Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 28 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xử lý vi phạm xâm lấn đất lúa: Chậm khôi phục hiện trạng

Cập nhật: 11:10 ngày 10/01/2017
(BGĐT) - Năm 2016, hàng chục tổ chức, cá nhân đã tự ý chuyển đổi đất lúa thành đất phi nông nghiệp. Các đối tượng này bị xử phạt và buộc khôi phục lại hiện trạng đất song nhiều trường hợp chưa chấp hành.
{keywords}

Khu vực đất lúa bị xâm lấn để tập kết chất thải từ sản xuất gạch tại Công ty TNHH Phương Sơn, xã Cương Sơn (Lục Nam).

Chây ỳ khắc phục hậu quả

Cánh đồng Rộc Nghệ, thôn Già Khê Làng, xã Tiên Hưng (Lục Nam) vốn là “bờ xôi, ruộng mật”. Tháng 9-2016, bà Đỗ Thị Quý, một người dân trong thôn tự ý đổ hàng nghìn m3 đất đồi tôn cao gần 900 m2 ruộng. Đầu tháng 10-2016, Chủ tịch UBND huyện xử phạt bà Quý 10 triệu đồng, buộc trả lại hiện trạng ban đầu. Vậy nhưng bà Quý chỉ nộp phạt, không khắc phục hậu quả. Sau khi UBND huyện giao Công an, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Tiên Hưng cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, bà Quý mới khôi phục được một nửa diện tích. Ông Giáp Văn Ơn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện đã dừng điều hành công tác đối với Chủ tịch UBND xã Tiên Hưng 10 ngày, yêu cầu tập trung cưỡng chế, trả lại hiện trạng đất.

Theo quy định của Luật Đất đai, việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa cần xin phép HĐND tỉnh và Chính phủ tùy theo diện tích. Nhưng nhiều tổ chức, cá nhân dù biết Luật vẫn cố tình phớt lờ. Đơn cử như Công ty TNHH Phương Sơn, thôn An Thịnh, xã Cương Sơn (Lục Nam). Sau khi nhận chuyển nhượng gần 2,5 nghìn m2 đất lúa của các hộ dân được Nhà nước giao lâu dài, doanh nghiệp này tự ý tập kết chất thải sau quá trình sản xuất gạch. Giữa tháng 6 -2016, UBND huyện xử phạt Công ty 30 triệu đồng và yêu cầu khôi phục hiện trạng trong 10 ngày. Thế nhưng hiện nay, tại khu vực này, gạch vỡ, xỉ than lẫn đất đỏ vẫn đổ tràn lan. 

Không chỉ ở Lục Nam, đầu năm 2016, UBND huyện Hiệp Hòa xử phạt vi phạm hành chính 5 hộ dân ở thôn Bình Dương, xã Ngọc Sơn do xây dựng trái phép xưởng, nhà cấp 4, chuồng trại chăn nuôi, trồng cây lâu năm trên đất lúa với mức 15-18 triệu đồng/hộ và buộc trả lại hiện trạng. Đã quá hạn gần 1 năm song các công trình này vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Tình trạng trên còn xảy ra ở các huyện: Lục Ngạn, Yên Dũng, Việt Yên, Yên Thế, Tân Yên với nhiều lỗi vi phạm như: Xây nhà xưởng, nhà ở, chuồng trại, đào ao nuôi thủy sản trên đất lúa…

Cần giám sát chặt từ cơ sở

Sau khi bị xử phạt và yêu cầu trả lại hiện trạng, các tổ chức, cá nhân vi phạm đều viện cớ đã xây dựng công trình, nhận chuyển nhượng đất để sản xuất kinh doanh nên tháo dỡ sẽ thiệt hại về kinh tế. Ví như trường hợp của gia đình ông Trần Văn Sơn, thôn Bình Dương xây nhà xưởng rộng 130 m2 bằng gạch chắc chắn trên ruộng cấy lúa trị giá gần 100 triệu đồng. Theo ông Vũ Đức Phương, Giám đốc Công ty TNHH Phương Sơn thì Công ty đã đầu tư hàng trăm triệu đồng nhận chuyển nhượng đất lúa của người dân để làm bãi tập kết chất thải sản xuất. Hiện chưa tìm được bãi mới nên không thể vận chuyển chất thải đi nơi khác. Tuy nhiên, những lý do này không chính đáng vì pháp luật đã quy định  rõ trình tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm. 

{keywords}

Nhiều hộ dân ở thôn Bình Dương, xã Ngọc Sơn (Hiệp Hòa) xây dựng công trình  trên đất lúa, vi phạm quy định về quản lý đất đai.

Để xảy ra tình trạng trên là do UBND cấp huyện ở một số nơi chưa kiên quyết buộc đối tượng vi phạm khắc phục hậu quả. Thậm chí có nơi phạt xong nhưng không kiểm tra dẫn tới “nhờn luật”, tạo tiền lệ xấu. Lãnh đạo một số thôn, xã có biểu hiện bao che sai phạm, không xử lý ngay từ khi mới phát sinh; không đôn đốc, kiểm tra việc khắc phục hậu quả.  

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Việc chậm khôi phục hiện trạng đất lúa làm ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, biến dạng, thoái hóa đất, khó canh tác trở lại. Tới đây, Sở tăng cường thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất việc sử dụng đất lúa trong toàn tỉnh. Đồng thời phối hợp các huyện, TP rà soát những trường hợp vi phạm, buộc trả lại hiện trạng theo quy định”. 

Các huyện, TP, xã, phường, thị trấn cần phát hiện, ngăn chặn sai phạm từ khi mới manh nha, không để cá nhân, tổ chức xây dựng xong công trình mới xử phạt. Bởi khi đó việc giải tỏa, cưỡng chế gặp nhiều khó khăn, tốn kém kinh phí, thậm chí phát sinh khiếu kiện. Cùng đó cần cưỡng chế theo quy định để răn đe, tránh tình trạng “đánh trống, bỏ dùi”, hợp thức hóa sai phạm việc sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân. Chính quyền cấp huyện tăng cường tuyên truyền pháp luật về đất đai tới người dân; xử lý nghiêm vi phạm.

Thái  An

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...