Thứ năm, 02/05/2024
Bắc giang 22 °C / 23 - 30 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Phòng ngừa sâu bệnh kháng thuốc

Cập nhật: 10:09 ngày 26/12/2016
(BGĐT) - Ngoài làm ô nhiễm môi trường, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho cây trồng không đúng cách còn gây hiện tượng kháng thuốc ở sâu bệnh. Hậu quả là người dân ngày càng tốn nhiều chi phí, công sức để phòng chống dịch bệnh, bảo vệ mùa màng, nhất là ở vùng chuyên canh rau màu.
{keywords}

Nông dân xã Thái Đào (Lạng Giang) chăm sóc rau màu.

Gia tăng sâu bệnh

Vụ đông năm nay, trên bình diện chung của tỉnh, sâu bệnh chỉ xuất hiện rải rác, hại nhẹ ở rau màu. Nhiều hộ tại thôn Ninh Động, xã Ninh Sơn (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) phản ánh, vụ này, trồng rau tương đối thuận lợi, không phải phun thuốc trừ sâu mà vẫn cho năng suất khá. Bà Nguyễn Thị Lan cho biết: “Sau khi cắt lúa mùa, gia đình tôi trồng 2 sào hành lá thì đến nay có một nửa diện tích đã được thu hoạch. Chỉ cần tưới nước, bón phân mà hành lên xanh tốt, không bị bệnh. Mỗi sào cho khoảng 8 tạ, giá bán 6-7 nghìn đồng/kg, lãi hơn 3 triệu đồng”. 

Trong khi đó, sâu bệnh lại gây hại nặng trên rau, củ, quả tại một số vùng trồng rau màu quanh năm trong tỉnh. Đơn cử, ở xã Cảnh Thụy (Yên Dũng), không ít ruộng su hào, bắp cải dù chưa đến kỳ thu hoạch nhưng bị sâu xanh, sâu tơ ăn trụi lá. Bà Nguyễn Thị Tâm, người dân thôn Bẩy than thở: “Cách 5 ngày, rau được phun thuốc một lần song vẫn không hết sâu. Thế nên, tôi đành phải nhặt nhạnh những cây lành lặn bán để gỡ lại một phần chi phí, đồng thời phá bỏ cây bị hư hỏng rồi làm đất trồng lứa rau mới”. 

Khi thu hoạch rau màu xong, nông dân cầy lật đất, phơi ruộng cho đất nghỉ khoảng 5-7 ngày mới trồng lứa mới. Có thể rắc vôi bột khắp mặt ruộng rồi bừa kỹ để xử lý đất, hạn chế sâu bệnh tồn dư chuyển tiếp sang vụ sau.

Tương tự, tại vùng chuyên canh rau thôn Ghép, xã Thái Đào (Lạng Giang) sâu bệnh cũng phát sinh nhiều. Đa phần các hộ đều phải phun từ 5-6 lần thuốc BVTV cho mỗi lứa cây trồng, chi phí cho loại vật tư này khá lớn. Đơn cử, hộ ông Nguyễn Văn Lơ thường trồng 8 sào rau/vụ. Hiệu quả từ cây màu đem lại gấp nhiều lần so với cấy lúa nên hết mùa rau ông lại kế ngay dưa lê, dưa hấu nhằm nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, sâu bệnh gây hại nặng khiến ông mất nhiều công sức, thời gian. Ông Lơ cho biết: “Một vài năm trước, rau quả bị sâu bệnh hại, giảm năng suất nên từ đó tôi chủ động phun ngay từ đầu vụ để phòng tránh. Số tiền để mua thuốc BVTV khoảng vài triệu đồng mỗi vụ. Vậy mà, vẫn có lứa rau bị thất thu do không diệt được sâu bệnh”.

Các hộ tại vùng chuyên canh rau tại xã Chu Điện, Bảo Đài (Lục Nam); Đông Lỗ (Hiệp Hòa); Quang Thịnh, Tân Thịnh (Lạng Giang)… cũng phải dùng khá nhiều loại thuốc BVTV, không ít hộ tốn tiền mua thuốc mà không có hiệu quả, sâu bệnh vẫn gia tăng gây thiệt hại.

Xử lý đất, chọn giống sạch bệnh

Nguyên nhân của tình trạng trên là do hiện nay, nông dân thực hiện chưa đúng quy trình canh tác. Cây trồng chủ yếu được chăm sóc bằng phân hóa học mà thiếu hàm lượng hữu cơ. Điều này gây ra hiện tượng thừa đạm, tế bào bị mô xốp nên sâu bệnh dễ dàng xâm nhập. Nhiều vụ, trên đồng ruộng mật độ sâu rất thấp, chưa đến ngưỡng nhưng bà con đã “nã” ngay thuốc BVTV, vô hình chung tiêu diệt vi sinh vật có ích. 

Bà Đỗ Thị Luyến, Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV cho biết: “Chân đất chuyên trồng màu, không luân canh với cây trồng khác, sâu bệnh sẽ lưu cữu trong đất nhiều. Hơn nữa, nông dân lại sử dụng thuốc BVTV tùy tiện khiến sâu dần biến đổi, có khả năng kháng thuốc. Chính vì vậy, tại các vùng chuyên canh rau màu, sâu bệnh thường phát sinh, gây hại nặng hơn”. Cùng đó, việc xử lý đất trước khi trồng cũng không được quan tâm đúng mức. Ví như hộ bà Nguyễn Thị Tâm, thôn Bẩy, xã Cảnh Thụy (Yên Dũng), ngay khi phá bỏ luống rau bị bệnh, bà lại lên luống cấy cây giống mới thay thế. 

Hiện tượng kháng thuốc là trở ngại lớn cho công tác phòng trừ sâu bệnh, nhất là với biện pháp sử dụng thuốc hóa học. Điều này đồng nghĩa với việc phải tăng liều lượng, nồng độ hay thay thuốc khác mới diệt trừ hiệu quả các đối tượng gây hại, tốn kém chi phí và tăng mức độc hại. Hoặc phải tìm kiếm các hoạt chất mới, là một công việc khó khăn và cần có thời gian. 

Trước thực tế trên, để hạn chế sâu bệnh phát sinh, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, nông dân cần thực hiện đồng bộ các biện pháp canh tác. Trong đó, ưu tiên quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); phun thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách); chú trọng xử lý đất, chọn giống sạch bệnh, luân canh cây trồng.Quan tâm áp dụng các biện pháp sinh học để bảo vệ các loại sinh vật là thiên địch của sâu bệnh, bảo đảm cân bằng sinh thái. Đi đôi với biện pháp trên, cơ quan chuyên môn tăng cường tập huấn, tuyên truyền cảnh báo mối nguy hại khi sử dụng thuốc BVTV không đúng cách, từ đó tạo chuyển biến trong ý thức của nông dân.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...