Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kích cầu đầu tư, tăng thu nhập

Cập nhật: 15:03 ngày 03/02/2017
(BGĐT) - Thu nhập là tiêu chí cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng, nhiều xã NTM đã có cách làm sáng tạo, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế để tăng thu nhập cho người dân.
{keywords}

Nông dân xã Quang Châu (Việt Yên) thu hoạch nấm trong nhà lạnh.

Biến khó khăn thành lợi thế

Dẫn chúng tôi đi trên những con đường bê tông phong quang, sạch sẽ, hai bên có nhiều nhà cao tầng khang trang, ông Nguyễn Tài Hải, Chủ tịch UBND xã Quang Châu (Việt Yên) cho hay, mấy năm nay, cuộc sống của người dân đổi thay nhanh chóng. Trước đây, xã có 600 ha đất canh tác, chủ yếu là ruộng chiêm trũng chỉ cấy được một vụ lúa, còn lại là ngập úng. Khắc phục khó khăn này, UBND huyện và xã bố trí kinh phí cải tạo một số trạm bơm tiêu, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân canh tác 2 vụ. 

Tuy nhiên, năm 2005, một nửa diện tích bị thu hồi xây dựng khu, cụm công nghiệp. Xác định không thể tăng thu nhập từ cấy lúa, khai thác lợi thế nằm ven sông Cầu, xã khuyến khích người dân kinh doanh vật liệu xây dựng. Hiện toàn xã có hàng chục hộ kinh doanh cát, sỏi thu lãi từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi năm. Điển hình là gia đình bà Nguyễn Thị Công, thôn Đạo Ngạn 2 kinh doanh cát, sỏi và có một số xe ô tô chuyên chở vật liệu, thu lãi hàng tỷ đồng/năm. Nhiều hộ còn phát triển dịch vụ vận tải, làm mộc, cơ khí, xây nhà trọ cho công nhân khu công nghiệp thuê, thu nhập mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Nhờ đa dạng hóa ngành nghề, thu nhập bình quân đầu người ở xã Quang Châu đạt 30 triệu đồng/năm, vượt so với mốc chuẩn NTM gần 10 triệu đồng. 

Cũng là một trong những xã XDNTM, người dân xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) đã tích cực chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang sản xuất cá- cần thành vùng tập trung. Đây là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Trần Kim Lê, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Điểm mới là trước mỗi vụ sản xuất cần, xã đều lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ các hộ mua cây giống, vật tư chăm sóc, tập huấn quy trình sản xuất VietGAP. Do vậy ở các thôn đều hình thành vùng sản xuất tập trung. Nhiều hộ còn thuê lại đất trồng cần, nuôi cá”. 

Năm 2011, ông Nguyễn Văn Thông, thôn Thanh Lâm nhận chuyển nhượng 6 sào ruộng của người dân ở vùng lân cận sản xuất cá- cần trong khi nhà đã có 1 mẫu. Mỗi năm, gia đình ông thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Hiện ở Hoàng Lương có 160 ha chuyên canh cá- cần, cho thu lãi 300- 400 triệu đồng/ha/năm, trong đó có 30 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm rau cần được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu, bước đầu xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Với cách làm này, Hoàng Lương sớm hoàn thành tiêu chí thu nhập, bình quân đầu người hiện đạt khoảng 30 triệu đồng/năm, vượt so mốc chuẩn NTM. 

Khai thác thế mạnh về đất đai, nhân lực, nông dân ở nhiều xã NTM trong tỉnh còn mạnh dạn liên kết với doanh nghiệp (DN) đưa khoai tây chế biến vào trồng ở vụ đông cho thu nhập cao. Các xã Tư Mại (Yên Dũng), Tuấn Đạo, Vĩnh Khương (Sơn Động) mỗi năm trồng 30-50 ha khoai tây, thu lãi 70- 80 triệu đồng/ha/vụ. Xã Song Mai, Dĩnh Trì (TP Bắc Giang); Bích Sơn (Việt Yên) trồng hoa chất lượng cao, thu từ 150-400 triệu đồng/ha/năm. Xã Thanh Hải, Hồng Giang (Lục Ngạn) trồng cam V2, nuôi gà Nòi chân vàng; xã Cao Thượng (Tân Yên) nuôi thủy sản an toàn cũng có thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.

Đa dạng cách thức khuyến khích sản xuất

Xác định nâng cao thu nhập là một trong những tiêu chí cốt lõi giúp người dân cải thiện đời sống nên từ năm 2011 đến nay, bắt tay thực hiện chương trình XDNTM, UBND tỉnh, các huyện đã định hướng và có cơ chế khuyến khích phát triển kinh tế phù hợp cho các xã. Theo đó, nơi nào gần các khu công nghiệp, diện tích đất nông nghiệp ít tập trung phát triển dịch vụ, kinh doanh, nghề phụ. Xã thuận lợi về tưới tiêu, canh tác thì ưu tiên sản xuất nông nghiệp hàng hóa thành vùng tập trung. 

Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh cho biết, mỗi năm tỉnh bố trí từ 7,6 đến hơn 12 tỷ đồng hỗ trợ các xã XDNTM phát triển sản xuất. Để phát huy hiệu quả vốn hỗ trợ, Văn phòng cử cán bộ phối hợp với các huyện căn cứ quy hoạch tổng thể sản xuất nông nghiệp của tỉnh để chọn các sản phẩm mũi nhọn, vùng sản xuất phù hợp. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thu hút DN liên kết với nông dân hỗ trợ về kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Theo đó, hằng năm mỗi xã xây dựng 2-3 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và được hỗ trợ từ 100 đến gần 300 triệu đồng”. 

Cùng với giải pháp trên, hầu hết các huyện bố trí từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng mỗi năm để trợ giá cây trồng, vật nuôi cho nông dân sản xuất hàng hóa thông qua mô hình hợp tác xã, không rải "mành mành" như trước. Ví như huyện Việt Yên mỗi năm hỗ trợ nông dân 20%- 50% kinh phí đưa các giống lúa lai, lúa chất lượng vào gieo cấy quy mô từ 1 ha trở lên; 5 triệu đồng/ha trồng rau chế biến có liên kết với DN bao tiêu sản phẩm. Huyện Tân Yên hỗ trợ 3 triệu đồng/ha/vụ cho các tổ chức, cá nhân thuê đất trồng cây hàng hóa quy mô lớn; thưởng 3-5 triệu đồng cho các đơn vị tiêu thụ nông sản. Nhờ đó hiện huyện đã hình thành  hơn 100 vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thu nhập từ 150- 200 triệu đồng/ha/năm. Huyện Yên Dũng khuyến khích người dân dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất rau màu.

Nhờ năng động trong phát triển sản xuất, đến nay toàn tỉnh có 170/203 xã XDNTM hoàn thành tiêu chí thu nhập ở mức khá cao, từ 22 đến gần 40 triệu đồng/người/năm. Người dân được tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, thay đổi cách thức tổ chức, chuyển từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với bao tiêu sản phẩm. Để nhân rộng những cách làm hiệu quả, Sở Nông nghiệp và PTNT, các huyện, TP đang chỉ đạo đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa, khuyến khích các tập thể, cá nhân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây, con giống mới có năng suất, chất lượng cao để tăng thu nhập.

Hải Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...