinh phí áp dụng công nghệ bảo quản vải thiều theo quy định. Phối hợp với Bộ Công thương trong công tác xúc tiến thương mại, nhất là tại thị trường Mỹ; tăng cường và đa dạng về nội dung, hình thức và cách thức quảng bá vải thiều; tìm hiểu thông tin về thủ tục xuất nhập khẩu và các rào cản thương mại để có các biện pháp thích ứng. 

Ngoài ra tỉnh sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan truyền thông đại chúng, các hãng bán lẻ và các kênh khác để có thể trực tiếp, gián tiếp tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và thương hiệu vải thiều rộng khắp...

Trân trọng cảm ơn đồng chí!      

Kim Hiếu (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...