Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 35 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nâng "chất" nguồn vốn FDI

Cập nhật: 09:45 ngày 29/12/2016
(BGĐT) - Với xuất phát điểm thấp, Bắc Giang đã nỗ lực vươn lên, trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư các nguồn lực cho phát triển KT-XH. Đặc biệt, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng nhanh, nằm trong nhóm các tỉnh, TP dẫn đầu cả nước. Đồng chí Trịnh Hữu Thắng, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trả lời phỏng vấn về nội dung này.
{keywords}

Đồng chí Trịnh Hữu  Thắng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang.

Từ một tỉnh miền núi khó khăn, Bắc Giang đã có bước chuyển mạnh mẽ, nhất là trong thu hút vốn FDI. Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật?

Năm 2016 khép lại, thu hút FDI của tỉnh rất ấn tượng. Bắc Giang xếp thứ 9 cả nước về số dự án cấp mới, đứng thứ 8 về lượng vốn đăng ký mới và bổ sung. Quy mô trung bình 15,85 triệu USD/dự án, gấp gần 3 lần năm trước. Đáng quan tâm là có nhiều dự án lớn như: Sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Công ty TNHH JA SOLAR VIỆT NAM tại KCN Quang Châu; Nhà máy Trina Solar (Việt Nam) Science and Technology Bắc Giang của Công ty Trina Solar (Singapore) tại KCN Vân Trung...

Kể từ khi tái lập tỉnh, Bắc Giang đạt nhiều thành tựu trong thu hút FDI. Trước đây, chúng ta mới có một dự án theo hình thức liên doanh. Từ năm 1999 đến 2005, hằng năm, tỉnh đều tiếp nhận dự án FDI, đây được coi là giai đoạn mở đầu trong tiến trình thu hút đầu tư nước ngoài. Đối tác chủ yếu đến từ Trung Quốc, Đài Loan, Newzealand, Hàn Quốc. Những năm sau đó, nhờ cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh, có giải pháp thu hút nguồn lực này cho phát triển và chính sách cởi mở hơn, dự án FDI vào tỉnh tiếp tục tăng mạnh. Các đối tác, lĩnh vực đầu tư cũng đa dạng hơn, quy mô trung bình hơn 10 triệu USD/dự án. 

Hai năm gần đây, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là kết nối giao thông giữa tỉnh với các vùng lân cận thuận tiện, Bắc Giang có bước tiến vượt bậc trong thu hút FDI.

Đồng chí đánh giá thế nào về vai trò của dòng vốn FDI đối với KT-XH của tỉnh?    

Năm 2016, toàn tỉnh chấp thuận đầu tư mới cho  45 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 900 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho 24 dự án với số vốn bổ sung 70 triệu USD. Như vậy đến nay, Bắc Giang thu hút 259 dự án FDI với số vốn đăng ký hơn 3,5 tỷ USD. Doanh nghiệp của 14 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào địa bàn, nhiều nhất là Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.

Các dự án FDI mang lại nguồn vốn bổ sung quan trọng đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển và tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tỷ trọng đóng góp của nguồn này trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của Bắc Giang tăng theo từng năm, từng giai đoạn. Nếu năm 2001, tỷ trọng tương đối thấp, chỉ chiếm 5% thì giai đoạn 2011-2015 đã tăng lên 17,9%. Qua đó góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp; nâng kim ngạch xuất khẩu.

Nguồn “ngoại lực” giúp tăng thu ngân sách. Khi tái lập tỉnh, Bắc Giang còn thuần nông, thu ngân sách hạn chế, chủ yếu phụ thuộc kinh phí T.Ư cấp, có năm thu 115 tỷ đồng, đáp ứng khoảng 16% dự toán chi của địa phương. Nhờ tăng cường thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp (DN), trong đó có các DN FDI nên thu ngân sách tăng dần. Năm 2015, chỉ riêng số thu khu vực FDI đã đạt 390 tỷ đồng, chiếm 15,7% số thu toàn tỉnh. Mặc dù đóng góp của các dự án FDI vẫn còn khiêm tốn nhưng là nguồn bổ sung quan trọng trong điều kiện Bắc Giang còn khó khăn.

