Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tân Yên đầu tư đồng bộ hạ tầng đô thị

Cập nhật: 09:27 ngày 13/01/2017
(BGĐT) - Với mục tiêu tăng dân số đô thị, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang tập trung mở rộng, phát triển đô thị theo hướng từng bước hiện đại, bảo đảm sáng-xanh-sạch-đẹp.

{keywords}

Khu đô thị An Huy, thị trấn Cao Thượng đang được xây dựng.

Thành lập từ năm 2003 trên cơ sở xã Nhã Nam và một phần của xã An Dương, thị trấn Nhã Nam giờ đây có nhiều đổi khác. Trục đường chính và đường xương cá rộng rãi, phương tiện giao thông qua lại dễ dàng hơn. Ven đường, các ki-ốt, cửa hàng kinh doanh hình thành ngày càng nhiều. Đời sống người dân khấm khá. 

Ông Nguyễn Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND thị trấn nói: “Khi mới chia tách, cơ sở vật chất của thị trấn thiếu thốn. Thiếu phòng học, một số lớp phải học nhờ kho gạo cũ. Đường giao thông nhỏ hẹp, nắng thì bụi, mưa lại lầy lội”. Với mục tiêu từng bước nâng cấp hạ tầng đô thị, UBND huyện đã quan tâm bố trí kinh phí cho thị trấn xây mới trạm y tế, trường học; cải tạo, nâng cấp hệ thống điện, đường. Kết cấu hạ tầng ngày một hoàn thiện, người dân đẩy mạnh kinh doanh dịch vụ vận tải, hàng hóa, mang lại lợi nhuận cao. 

Bà Nguyễn Thị Chính, phố Tiến Thắng năm nay ngoài 70 tuổi nhớ lại: “Tôi bán hàng từ khi mặt đường còn rất hẹp. Nay đường lớn, khách đến đông đúc nên gia đình tôi không làm ruộng nữa, tập trung vào buôn bán thêm nhiều mặt hàng khác để tăng thu nhập”. Cũng như gia đình bà Chính, người dân ở 4/6 phố thuộc thị trấn mở cửa hàng, cửa hiệu, kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Nhiều hộ thu lãi từ 15-20 triệu đồng/tháng.

Tương tự, từ một thị tứ, đến nay thị trấn Cao Thượng đã trở thành trung tâm dịch vụ thương mại lớn nhất huyện với diện tích hơn 240 ha. Điểm nhấn của thị trấn là có các công trình công cộng, thể thao, văn hóa tương đối hoàn chỉnh. Có được kết quả này là do những năm qua, hệ thống giao thông cơ bản được làm mới, tu sửa, nổi bật là đường tỉnh 295, quốc lộ 17. Công trình nước sạch tại thị trấn hoạt động ổn định với hệ thống lọc, đường ống hiện đại, bảo đảm cấp nước cho 500 hộ và 6 nghìn công nhân tại cụm công nghiệp Đồng Đình. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ dân của thị trấn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt hơn 90%, trong đó hơn 30% được sử dụng nước sạch. 

Cùng đó, huyện đã dịch chuyển trụ sở một số đơn vị như: Ban CHQS huyện, Bảo hiểm xã hội, Chi cục Thuế đến vị trí khác, tạo quỹ đất ở khu vực trung tâm để đấu giá quyền sử dụng đất. Kinh phí thu được từ hoạt động này được đầu tư trở lại cho hạ tầng; mở mang các khu dân cư mới. Ông Nguyễn Thái Lai, Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá: “Hơn chục năm qua, không gian cảnh quan kiến trúc của các thị trấn có nhiều đổi mới. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động. Hiện chỉ có gần 30% dân số ở khu đô thị làm ruộng, còn lại chủ yếu phát triển thương mại”.

Tiếp tục coi đô thị là hạt nhân trong phát triển KT-XH của huyện nên cuối tháng 10-2016, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành kế hoạch về phát triển và quản lý đô thị trên địa bàn đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ dân số đô thị đạt 14-15%; mở rộng địa giới hành chính thị trấn Cao Thượng, Nhã Nam; tạo cơ sở ban đầu hình thành thị trấn Bỉ. Đến năm 2030, huyện có 3 thị trấn, trong đó một đô thị loại IV (thị trấn Cao Thượng), hai đô thị loại V (thị trấn Nhã Nam, Bỉ). 

Thực hiện kế hoạch, đến nay, huyện đã hoàn thành đưa mốc giới quy hoạch ra ngoài thực địa. Lập quy hoạch chi tiết thị trấn Cao Thượng và hiện đang chỉnh trang các khu vực đô thị hiện hữu, tuyến phố bám dọc quốc lộ, tỉnh lộ. Để tạo thuận lợi phát triển khu dân cư mới, UBND huyện vừa đầu tư hơn 90 tỷ đồng làm tuyến đường giao thông nối Cao Xá-Lam Cốt có tổng chiều dài hơn 15km. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2017. Cùng đó, huyện cải cách thủ tục hành chính, thu hút nhà đầu tư vào địa bàn để xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đơn cử, Công ty cổ phần Địa ốc An Huy (TP Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư dự án Khu đô thị An Huy, thị trấn Cao Thượng với quy mô khoảng 55 ha, tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư mới hạ tầng trên diện tích hơn 50,8 ha và đấu nối hạ tầng cho 4,16 ha đất hiện trạng. Đến nay, huyện đã giải phóng hơn 20 ha mặt bằng sạch bàn giao cho doanh nghiệp. 

Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành năm 2020 với các hạng mục hoàn chỉnh như: Đường giao thông, cấp, thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cảnh quan. Các thị trấn cũng tích cực thực hiện kế hoạch. UBND thị trấn Nhã Nam xây dựng kế hoạch quản lý văn minh, chỉnh trang đô thị giai đoạn 2016-2020; xây dựng các tuyến đường xanh-sạch-đẹp, quản lý chặt chẽ về đất đai và hoàn tất đặt tên đường phố, số nhà.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...