Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 35 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cấp sổ đỏ sau dồn đổi ruộng: Gỡ vướng để đẩy nhanh tiến độ

Cập nhật: 09:11 ngày 27/02/2017
(BGĐT) - Sau ba năm tập trung dồn điền đổi thửa, hiện trạng đồng ruộng của các hộ dân đã thay đổi về vị trí, số thửa. Để quản lý chặt chẽ đất đai, tránh tình trạng tranh chấp, ngành chức năng, chính quyền các cấp trong tỉnh Bắc Giang đã và đang tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).

{keywords}

Đơn vị tư vấn đo đạc bản đồ sau dồn điền đổi thửa ở xã Cảnh Thụy (Yên Dũng).

Nhiều “rào cản” 

Từ năm 2014 đến 2016, toàn tỉnh dồn điền đổi thửa (DĐĐT) khoảng 12 nghìn ha ruộng, tập trung ở các huyện: Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang, Việt Yên, Lục Nam, Tân Yên. Thế nhưng việc cấp sổ đỏ cho các hộ đạt thấp. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh chỉ có hai huyện Lục Nam, Việt Yên cấp được gần 1,4 nghìn sổ đỏ cho các hộ với diện tích hơn 210 ha, các địa phương khác tiến độ rất chậm.

Nguyên nhân là do hầu hết các địa phương đều thiếu kinh phí thuê đơn vị tư vấn đo đạc bản đồ gắn với thiết lập hồ sơ cấp giấy. Theo ông Ngô Tùng Thỏa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), ngoài nguyên nhân trên, việc cấp giấy chậm còn do công tác quản lý đất đai trước đây bị buông lỏng, nhiều hồ sơ địa chính bị thất lạc, một số cá nhân chuyển nhượng, cho, tặng quyền sử dụng đất không làm thủ tục đúng quy định. Do đó, tại nhiều nơi đã đo đạc bản đồ địa chính như các xã: Tiến Dũng, Thắng Cương (Yên Dũng), Nghĩa Hòa, Phi Mô (Lạng Giang) gặp khó khi xác định chủ sử dụng, nguồn gốc thửa đất. 

Mặt khác, không ít hộ bị mất sổ đỏ cũ khiến đơn vị tư vấn mất nhiều thời gian xác nhận thông tin thửa đất, hoàn thiện thủ tục trình cấp giấy. Bên cạnh đó, tại một số xã của huyện Tân Yên, Lục Nam, Yên Dũng, sau khi đo đạc bản đồ địa chính, diện tích ruộng có sai số lớn (giảm hoặc tăng) so với phương án dồn đổi nên phải tổ chức hội nghị lấy ý kiến hộ dân ở khu dân cư đã làm chậm tiến độ cấp giấy. Ngoài ra, nhiều hộ dân chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc đăng ký cấp giấy sau DĐĐT nên không chủ động kê khai thông tin thửa đất.

Tăng nguồn lực, quy rõ trách nhiệm

Năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch cấp 25 nghìn giấy chứng nhận với diện tích khoảng 10 nghìn ha. Theo đó, tỉnh đã bố trí gần 2 tỷ đồng giao cho Sở TN&MT xây dựng mô hình điểm đo đạc gắn với thiết lập hồ sơ cấp giấy tại một số thôn của xã Quang Thịnh (Lạng Giang) và Nham Sơn (Yên Dũng) để tuyên truyền nhân rộng. Ngay từ đầu năm, các huyện, TP phân bổ kế hoạch chi tiết cho từng xã và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xếp loại thi đua người đứng đầu. 

Đặc biệt, để tháo “nút thắt” về kinh phí, các huyện có diện tích DĐĐT lớn như: Yên Dũng, Lạng Giang, Tân Yên, Hiệp Hòa, Việt Yên đã bố trí gần 22 tỷ đồng thuê đơn vị tư vấn đo đạc bản đồ, thiết lập hồ sơ. Đơn cử, đến nay huyện Yên Dũng đã dành hơn 3,7 tỷ đồng hỗ trợ xã Tiến Dũng, Thắng Cương, Cảnh Thụy đo, thiết lập xong gần 2 nghìn hồ sơ với diện tích gần 1,3 nghìn ha. Từ nay đến cuối năm, huyện bố trí thêm 5 tỷ đồng thực hiện công tác này ở các xã còn lại. Huyện Lạng Giang đã bố trí gần 4 tỷ đồng đo đạc, hoàn thiện khoảng 1 nghìn hồ sơ trình cấp giấy. Huyện Hiệp Hòa bố trí hơn 6 tỷ đồng đo đạc cho các xã.

Nhiều địa phương còn thành lập tổ công tác hỗ trợ các xã thiết lập hồ sơ, bảo đảm chính xác, kịp thời. Để rút ngắn thời gian, tránh tình trạng người dân kê khai sai số liệu, nhiều xã cử cán bộ phối hợp với đơn vị tư vấn giúp hoàn thiện thủ tục tại thôn. Ông Ngô Văn Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Dũng (Yên Dũng) cho biết: “Xã hiện có 1,7 nghìn hồ sơ được thiết lập thì có tới 400 trường hợp thiếu giấy tờ pháp lý để cấp giấy nên tổ công tác phải đến từng hộ hướng dẫn”. 

Trường hợp ông Kiều Văn Thành, thôn Huyện là ví dụ. Hiện ông đang canh tác hơn 3,8 nghìn m2 đất của bố mẹ để lại nhưng không có giấy tờ chuyển nhượng. Bố ông đã mất ở nước ngoài, mẹ đi làm ăn xa, tổ công tác đề nghị ông xin giấy xác nhận chứng tử của bố và giấy ủy quyền của mẹ để đủ điều kiện cấp giấy. Mới đây, ông Thành đã được cấp sổ đỏ. Từ đầu năm đến nay, xã có 350 sổ đỏ được cấp. Tương tự, xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) đã gỡ vướng cho hàng trăm hộ. Đơn cử như ông Vũ Văn Phong, thôn Hạ đang sử dụng 800 m2 đất ruộng của bố mẹ nhưng không có giấy chuyển nhượng hay tặng cho. Ông Phong đã được tổ tư vấn hướng dẫn hoàn thiện thủ tục.  

Cùng với giải pháp trên, ông Bùi Quang Huy, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, năm nay Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo công tác cấp giấy là nhiệm vụ trọng tâm đối với người đứng đầu của Sở. Để hoàn thành nhiệm vụ, Sở đang đẩy nhanh việc thiết lập hồ sơ cấp giấy tại hai mô hình điểm. Đồng thời làm việc trực tiếp với các huyện, đơn vị tư vấn, các xã để nắm bắt tiến độ, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Điểm mới năm nay, ngoài cử cán bộ tăng cường xuống xã, Sở ban hành văn bản hướng dẫn cơ sở xử lý một số vướng mắc thường gặp phải theo Luật Đất đai, tránh khiếu kiện. 

Ví như trường hợp người sử dụng đất đã chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho nhưng không làm thủ tục thì yêu cầu người đang sử dụng đất viết cam kết việc chuyển đổi là đúng sự thật và cơ quan chuyên môn xác minh lại. Ngoài ra, Sở tập trung thanh tra, đề nghị các huyện, TP xử lý nghiêm cá nhân vi phạm về cấp giấy. Bằng cách làm này, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã đo, thiết lập xong khoảng 10 nghìn hồ sơ, phấn đấu cấp giấy chứng nhận trong quý II.

Hải Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...