Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Kinh tế
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Tạo dựng thương hiệu, vươn ra thế giới

Cập nhật: 19:28 ngày 21/01/2017
(BGĐT) - Đi vào hoạt động chưa lâu nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) Bắc Giang đã chú trọng xây dựng thương hiệu bằng những sản phẩm độc đáo, chất lượng cao. Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang (Lục Ngạn), HTX Thân Trường (Yên Thế) là hai trong số những DN như thế.
{keywords}

Chị Bạch Kim Ngân giới thiệu sản phẩm với khách nước ngoài.

Trong số 10 sản phẩm công nghiệp nông thôn được UBND tỉnh Bắc Giang vinh danh năm 2016, có lẽ không riêng tôi mà nhiều người tò mò bởi sản phẩm lần đầu được xướng tên tại tỉnh Bắc Giang- giấm Kim Ngân. Vậy sản phẩm có gì đặc biệt? Trả lời câu hỏi đó, tôi tìm về nơi sản xuất giấm Kim Ngân- Công ty TNHH Thương mại Ngân Giang tại thị trấn Chũ (Lục Ngạn). 

Tiếp chuyện tôi là một phụ nữ trung niên niềm nở, chủ DN - chị Bạch Kim Ngân cũng là người dày công nghiên cứu ra sản phẩm giấm. Những ngày cuối năm, công việc sản xuất, kinh doanh của chị bận rộn hơn so với thường nhật. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi thỉnh thoảng lại gián đoạn bởi những cuộc điện thoại, khách tới mua sơn (ngoài sản xuất giấm, chị còn kinh doanh sơn) nhưng tôi cũng dần hiểu được quá trình khởi nghiệp của chủ nhân và vì sao giấm Kim Ngân lại được người tiêu dùng ưa chuộng.

Đặc trưng của giấm Kim Ngân là có màu vàng nhạt của mật ong, mang hương vị tự nhiên của từng loại hoa quả. Không chỉ dùng làm gia vị chế biến, giấm Kim Ngân còn có thể pha loãng với nước để tắm hoặc rửa mặt dưỡng da, pha với đường làm đồ uống hằng ngày.

Chị Ngân (quê ở Bắc Ninh) là giáo viên môn Hóa- Sinh Trường THCS thị trấn Chũ từ năm 1993 đến nay (sau khi kết hôn, chị theo chồng về đây sinh sống, công tác). Gắn bó với mảnh đất này nhiều năm, chị thấy sản lượng vải thiều lớn nhưng không phải năm nào cũng được giá và tiêu thụ thuận lợi. Điều đó thôi thúc chị ấp ủ ý định làm ra một sản phẩm từ quả vải thiều, góp phần nâng cao giá trị cho loại nông sản hàng hoá này. Vậy là chị đã vận dụng kiến thức được học, tham khảo tài liệu rồi bắt tay vào làm giấm từ vải thiều. Sau nhiều lần thử nghiệm, năm 2013, chị mua 500 kg vải thiều về ủ mẻ giấm đầu tiên. Sản phẩm làm ra mang biếu người thân dùng thử ai cũng khen màu đẹp, không có mùi hắc lại mang hương vị vải thiều. Năm 2013, nhân một hội chợ tại TP Bắc Giang, được học sinh cũ giúp đỡ, 1 nghìn chai giấm Kim Ngân được bán tại đây với giá gấp đôi, gấp ba lần so với giấm thông thường. Người tiêu dùng mua sản phẩm của chị phần nhiều vì tò mò nhưng cũng có người đã dùng giấm ngoại nay thử giấm của chị thấy chất lượng không thua kém.

- Vậy là quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dường như thuận lợi?

- Không đơn giản chút nào, bán ở hội chợ thì dễ nhưng có phải lúc nào cũng có hội chợ để bán đâu. Khi đã sản xuất với sản lượng lớn thì việc đưa sản phẩm vào thị trường không phải chuyện dễ.

