Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cây xóa nghèo trên đất Yên Thế

Cập nhật: 08:44 ngày 25/01/2015
Tưởng như vùng chè ở xã miền núi Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang) không còn đất sống, thế nhưng mọi chuyện đã khác kể từ khi cây chè được quan tâm, đầu tư. Sau sáu năm, hầu hết diện tích chè ở đây chuyển đổi cây trồng và phương thức canh tác truyền thống sang áp dụng tiêu chuẩn GAP, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.Từ một xã nghèo nhất huyện Yên Thế, nhờ cây chè mà Xuân Lương đang từng bước chuyển mình.
{keywords}

Thu hoạch chè ở xã Xuân Lương.

Xuân Lương là xã xa nhất của Yên Thế, có gần 90% số dân là bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Những năm trước, cuộc sống của đồng bào còn nhiều khó khăn do tập tục canh tác lạc hậu cũng như điều kiện đồi núi khó phát triển được sản xuất hàng hóa. 

Kể từ khi thực hiện giao đất, giao rừng, người dân nơi đây đã từng bước áp dụng khoa học, kỹ thuật vào kinh tế đồi -rừng, trồng cây lấy gỗ và cây chè giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt. Từ một xã nghèo, kể từ lứa keo, bạch đàn đầu tiên được xuất bán, nhất là từ khi cây chè chính thức có "thương hiệu", Xuân Lương vươn lên thành xã khá của huyện.

Trong câu chuyện cùng chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Xuân Lương Ninh Quảng Nghiệp chia sẻ, Xuân Lương bây giờ có doanh nghiệp địa phương chuyên sản xuất, kinh doanh chè. Thật ra, không phải bây giờ xã mới trồng chè, cây chè giống cũ đã có mặt ở đây từ những năm 80 của thế kỷ trước. Do giống cũ, chăm sóc lạc hậu và chế biến thủ công cho nên năng suất thấp, giá rẻ. Đã từng có thời người Xuân Lương chặt hạ đồi chè, bỏ vườn bãi vào rừng khai thác lâm sản hoặc đi làm ăn xa.

Có thời điểm, khoảng 30-40 năm trở về trước, diện tích trồng chè toàn huyện đạt hơn một nghìn ha. Sau đó, do không bán được hoặc giá thấp vì phải "ăn theo" thương hiệu chè Thái Nguyên, người dân phá bỏ gần hết để trồng rừng kinh tế. Thế nhưng rừng không phải ai cũng có thể trồng bởi phải có vốn, có đất trong khi cây chè không phải đầu tư nhiều. 

Mặt khác, điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phía tây Yên Thế lại rất phù hợp cho cây chè phát triển. Suy đi bàn lại, Huyện ủy Yên Thế xác định phải khai thác tối đa tiềm năng sẵn có của địa phương để tạo động lực, trước hết là xóa đói, giảm nghèo cho người dân. Đến nay toàn xã có gần 250 ha đất trồng chè, giống chè năng suất cao, chất lượng tốt cho thu hàng chục tấn chè thành phẩm mỗi năm. Cây chè giúp cuộc sống của người dân nơi đây được cải thiện đáng kể.

Gia đình anh Hoàng Văn Hà, dân tộc Cao Lan, ở bản Ven là một thí dụ tiêu biểu cho sự hồi sinh của vùng chè Xuân Lương. Chỉ khoảng mười năm trước, cuộc sống của gia đình khó khăn, anh để vợ và hai đứa con nhỏ ở nhà đi làm ăn xa, lăn lộn đào vàng ở Nghệ An, phu hồ Hà Nội rồi dạt cả sang Đa Hội làm sắt. 

Thật may khi huyện thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển cây chè, gia đình anh Hà được hỗ trợ giống chè mới LDP1 và LDP2 và hướng dẫn kỹ thuật để trồng thay thế giống cũ. Mày mò học hỏi kinh nghiệm, đồng thời theo học các khóa tập huấn hướng dẫn trồng và chăm sóc theo quy trình chè sạch, an toàn VietGAP do huyện tổ chức, gia đình anh Hà đã có "vốn liếng" kha khá để bắt tay trồng chè. Sau nhiều năm kiên trì theo đuổi, giờ đây diện tích trồng cây chè xanh của gia đình anh Hà đã được mở rộng tới 1,5 mẫu và mang lại nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm sau khi đã trừ chi phí. 

Theo anh Hà, nếu tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất VietGAP thì giống chè mới cho năng suất cao gấp ba lần so với giống cũ, chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng. Sau sáu năm, từ một hộ nghèo, gia đình anh đã có một cơ ngơi khá khang trang, nuôi được hai con ăn học và có thêm vốn đầu tư cho sản xuất. Cũng như gia đình anh Hà, nhờ cây chè mà cuộc sống của hơn 100 hộ dân bản Ven cũng không chỉ bớt đi nhiều khó khăn mà còn dần ổn định, vươn lên làm giàu.

Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Yên Thế Chu Văn Thi cho chúng tôi xem đề án quy hoạch vùng chè Yên Thế với mục tiêu phát triển cây chè thành một sản phẩm nông nghiệp hàng hóa thế mạnh của huyện. Mặc dù mới chỉ có gần 500ha nhưng phần lớn dùng giống mới và áp dụng GAP nên sản lượng và chất lượng chè tương đối ổn định. 

"Điều chúng tôi băn khoăn và đang nỗ lực là xây dựng cho giống chè sạch Yên Thế một thương hiệu đủ mạnh để đứng được trên thị trường. Ngoài việc áp dụng GAP, huyện đã vận động các hộ thay thế giống chè cũ bằng giống mới, xây dựng một số hệ thống sấy, đóng gói, bảo quản đúng tiêu chuẩn cũng như nghiên cứu mẫu mã thống nhất cho toàn bộ vùng chè Yên Thế, trong đó lấy xã Xuân Lương làm trọng điểm" - ông Thi cho biết. 

Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, thương hiệu chè sạch Yên Thế sẽ khởi sắc, không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà sẽ là loại cây hàng hóa mang lại thu nhập cao cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Theo Trần Thường/ND


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...