Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Hướng tới hiệu quả bền vững

Cập nhật: 09:08 ngày 17/02/2017
(BGĐT) - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng thời gian qua đã góp phần nâng cao thu nhập trên đồng ruộng, vườn đồi. Vì vậy, đây là giải pháp quan trọng để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Bắc Giang.
{keywords}

Hộ dân thôn Đồng Bản, xã Bình Sơn (Lục Nam) chuẩn bị trồng cây có múi.

Dịp này, người dân xã Bình Sơn (Lục Nam) tất bật cải tạo vườn tạp để kịp thời trồng cây vụ xuân. Trên khoảnh đất rộng hơn một mẫu của gia đình anh Vũ Văn Trụ, thôn Xóm Làng có gần 20 người đang đẩy xe rùa chở cây giống, cuốc hố, vun cây. Tất cả đều tập trung cao cho công việc nên chẳng mấy chốc diện tích đất trống đã được phủ bằng màu xanh của cam Canh một năm tuổi. 

Anh Trụ hồ hởi: “Cây giống đưa về phải trồng ngay mới bảo đảm nên tôi thuê thêm nhân lực. Vụ trước, gia đình tôi thu hơn 300 triệu đồng từ bán cam, bưởi nên năm nay tiếp tục mở rộng diện tích”. Cũng như anh Trụ, hộ chị Phạm Thị Hằng, thôn Đồng Bản có lợi nhuận cao từ cây có múi. 

Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh Bắc Giang có kế hoạch chuyển đổi 1,5 nghìn ha đất lúa, hơn 3 nghìn ha cây ăn quả sang cây trồng khác. Đến nay, chưa có số liệu tổng hợp cụ thể song nội dung này được các huyện, TP chú trọng triển khai, điển hình là Lục Ngạn, Lục Nam, Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Dũng.

Dẫn khách thăm vườn, chị Hằng kể, mùa quả chín, cam trên cành sai trĩu khiến ai cũng vui. Riêng vụ cam, bưởi vừa qua, gia đình thu hơn 500 triệu đồng. Theo lời chị Hằng, năm 2014, vợ chồng chị mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng cây có múi. 

“Chi phí bỏ ra lớn nên ban đầu cả nhà lo lắm, sớm tối tranh thủ xắn đất đào rãnh, lên luống, bám vườn dồn sức chăm cây. Sau mấy vụ, tôi thấy mình đã đi đúng hướng. Thời gian tới, tôi cố gắng giữ ổn định hơn 2 ha cây ăn quả và tập trung chăm sóc để có thu nhập lâu dài”- chị Hằng nói.

Tổng hợp của UBND xã Bình Sơn, hai năm qua, toàn xã chuyển đổi gần 50 ha vườn tạp sang trồng cây có múi, nhãn muộn, tập trung tại thôn Bãi Dạn, Cống Thuận, Đồng Bản. Năm 2016, sản lượng cam, bưởi toàn xã đạt hơn 500 tấn, doanh thu hơn 13 tỷ đồng. Trong đó, hơn 20 hộ thu nhập từ 300-500 triệu đồng. 

Ông Vũ Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Là xã đặc biệt khó khăn của huyện, trước đây đời sống người dân chủ yếu trông vào mấy sào ruộng cấy lúa không ăn chắc hay rừng dẻ tự nhiên. Giờ đây, cây có múi, nhãn muộn đã mang lại cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn cho nhiều hộ dân. Do vậy, căn cứ vào chất đất, nhu cầu thị trường và giao thông thuận tiện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2016-2020 xác định tiếp tục rà soát, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây có múi khoảng 100 ha. 

Tuy nhiên, việc trồng cây gì trên đất, xã sẽ giám sát chặt chẽ, bảo đảm đúng quy hoạch”. Cùng với Bình Sơn, các xã Nghĩa Phương, Bảo Đài, Phương Sơn, nông dân chuyển cấy lúa sang trồng dược liệu, hoa, cây cảnh; giá trị thu nhập bình quân đạt từ 150-200 triệu đồng/ha.  

{keywords}
Nông dân thị trấn Bích Động (Việt Yên) thu nhập cao từ trồng hoa.

Tìm hiểu tại huyện Việt Yên, một số xã như Trung Sơn, Nghĩa Trung, Tự Lạn, thị trấn Bích Động nông dân thâm canh chuyên canh rau màu các loại, hoa thay vì cấy lúa. Ví như vùng rau trái vụ hơn 20 ha tại xã Trung Sơn quanh năm có sản phẩm cung cấp cho thị trường, là điểm đến của một số thương nhân, doanh nghiệp. Giá trị thu nhập đạt hơn 200 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp chục lần so với cây trồng trước. 

Đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã khẳng định hiệu quả, giúp người dân tăng thu nhập và có cuộc sống khấm khá hơn nên được người dân tích cực thực hiện. Ngay trong vụ xuân này, toàn tỉnh trồng khoảng một nghìn ha ngô, lạc trên chân đất lúa kém hiệu quả. Một số địa bàn đang tiếp tục đưa giống cây ăn quả mới vào trồng.

Một trong những vấn đề đặt ra là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng diễn ra thuận tiện nhưng sản phẩm khi thu hoạch vẫn chủ yếu phụ thuộc vào tư thương. Có nơi chuyển đổi nhanh nhưng chất lượng sản phẩm lại chưa được quan tâm, hạ tầng thủy lợi không theo kịp cũng là một trong những yếu tố gây bất lợi cho sản xuất. 

Từ thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng quá trình chuyển đổi cần tuân thủ theo quy hoạch dựa trên cơ sở tính toán kỹ nhu cầu thị trường; chú trọng chuyển từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng sang nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế. Lựa chọn, trồng các giống cây rải vụ, giảm áp lực về tiêu thụ; tăng cường các mối liên kết sản xuất gắn với đầu ra của sản phẩm. Có như vậy, việc chuyển đổi mới bền vững, tránh tình trạng trồng rồi phá và ngược lại.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...