Bên cạnh đó, vốn FDI còn giúp tạo việc làm, tăng năng suất lao động, cải thiện nguồn nhân lực của tỉnh. Đến nay, khu vực này tạo việc làm cho hơn 50 nghìn lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp. Cũng qua tham gia vào các DN FDI, chúng ta có đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật trình độ cao, từng bước tiếp cận KHKT, công nghệ mới, học hỏi được phương thức, kinh nghiệm quản lý tiên tiến. 

Bắc Giang luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, “trải thảm đỏ” mời gọi DN FDI. Xin đồng chí cho biết cơ chế, chính sách nổi bật được cải thiện thông thoáng hơn thời gian qua?

Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Ví như, UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Hỗ trợ đầu tư và Phát triển DN tỉnh; đồng thời, thành lập Tổ chuyên gia giúp việc và các tổ tư vấn giúp DN, nhà đầu tư thực hiện thủ tục hành chính liên quan, tiếp cận đất đai. Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết số 73-NQ/TU ngày 5-6-2016 về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020; UBND tỉnh có kế hoạch thực hiện Nghị quyết này. 

Đồng thời, UBND tỉnh còn ban hành một số văn bản như: Quy định trình tự, thủ tục thực hiện các dự án đầu tư bên ngoài các KCN; miễn, giảm tiền thuê đất đối với cơ sở thực hiện xã hội hoá hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp tại đô thị; quy định về thu hút đầu tư theo quy hoạch đường Nguyễn Văn Cừ (TP Bắc Giang).

Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo xây dựng, trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về chính sách thu hút đầu tư nhằm khai thác hiệu quả một số khu du lịch trọng điểm.

{keywords}

Sản xuất thiết bị vệ sinh cao cấp tại Công ty ITALISA Việt Nam, KCN Song Khê - Nội Hoàng.

Chủ trương của tỉnh là thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng nhiều hơn về chất lượng. Trên thực tế, chủ trương này được thực hiện ra sao?

Chúng ta vẫn xác định tiếp tục đẩy mạnh thu hút FDI vào địa bàn góp phần phát triển KT-XH, trong đó chú trọng các dự án gắn với sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất đai; khuyến khích các dự án công nghiệp chuyển dần từ gia công sang chế biến, chế tạo, từng bước nâng cao chất lượng dòng vốn FDI. Tôi luôn nhất trí với quan điểm không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà dòng vốn FDI gắn với nâng cao công nghệ hiện đại, thu hút dự án có tính lan tỏa rộng trong phát triển KT-XH.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban quy định danh mục các dự án không khuyến khích đầu tư bên ngoài các KCN trên địa bàn, trong đó hạn chế dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ít khả năng đem lại giá trị gia tăng. Lãnh đạo tỉnh không chấp thuận đầu tư cho một dự án dệt nhuộm vào KCN mặc dù dự án này có quy mô lớn. 

Trong giai đoạn đẩy mạnh hội nhập, để tiếp tục đón làn sóng FDI mới đáp ứng nhu cầu phát triển, Sở KH&ĐT có đề xuất gì?  

Mặc dù thu hút FDI có bước tiến vượt bậc nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Vì thế, Sở KH&ĐT tiếp tục tham mưu với Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn; phân bổ nguồn lực phù hợp để hoàn thiện hạ tầng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Tập trung rà soát các quy hoạch liên quan như: Quy hoạch xây dựng, sử dụng đất và một số quy hoạch chuyên ngành để bổ sung, điều chỉnh theo hướng thống nhất, tạo điều kiện cho nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đúng tiến độ, sớm có đóng góp cho địa phương. 

Bên cạnh đó tham mưu tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc thành lập các bộ phận hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các khó khăn trong quá trình thực hiện dự án; định kỳ tổ chức đối thoại trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đề xuất từ DN. Trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh kịp thời có những chỉ đạo cụ thể nhằm hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án mang lại hiệu quả cao. 

Xin cảm ơn đồng chí!

Cao Minh Ngọc (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...