Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 32 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cuộc bứt phá của nông nghiệp Bắc Giang

Cập nhật: 10:23 ngày 29/12/2016
(BGĐT) - Làng quê giờ đây đã “thay da đổi thịt”, bước chân em nhỏ tới trường trên những con đường bê tông sạch sẽ. Điện sáng khắp các bản, làng. Đời sống nông dân ngày càng được cải thiện. Đây là kết quả của hàng loạt chính sách thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Bắc Giang trong 20 năm qua.
{keywords}

Sản xuất rau sạch tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN (Sở KH và CN).

Bước tiến vượt bậc 

Khi cái giá rét tràn về cũng là thời điểm những vườn cam, bưởi ở Lục Ngạn cho thu hoạch. Thời điểm này, khắp vùng trái chín xum xuê. Vườn cam của gia đình anh Bằng Văn Hai, thôn Chính, xã Hồng Giang, cây nào cây ấy sai lúc lỉu. Với gần 2 nghìn cây, gia đình anh thu chừng 20 tấn quả, trị giá hơn 500 triệu đồng. “Bây giờ có sản phẩm tiêu thụ đơn giản lắm. Đường rộng, xe cộ nhiều nên chỉ cần điện thoại là thương nhân đánh ô tô đến tận vườn thu mua, chẳng bù cho ngày xưa, vì chưa sản xuất tập trung quy mô lớn nên có hoa quả đem bán cũng khó khăn". - Anh Hai bộc bạch. 

Vốn năng động và sẵn có tiềm lực kinh tế nhờ kinh doanh ẩm thực, hộ ông Trịnh Sư Hòa, xã Trù Hựu đầu tư trồng cam và thu hoạch được 3 vụ. Hiện nay, gần 2 ha cam đường Canh đang chuyển màu vàng rực. Nhiều thương nhân không quản đường xa tìm đến tận nơi thu mua. Cam trồng 6 năm là giai đoạn cho năng suất cao nhất, ông Hòa thu được chừng 70 tấn quả, sản lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Ở Lục Ngạn, trong 20 năm qua đã xuất hiện hàng nghìn nông dân tỷ phú, triệu phú. Tính toán của Phòng Nông nghiệp và PTNT Lục Ngạn, năm nay, sản lượng cây có múi toàn huyện ước đạt gần 29 nghìn tấn. Cộng tổng với vụ vải thiều thì doanh thu từ cây ăn quả của huyện đạt hơn 3 nghìn tỷ đồng mỗi năm chưa kể dịch vụ đi kèm. 

Không chỉ Lục Ngạn, các huyện, TP khác trong tỉnh đã phát huy lợi thế, tạo ra sản phẩm đặc trưng có thương hiệu. Qua đó, Bắc Giang được biết đến bởi nhiều sản vật như: Gà đồi Yên Thế, nấm (Lạng Giang); na, dứa (Lục Nam); lúa thơm (Yên Dũng)… Có diện tích đất rộng lớn, địa hình dốc, bà con miền núi, vùng cao đã tích cực trồng rừng kinh tế, cải thiện đời sống. 

Năm 2016, tỉnh Bắc Giang đã hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung gần 47 nghìn ha, đứng thứ ba toàn quốc. Tổng đàn lợn, đàn gà ở trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Thu nhập bình quân trên đất canh tác đạt 90 triệu đồng/ha, tăng 50 triệu đồng/ha so với năm 2010.

Góp phần tạo bước chuyển mạnh mẽ đó là nhờ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (2000-2005) đã xây dựng chương trình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đây được xem như “luồng gió mới” đánh thức đồng đất Bắc Giang, lan tỏa phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng gia sản xuất. Sau khi tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, hai nhiệm kỳ tiếp theo, Tỉnh uỷ đều xây dựng các chương trình KT-XH trọng tâm, trong đó có nghị quyết về sản xuất nông nghiệp hàng hóa và sản xuất nông nghiệp hàng hoá gắn với xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “làm đến đâu, chắc đến đó”, thận trọng trong từng bước triển khai, Bắc Giang đã có bước tiến vượt bậc về nông nghiệp. Năm 2016, tỉnh đã hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung gần 47 nghìn ha, đứng thứ ba toàn quốc.  

Không chỉ tạo ra lượng hàng hóa lớn mà tiêu thụ nông sản đã được quan tâm theo hướng dần hình thành phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị. Hàng chục HTX kiểu mới được thành lập, hoạt động hiệu quả. Nổi bật là HTX Thân Trường (Yên Thế). Năm 2014, HTX liên kết với 20 hộ ở bản Ven, xã Xuân Lương (cùng huyện) thâm canh chè sạch. HTX hướng dẫn kỹ thuật và chịu trách nhiệm thu mua chè tươi của nông dân. Trừ chi phí, người trồng chè lãi 200-250 triệu đồng/ha/năm.

Đầu tư trọng điểm

Làng quê giàu đẹp, nhiều hộ có cuộc sống khấm khá, yên vui là minh chứng cho hướng đi đúng của tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn còn những vấn đề đặt ra. Đó là không ít vụ còn tình trạng nông sản “được mùa, rớt giá”; sản xuất chưa gắn với tiêu thụ, chất lượng sản phẩm thấp, sức cạnh tranh yếu. 

{keywords}

Na dai Lục Nam được đăng ký bảo hộ thương hiệu.   Ảnh: Hương Giang

Khắc phục hạn chế trên, bài học kinh nghiệm rút ra là cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện sản xuất nông nghiệp phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xác định đâu là khâu đột phá có tính chất quyết định để ưu tiên nguồn lực đầu tư. Một trong những chính sách có sức lan tỏa mạnh là Nghị quyết, kế hoạch về dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu giai đoạn 2014-2016. Nhờ vậy đã khắc phục tình trạng ruộng đất phân tán, hình thành cánh đồng mẫu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) liên kết với nông dân chuyển giao kỹ thuật, cung ứng giống, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm. Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 cũng đang được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hứa hẹn tạo ra sức bật mới cho nông nghiệp Bắc Giang. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao 

Mục tiêu của Nghị quyết về đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp là phấn đấu đến năm 2020, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích tăng từ 20-30% so với năm 2016. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đang xây dựng quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng CNC gồm:  Rau- hoa, lúa giống, nấm, cây ăn quả chất lượng cao, lợn - gà, thủy sản. HĐND tỉnh thông qua cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất. 

Để ứng dụng thành công CNC, tạo sự bứt phá cho nông nghiệp, theo gợi ý của một số chuyên gia, trước hết phải thực sự thay đổi về nhận thức, coi ứng dụng công nghệ, khai thác tiềm năng nông nghiệp là mũi nhọn; mở cửa mời gọi các DN và các nhà khoa học đầu tư vào địa phương bằng những ưu đãi cụ thể. Thứ hai là tổng kết thực tiễn, nhận diện những “điểm nghẽn” để tháo gỡ, tìm ra mô hình mới cho sự phát triển. Thứ ba là cầu thị, chắt lọc những tinh hoa của nhân loại, áp dụng công nghệ phù hợp tại tỉnh với tinh thần “kế hoạch một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”. 

Tại kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh khóa XVIII, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: “Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ, tự phát dẫn tới sản phẩm có sức cạnh tranh kém, tiềm ẩn yếu tố không bền vững. Vì vậy, thời gian tới phải tập trung cao hỗ trợ DN thuê đất, tích tụ ruộng đất, thực hiện dồn điền, đổi thửa; xây dựng các mô hình ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường quảng bá các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh để tăng giá trị nông sản, khai thác hiệu quả thị trường trong nước, khuyến khích các mô hình liên kết bền chặt”.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...