Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 33 °C / 26 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thu hút FDI sẽ tiếp tục khởi sắc

Cập nhật: 07:49 ngày 02/02/2017
Năm 2016 đánh dấu chặng đường thành công rực rỡ của thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Vốn FDI thực hiện cả năm ước tính đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015, đồng thời cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. Với dự báo về kinh tế thế giới cũng như trong nước vẫn trên đà phục hồi và phát triển, các chuyên gia nhận định, năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm đầy triển vọng cho việc thu hút nguồn vốn FDI.
{keywords}

Lắp ráp bản mạch sản phẩm điện tử tại Công ty TNHH Stronics Việt Nam ( Khu công nghiệp Đình Trám, Bắc Giang). Ảnh: Trần Hải.

Đi vào thực chất

Theo công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thu hút FDI (vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần) trong năm 2016 đạt gần 24,4 tỷ USD, tăng 7,1% so với năm 2015. Đánh giá về con số này, GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (Vafie) nhận định: Năm vừa qua có thể được xem là một năm khá trôi chảy trong việc thu hút FDI. Đặc biệt, con số vốn thực hiện ước tính đạt 15,8 tỷ USD cho thấy, mức chênh giữa vốn FDI đăng ký và vốn thực hiện đã cải thiện đáng kể. Như chúng ta đã biết, thu hút FDI sẽ không có ý nghĩa nếu các nhà đầu tư nước ngoài cam kết đầu tư xong rồi để đó, các con số về lượng vốn FDI đăng ký chỉ nằm trên giấy. 

Trong khi thực tế là từ năm 2006 đến nay, khi thực hiện việc phân cấp cho địa phương được quyền quyết định thẩm định, phê duyệt các dự án FDI thì dòng vốn này chảy vào Việt Nam đã tăng lên rất nhanh. Cá biệt năm 2008, vốn FDI đăng ký lên đến 72 tỷ USD, nhưng vốn thực hiện chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, tức là chênh lệch đến 9 lần. Còn nếu tính lũy kế trong gần 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (từ năm 1988 đến nay), vốn FDI đăng ký đã đạt gần 300 tỷ USD, nhưng vốn thực hiện chỉ khoảng 165 tỷ USD. “Như vậy là còn khoảng 135 tỷ USD vốn đăng ký chưa thực hiện, nhưng thực chất đây chỉ là con số ảo. Trong số này, ước có khoảng 100 tỷ USD không thể thực hiện được”, GS, TSKH Nguyễn Mại khẳng định.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, tình trạng này đã dần được cải thiện. Thí dụ, năm 2014, nước ta thu hút được hơn 20 tỷ USD vốn đăng ký, vốn thực hiện đạt 12,5 tỷ USD; năm 2015, lần lượt là 23 tỷ USD và 14,5 tỷ USD; năm 2016 là 24,4 tỷ và 15,8 tỷ USD. Rõ ràng, thu hút FDI tại Việt Nam đang ngày càng thực chất hơn. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng, khi các nhà đầu tư có niềm tin vào môi trường kinh doanh tại Việt Nam, thể hiện qua việc triển khai rất nhanh dự án sau khi được cấp giấy phép đầu tư. 

Ngoài ra, quá trình thu hút FDI bắt đầu có chọn lọc hơn, tập trung vào những dự án chất lượng cao, nhà đầu tư có chiến lược đầu tư dài hạn tại Việt Nam và nhất là sự xuất hiện của các dự án đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D). Nếu như từ trước đến nay, nhiều tập đoàn nước ngoài như HP, Intel, Samsung,… đầu tư khá lớn cho hoạt động R&D tại Việt Nam, song gần như chỉ với tư cách một dự án thành phần thì hiện nay, các dự án R&D độc lập đã bắt đầu được xây dựng. 

Điển hình như dự án 300 triệu USD của Tập đoàn Samsung đầu tư xây dựng trung tâm R&D tại quận Hoàng Mai (Hà Nội). Sau khi hoàn thành, dự án thu hút hơn 3 nghìn kỹ sư đến làm việc và đây là nguồn nhân lực nghiên cứu công nghệ cao rất tốt phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Tiếp tục đà tăng trưởng

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF - thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bước sang năm 2017, tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo sẽ phục hồi tốt hơn năm 2016 nhờ sự cải thiện của một số nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, các nền kinh tế đang nổi và các nước có nhập khẩu dầu (do giá dầu hồi phục). 

Tăng trưởng kinh tế trong nước cũng sẽ khởi sắc hơn nhờ kỳ vọng đột phá từ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh...Vì vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, triển vọng tăng trưởng kinh tế tốt, môi trường đầu tư ngày càng được thuận lợi hóa và việc Việt Nam tham gia ngày càng tích cực vào các hiệp định tự do hóa thương mại, đầu tư song phương hay đa phương dự báo sẽ thúc đẩy mạnh mẽ dòng vốn FDI vào trong nước. 

GS Nguyễn Mại cho rằng: Việc thu hút FDI trong năm nay sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, kể cả trong trường hợp không có TPP. Bởi lẽ, với những điều kiện hiện nay về ổn định chính trị, kinh tế, so với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có ưu thế rõ rệt và nổi lên như một điểm sáng về thu hút FDI. Thêm vào đó, nếu không có TPP thì hiện tại Việt Nam cũng đã tham gia nhiều hiệp định thương mại (FTA) lớn khác với Liên minh châu Âu, Liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc hay Cộng đồng kinh tế ASEAN… Đây là những điều kiện rất thuận lợi và nếu tận dụng tốt những cơ hội của các FTA này mang lại thì việc thu hút FDI vẫn đạt kết quả khả quan. Một số chuyên gia kinh tế khác cũng nhận định, Việt Nam đang có lợi thế để trở thành điểm đến đầu tư mang tính chiến lược của các tập đoàn đa quốc gia; trong đó, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ tiếp tục là hai nước có vốn cam kết FDI vào Việt Nam nhiều hơn trong những năm tới.

Một số ý kiến cũng chỉ ra, mặc dù nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của đất nước, nhưng từ nhiều năm qua, FDI “rót” vào lĩnh vực này lại rất “nhỏ giọt”. Thống kê cho thấy, tuy tỷ trọng vốn FDI trong lĩnh vực nông nghiệp đang tăng nhẹ theo từng năm (năm 2012, chiếm 0,6%; năm 2016, chiếm hơn 1,2%); nhưng rõ ràng tổng vốn FDI vào nông nghiệp vẫn rất nhỏ so với tiềm năng vốn có cũng như nhu cầu của nông nghiệp Việt Nam. 

Bên cạnh đó, việc phân bổ dòng vốn FDI vào nông nghiệp cũng chưa đồng đều, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như chế biến gỗ và lâm sản, chăn nuôi và chế biến thức ăn chăn nuôi. Dòng vốn FDI vào các lĩnh vực chế biến nông sản và thủy sản còn hạn chế. Vì vậy, trong năm 2017 này, chúng ta cần ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, để lĩnh vực này có thể phát huy tốt thế mạnh vốn có, phát triển trở thành trụ cột vững chắc của nền kinh tế đất nước.

Theo số liệu của hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 26-12-2016, cả nước có 2.556 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 15,18 tỷ USD, tăng 27% về số dự án. Có 1.225 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 5,76 tỷ USD, tăng 50,5% về số dự án. Cũng trong năm 2016, có 2.547 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn mua cổ phần với tỷ lệ vốn lớn hơn 50% vốn điều lệ hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện với tổng vốn đầu tư là 3,425 tỷ USD.

Theo Thái Linh/ND


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...