Thứ năm, 02/05/2024
Bắc giang 22 °C / 23 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đại biểu Quốc hội quan tâm xử lý nợ xấu

Cập nhật: 20:05 ngày 30/10/2014
Ngày 30-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế-xã hội. Vấn đề nợ xấu là một trong những nội dung được quan tâm, nhất là cách thức giải quyết hiệu quả.
{keywords}
Ảnh minh họa.

Đại biểu Đặng Thuần Phong dẫn lại con số nợ xấu từ khi xác định vào năm 2012 là khoảng 464.600 tỷ đồng, tính tới tháng 9/2014 thì mới xử lý được hơn 249.000 tỷ đồng (hơn 50% tổng số nợ xấu). Riêng Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tới nay đã mua được 86.000 tỷ đồng và đã xử lý, trả vốn hơn 1.400 tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp.

“Đây là nỗ lực lớn của Ngân hàng Nhà nước. Điểm thắt của vấn đề này là thiếu nguồn lực, thiếu hỗ trợ từ ngân sách, thiếu cơ sở pháp lý cần thiết cho mua, bán nợ xấu. Chính phủ cần quan tâm 2 điểm thắt này để xử lý nợ xấu”, đại biểu Phong nói.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ nói: "Cái khó là môi trường pháp lý và những điều kiện thực hiện đang cản trở việc xử lý nợ xấu".

Đại biểu Trần Xuân Hùng nêu: “Công ty VAMC và Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DTAC) đều chưa đủ quyền lực, năng lực và nguồn lực để xử lý nợ xấu. Thực tế, chỉ cần thiếu một trong ba yếu tố đã khó hoàn thành nhiệm vụ, ở đây thiếu cả ba yếu tố”.

Theo đại biểu Hùng, việc mua bán nợ xấu là của cơ chế thị trường, Chính phủ cần có cơ chế pháp lý mạnh hơn trong việc mua bán nợ, cho phép các công ty nêu trên được sử dụng các giải pháp mang tính thị trường thay cho các biện pháp hành chính để giải quyết mua đứt nợ xấu và đẩy mạnh các hoạt động bán nợ ra thị trường.

Đại biểu Siu Hương đề nghị cần có cơ chế, chính sách huy động, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cơ cấu  ngân hàng và xử lý vấn đề nợ xấu, vì cùng với vai trò chủ lực và sự cố gắng của ngành ngân hàng, cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và các doanh nghiệp.

Cùng ý với đại biểu Hương, đại biểu Đào Tấn Lộc nhắc lại đề nghị của mình cách đây 1 năm trong giải quyết nợ xấu: Ngân hàng là chủ công nhưng không chỉ Ngân hàng mà nên có Ban Chỉ đạo liên ngành do Chính phủ chỉ đạo để xử lý nợ xấu hiệu quả, đặc biệt nợ xấu có nguồn từ Nhà nước.

“Việc này đầu những năm 1990 đất nước ta đã làm, không phải là vấn đề mới, lúc đó nợ xấu còn cao hơn bây giờ. Nợ liên quan đến nợ chéo giữa các doanh nghiệp, làm tăng nợ xấu cho ngân hàng. Có loại nợ xấu xuất phát từ việc tái cơ cấu đầu tư công, nhiều địa phương không có tiền để trả nợ khối lượng doanh nghiệp đã làm, nên nợ dây chuyền cho những doanh nghiệp vật liệu xây dựng v.v... không gỡ được”, ông Lộc nói.

Về việc cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành khác, đại biểu Nguyễn Ngọc Hải cho biết, nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế, đặc biệt là nó liên quan đến hàng loạt vấn đề phục hồi, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, xử lý hàng tồn kho, xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản v.v...

“Nếu các giải pháp nêu trên không được triển khai đồng bộ, việc xử lý nợ xấu sẽ không triệt để và khó đạt được như mong muốn”, đại biểu Hải lưu ý.

Theo Chinhphu.vn


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...