Hàng loạt vấn đề đã đặt ra với nữ doanh nhân khi đó là bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, thiết kế nhãn mác và quan trọng nhất là làm thế nào để tiếp cận khách hàng. Hóa giải vấn đề này, chị đã giới thiệu sản phẩm trên internet, bán lẻ trong tỉnh, mở văn phòng đại diện tại thành phố lớn và lựa chọn nhà phân phối tại nhiều tỉnh. Với nỗ lực không ngừng, giấm Kim Ngân đã được người tiêu dùng lựa chọn và phản hồi tốt về chất lượng. Hiện mỗi tháng, Công ty sản xuất khoảng 30 nghìn lít giấm (giá bán khoảng 50 nghìn đồng/lít). Các dòng sản phẩm gồm giấm vải thiều, táo xanh, táo mèo và mơ kết hợp với mật ong theo phương pháp lên men tự nhiên của Pháp. Không chỉ tiêu thụ nội địa, năm 2016, lô giấm Kim Ngân đầu tiên được xuất bán sang Úc. Chưa bằng lòng với kết quả đạt được, Công ty xác định sẽ tiếp tục cho ra đời dòng sản phẩm mới từ các loại quả đặc trưng ở Việt Nam, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.  

Chia tay nhà giáo- doanh nhân năng động, tôi tới xã vùng cao Xuân Lương, nơi có sản phẩm chè bản Ven. Thời điểm này, người dân nơi đây tập trung chăm sóc để sau Tết thu hoạch lứa chè xuân. Trò chuyện với Chủ tịch UBND xã Thân Nhân Khuyến, được biết nghề trồng chè ở bản Ven được đồng bào dân tộc Cao Lan duy trì hàng trăm năm nay và cũng trải qua không ít thăng trầm.

{keywords}

Người dân bản Ven thu hoạch chè.

Với mong muốn khôi phục và phát triển vùng sản xuất chè của địa phương, đồng thời tạo ra sản phẩm mang đặc trưng của vùng đất đồi Yên Thế, năm 2014, HTX Thân Trường (trụ sở tại xã Phồn Xương) đã liên kết với các hộ dân sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX lựa chọn diện tích đất đạt tiêu chuẩn, tranh thủ hỗ trợ của Nhà nước về giống, phân bón, hướng dẫn nông dân cải tạo giống chè địa phương, cách sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình chăm sóc, ghi sổ nhật ký sản xuất và chọn thời gian thu hoạch. Toàn bộ sản phẩm được HTX bao tiêu. Anh Phan Tuấn Anh, Phó Giám đốc HTX cho biết, muốn chè ngon, nguyên liệu phải được hái đúng tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá, không bị dập nát. Quy trình chế biến như sao, ủ, lấy hương cũng rất công phu và là cả một nghệ thuật. HTX đã kết hợp hài hoà giữa bí quyết chế biến chè hàng trăm năm của người Cao Lan và công nghệ hiện đại để làm ra sản phẩm chè xanh bản Ven với đặc điểm khi pha nước có màu xanh, vị đậm, hương thơm... Cuối năm 2014, chè bản Ven được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền. Với nhiều dòng sản phẩm như chè ướp hương nguyệt quế, hương nhài, hương sen… mỗi năm HTX sản xuất, tiêu thụ khoảng 40 tấn chè các loại tại nhiều tỉnh, thành phố. 

HTX Thân Trường đã kết hợp hài hòa giữa bí quyết chế biến chè của người Cao Lan và công nghệ hiện đại tạo ra sản phẩm chè xanh bản Ven với đặc điểm khi pha nước có màu xanh, vị đậm, hương thơm...

Tiếp nối thành công đó, đầu năm 2016, HTX Thân Trường đã cho ra đời dòng sản phẩm mới: “Chè vàng”.  Đây là giống chè họ Hồng sâm, được trồng nhiều ở vùng núi Tây Yên Tử và thôn Thác Ngà, xã Xuân Lương. Trước đây, chè vàng được người Cao Lan ở Yên Thế thu hái, phơi khô rồi  hãm lấy nước uống như một loại thuốc quý. Đến nay, từ nguồn nguyên liệu chè vàng được thu hái theo kinh nghiệm dân gian, HTX Thân Trường đã kết hợp với thành tựu khoa học công nghệ để chế biến thành sản phẩm chè túi lọc có nguồn gốc tinh khiết từ tự nhiên. 

Chia sẻ về dự định của Ban Giám đốc HTX, anh Phan Tuấn Anh cho biết, HTX lấy tên là Thân Trường với ý nghĩa: Thân là thân thiện và trường là lâu dài (làm ăn lâu dài, trước sau như một). Đây cũng là nét văn hoá của người Việt. Từ định hướng đó, HTX xác định thời gian tới, cùng với tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP, sẽ chú trọng tới việc nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, liên kết với một số đối tác hướng tới xuất khẩu sản phẩm ra thế giới.

Huy Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...