Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Kinh tế
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Khơi thông thị trường vốn

Cập nhật: 14:34 ngày 17/01/2017
(BGĐT) - Được xem là mảnh đất khởi nghiệp đầy tiềm năng nhưng để ngày càng có thêm nhiều dự án, ý tưởng kinh doanh thành hiện thực, một trong những yếu tố quan trọng Bắc Giang triển khai có hiệu quả đó là khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp (DN). Bởi lẽ, con đường thuận lợi nhất giúp DN khởi nghiệp đi đến thành công chính là nguồn vốn đầu tư.
{keywords}

Thị trường vốn luôn đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Ảnh: Giao dịch tại  Techcombank chi nhánh Bắc Giang.

Chắp cánh cho ý tưởng

Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp đầy khó khăn, anh Ngô Văn Văn, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phát triển thảo dược Hoa Hoa (TP Bắc Giang) chia sẻ: “Ý tưởng thành lập DN sản xuất các loại trà có nguồn gốc thảo dược hình thành trong tôi từ rất lâu. Nhưng đào đâu ra vốn để đầu tư mới là rào cản lớn nhất. Khi ấy, để ý tưởng thành hiện thực, tôi đã “gõ cửa” rất nhiều ngân hàng nhưng không đơn vị nào xuất vốn khi dự án chưa có điều gì bảo đảm không biến thành… nợ xấu! Đúng lúc bế tắc, tôi đã nắm được cơ hội cuối cùng khi Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đồng ý cho vay 200 triệu đồng. Dù phải trải qua không ít thăng trầm nhưng nhờ số vốn vay cộng với ý tưởng phù hợp, sự kiên trì, nhẫn nại và sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhân viên, DN của tôi bước đầu gặt hái thành công”.

Thống kê của cơ quan chức năng, khi xem xét lý do từ bỏ kinh doanh, lý do chính được DN Việt Nam nêu ra là vấn đề tài chính (chiếm 29,2%). Lý do này ở các nước cùng trình độ phát triển với Việt Nam là 18% và ở các nước phát triển dựa trên đổi mới chỉ là 8%. Do vậy, để tạo hệ sinh thái khởi nghiệp thuận lợi, hoạt động hỗ trợ vốn đầu tư rất cần được các cấp, ngành quan tâm bằng những cơ chế, chính sách phù hợp.

Câu chuyện của Ngô Văn Văn cho thấy với DN khởi nghiệp, nguồn vốn quan trọng ra sao. Tuy nhiên trên thực tế không phải DN nào cũng may mắn như vậy. Bởi lẽ, để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, ngoài yêu cầu thế chấp, thủ tục pháp lý rườm rà đối với một dự án chưa hình hài là trở ngại khiến DN chùn bước. Theo thống kê mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với các DN trên toàn quốc, trong đó có Bắc Giang, có tới 30% DN vừa và nhỏ (SME) “không thể tiếp cận” và 30% DN khác cho biết “khó tiếp cận” với nguồn vốn ngân hàng. 

Chia sẻ về điều này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhấn mạnh: “Cũng vì khó tiếp cận vốn ngân hàng nên nhiều DN  nhỏ và vừa tìm vốn thông qua huy động từ bạn bè, gia đình, thậm chí thị trường tín dụng “đen” khiến lãi suất tăng cao trong khi dự án chưa biết thành bại thế nào”. Trong bối cảnh đó, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có một loại quỹ nào thành lập để hỗ trợ riêng cho đối tượng là DN khởi nghiệp. Cũng theo thống kê của VCCI, khi xem xét lý do từ bỏ kinh doanh, lý do chính được DN Việt Nam nêu ra là vấn đề tài chính (chiếm đến 29,2%). Lý do này ở các nước cùng trình độ phát triển với Việt Nam là 18% và ở các nước phát triển dựa trên đổi mới chỉ 8%.

“Tinh thần khởi nghiệp không dễ dàng bắt đầu ở bất cứ đâu trên thế giới. Hầu hết DN rất khó để tiếp cận đồng vốn và không phải lúc nào bạn cũng có những cố vấn, hay một hệ thống kết nối ở bên cạnh để giúp đỡ và hướng dẫn bạn không lạc bước” là điều Tổng thống Hoa Kỳ Obama đã nhận định tại buổi nói chuyện về khởi nghiệp trong khuôn khổ chuyến công du Việt Nam ngày 24-5-2016. Trích dẫn điều này để thấy, vốn là vấn đề muôn thuở không chỉ của riêng DN Việt Nam.  

Tạo hệ sinh thái thuận lợi về vốn

Theo ông Nguyễn Văn Oánh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh, điều dễ nhận thấy nhất là các gói tín dụng dành cho DN khởi nghiệp được triển khai ở nhiều ngân hàng thương mại. Quả vậy, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) có chương trình ưu đãi cho các DN siêu nhỏ, DN khởi nghiệp. Trong đó, gói tín dụng “Khởi nghiệp thành công- start up” ưu đãi lãi suất vay vốn chỉ từ 6,5% (với khoản vay dưới 6 tháng) và ưu đãi lãi suất từ 6,8% với khoản vay từ 6-12 tháng. Hay như Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) là một trong những ngân hàng đầu tiên triển khai chương trình hỗ trợ vốn vay cho DN nhỏ và vừa với mức lãi suất thấp hơn 1% đến 4% so với mức lãi suất cho vay thông thường. 

{keywords}

Một góc Cụm công nghiệp  Đồng Đình (Tân Yên).  Ảnh: An Khánh

Tương tự, ở Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, ông Hoàng Xuân Thái, Giám đốc chi nhánh Bắc Giang cho biết, đồng hành cùng DN khởi nghiệp, Ngân hàng có chương trình hỗ trợ tín chấp cho chủ mô hình, cơ sở có nhu cầu mở rộng kinh doanh, sản xuất với lãi suất ưu đãi 0,7%/năm. Các gói tín dụng này hứa hẹn sẽ tạo đà cho nhóm DN khởi nghiệp đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, không chỉ các ngân hàng thương mại mà cả ngân hàng chính sách cũng tham gia hỗ trợ DN mới khởi nghiệp. Kết quả rõ nhất thể hiện trong thống kê về dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh năm vừa qua, cho vay DN nhỏ và vừa có bước tăng trưởng đáng kể với dư nợ ước đạt 2.269 tỷ đồng, tăng 24,5% so với 31-12-2015.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bùi Thị Thu Thủy cho biết, để tiếp tục thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, Sở đang tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ khởi sự DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Một trong những nội dung được quan tâm đề xuất đó là xây dựng, khuyến khích thành lập các loại quỹ hỗ trợ DN khởi nghiệp. Ngoài ra, một loạt chương trình hỗ trợ đang được triển khai từ tổ chức Đoàn Thanh niên, Hiệp Hội DN, Hội DN nhỏ và vừa, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh… hứa hẹn tạo nên một hệ sinh thái khởi nghiệp thuận lợi. Với sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ mọi phía, tin rằng những ý tưởng khởi nghiệp sẽ được chắp cánh, tự tin vươn tới thành công.

Hồng Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...