Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 35 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sản xuất nông nghiệp của Bắc Giang năm 2016: Chững lại, vì sao?

Cập nhật: 10:03 ngày 09/01/2017
(BGĐT) - Năm 2016, đa số các chỉ tiêu chính đều đạt và vượt kế hoạch đề ra nhưng tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp không được như mong đợi. Vì sao nông nghiệp của tỉnh lại chững lại? Phóng viên Báo Bắc Giang có cuộc trao đổi với ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT xung quanh vấn đề này.
{keywords}

Ông Vũ Đình Phượng.

Sau nhiều năm tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt cao thì năm 2016 chỉ đạt 2,8%, thấp hơn 0,7% so với kế hoạch. Ông có thể thông tin chi tiết hơn?

Năm 2016, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản (tính theo giá so sánh năm 2010) của toàn tỉnh ước đạt hơn 18,2 nghìn tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 2,8%. Trong đó, lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng cao là chăn nuôi, thủy sản, trồng rừng. Sản lượng thịt hơi tăng 3,8%, sản lượng thủy sản tăng 25,4% so với kế hoạch. Mặc dù không đạt kế hoạch là 3,5% nhưng Bắc Giang vẫn là tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao hơn 2 lần so với bình quân chung của cả nước.

Vậy nguyên nhân là gì, thưa ông?

Theo tính toán, mỗi năm, giá trị từ vải thiều đóng góp khá lớn cho giá trị ngành trồng trọt, khoảng 20%. Vậy nhưng năm 2016, thời tiết diễn biến phức tạp khiến nhiều vườn vải không ra quả. Sản lượng vải thiều toàn tỉnh đạt hơn 130 nghìn tấn, giảm 65 nghìn tấn so với năm trước. Đây là nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp không đạt kế hoạch. Bên cạnh đó, mưa bão xảy ra làm thất thu hơn 1 nghìn ha cây trồng các loại. Diện tích cây lương thực có hạt, lạc, đậu tương, rau các loại giảm...

Thực tế cho thấy nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố khách quan. Song cũng có ý kiến cho rằng việc thực hiện nhiệm vụ về nông nghiệp của một số địa phương chưa hiệu quả?

Tôi cho rằng đó cũng là một phần nguyên nhân. Ví như, một số địa phương thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm, chưa tích cực. Đến nay mới có 3/10 huyện, TP xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành gồm: TP Bắc Giang, Lục Nam, Tân Yên. Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh phấn đấu chuyển đổi hơn 1,5 nghìn ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác song đến nay có huyện vẫn chưa thực hiện. Việc thu hút doanh nghiệp vào nông nghiệp còn hạn chế, tiêu thụ mặt hàng nông sản khó khăn, nhất là rau chế biến. Đầu ra cho sản phẩm gặp trở ngại, giá trị thấp khiến một bộ phận nông dân không mặn mà đầu tư, bỏ đất trống. Có thời điểm rau, củ, quả rẻ ở mức dưới giá thành do thu hoạch dồn dập để giải phóng đất cũng khiến giá trị của ngành giảm. 

Giá trị từ vải thiều có đóng góp lớn đối với sự tăng trưởng của ngành. Năm 2017 dự báo tiếp tục có khó khăn đối với cây vải. Ngành đã có giải pháp gì để ứng phó ?

Vải thiều bắt buộc phải trải qua một đợt rét đậm mới sinh trưởng, phát triển tốt. Song từ đầu mùa đông đến nay chưa có đợt rét đậm nào nên nguy cơ vải thiều bị ảnh hưởng bởi thời tiết sẽ rất lớn. Nếu rét muộn vào cuối vụ hoặc mưa nhiều khi ra hoa đều gây bất lợi cho cây. Lường trước khó khăn này, ngành đang tập trung cao cho sản xuất vải thiều; chỉ đạo cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân khoanh cành để hạn chế cây nảy mầm trong điều kiện thời tiết nóng ẩm như hiện nay; bảo đảm nước tưới, dinh dưỡng. Công tác phòng trừ sâu bệnh được quan tâm sát sao...

{keywords}
Đẩy mạnh sản xuất thủy sản là một trong những giải pháp ngành nông nghiệp tập trung chỉ đạo trong năm 2017.

Để giữ vững đà tăng trưởng cũng như ổn định sản xuất, thời gian tới, ngành nông nghiệp tập trung vào những giải pháp gì thưa ông?

Năm 2017, ngành đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 3%. Để đạt mục tiêu này, trước hết  phải tái cơ cấu ngành một cách quyết liệt nhằm tăng giá trị sản xuất. Thời gian qua đã có một số tổ chức, cá nhân thuê, mượn ruộng, tích tụ ruộng đất không những nâng cao hiệu quả mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương. Vì vậy, ngành đề nghị các địa phương tiếp tục dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu để thu hút tổ chức, doanh nghiệp thuê, mượn đất liên kết, đầu tư thâm canh. Chuyển đổi chân đất canh tác kém hiệu quả sang một số cây trồng mới như ngô hoặc cây ăn quả; mở rộng sản xuất quy trình VietGAP, GlobalGAP, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 130-NQ/TU ngày 16-8-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các huyện, TP lựa chọn vùng, hộ tham gia. Trong trồng trọt tập trung vào một số loại cây trồng như rau, hoa, cam, chè; trong chăn nuôi chú trọng một số sản phẩm như gà đồi Yên Thế, lợn thịt, lợn nái; về thủy sản xây dựng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính, chép lai, trắm cỏ; lâm nghiệp đi sâu thâm canh trồng rừng gỗ lớn bằng giống mới. Trước mắt, năm 2017 sẽ xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao cho rau và hoa, quy mô hơn 0,2 ha/mô hình. 

Đi đôi với biện pháp trên, ngành đẩy mạnh sản xuất thủy sản, chăn nuôi và lâm nghiệp để tốc độ tăng trưởng của toàn ngành tăng cao. 

Xin cảm ơn ông!

Trịnh Lan (thực hiện)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...