Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 27 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tầm nhìn mới cho gạo Việt

Cập nhật: 16:17 ngày 18/03/2017
Phát biểu tại Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức tại tỉnh An Giang mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói thẳng: “Hội nghị này bàn chuyện làm ăn trong môi trường cạnh tranh gay gắt, chứ không phải hội nghị vỗ tay”. 
{keywords}

Phấn đấu trong 10-20 năm tới hạt gạo Việt Nam sẽ đem lại những giá trị gia tăng tốt nhất.

Từ tinh thần đó, nhiều quyết sách quan trọng thể hiện một tầm nhìn mới được đưa ra với mong muốn nhanh chóng làm thay đổi cục diện “đóng băng” trầm kha của chuỗi sản xuất lúa gạo Việt Nam, làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia và của người nông dân.

Không ít câu hỏi làm đau đầu nhà chức trách đã được nêu ra trong Hội nghị: “Tại sao Việt Nam xuất khẩu gạo ra thị trường thế giới nhiều năm mà nay chưa có thương hiệu? Tại sao xuất khẩu gạo của Việt Nam không bền vững? Tại sao Campuchia đi sau ta 15 năm mà có thương hiệu mạnh đi thị trường châu Âu, còn ta đi quanh quẩn đây như thị trường Philippines?”… Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân là do quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, khó ứng dụng mô hình cơ giới hóa, chi phí sản xuất cao, lực lượng sản xuất cơ bản thiếu đào tạo, lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu...

Tuy nhiên, ở tầm quản lý vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ngành lúa gạo Việt Nam đang đòi hỏi một tư duy kiến tạo toàn diện từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành, phương thức quản trị và công nghệ sản xuất. Theo Thủ tướng, Việt Nam sẽ không chỉ là một quốc gia xuất khẩu lúa gạo đạt mức kim ngạch hàng đầu thế giới, mà còn phải phấn đấu trong 10-20 năm tới hạt gạo Việt Nam sẽ đem lại những giá trị gia tăng tốt nhất, dựa trên việc đáp ứng tinh tế các nhu cầu và tiêu chuẩn phổ quát về dinh dưỡng cũng như dược liệu, góp phần củng cố danh tiếng của một trong những nền văn minh nông nghiệp lâu đời nhất của thế giới.

Muốn vậy, không còn cách nào khác là phải quyết liệt đổi mới ngành sản xuất lúa gạo bằng các giải pháp đột phá về thể chế, chính sách, cả mô hình phát triển. Thủ tướng nhấn mạnh: “Ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới toàn diện”.

Xu hướng chung của thị trường lúa gạo thế giới là người tiêu dùng ngày càng lựa chọn sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ gần gũi với tập quán canh tác tự nhiên và có nguồn gốc xuất xứ minh bạch. Trong khi đó, vấn đề cốt lõi nhất của hạt gạo Việt Nam là vẫn còn dư lượng hóa chất do nông dân sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vô cơ để gia tăng năng suất.

Thương hiệu gạo Việt Nam từ nhiều năm qua cũng chưa được chú ý xây dựng đúng mức, nên ngày càng khó cạnh tranh hơn trên thị trường thế giới. Thậm chí, ngay cả việc cạnh tranh trên sân nhà, gạo Việt Nam cũng đang dần dần bị mất ưu thế bởi các sản phẩm ngày càng thuyết phục hơn của các quốc gia láng giềng.

Phân tích về  hiện tượng gạo Campuchia đang thâm nhập mạnh thị trường Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khó tính khác trên thế giới, GS. Võ Tòng Xuân cho biết: “Ở Campuchia, họ trồng giống lúa mùa, 6 tháng/vụ và một năm chỉ có 1 vụ mùa, nên thời tiết thuận lợi hơn, ít sâu bệnh hơn, ít phải bón phân và thuốc bảo vệ thực vật. Hơn nữa, thường những giống trồng dài ngày thì có chất lượng ngon hơn giống ngắn ngày. Trong khi đó ở Việt Nam, đất được tận dụng một năm 3 mùa vụ, chủ yếu là giống ngắn ngày. Để cho năng suất cao, người nông dân còn sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Mặt khác, gạo Campuchia đã trở nên nổi tiếng trên thế giới bởi 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới và có tới 8 thương hiệu để trưng bày tại Hội chợ thương mại lương thực được tổ chức ở Bangkok (Thái Lan)”. Rõ ràng, từ tập quán canh tác của nông dân cho tới chiến lược xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu lúa gạo, Campuchia đã có sự bắt đầu rất căn bản phù hợp với xu thế của thị trường.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, định hướng phát triển ngành lúa gạo Việt Nam đã rõ, nhưng quan trọng là triển khai các chủ trương đó chưa được như mong muốn. Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc phân tích, ngành hàng lúa gạo vẫn đang loay hoay, chưa có thương hiệu, giá trị xuất khẩu thấp, muốn sản xuất hàng hóa lớn thì ruộng đất lại manh mún. Trong khi đó, chi phí sản xuất cao, giảm tính cạnh tranh. Bằng chứng là cách đây ít hôm, khi đấu thầu xuất khẩu gạo vào thị trường Hàn Quốc, giá gạo cùng loại của Việt Nam lại cao hơn của Thái Lan.

Để giải quyết tình trạng manh mún và thói quen canh tác lạc hậu cần khuyến khích tổ chức sản xuất theo hướng hình thành những cánh đồng mẫu lớn, liên kết doanh nghiệp và nông dân, thuê đất lâu dài; tổ chức các mô hình hợp tác xã kiểu mới cùng với các doanh nghiệp; cơ giới hóa nông nghiệp đi liền với vấn đề đột phá là rút lao động ra khỏi nông nghiệp, nông thôn. Điều này lại đòi hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ thể chế, các quy định của pháp luật liên quan tới vấn đề đất đai, tín dụng, KH-CN, xây dựng thương hiệu và xuất khẩu lúa gạo.

Giờ G của ngành lúa gạo Việt Nam đã tới. Thực tiễn đòi hỏi các nhà chức trách, các thành viên trong chuỗi sản xuất lúa gạo cần phải có một tầm nhìn mới. Một tầm nhìn đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để hạt gạo Việt Nam đáp ứng sâu sắc nhu cầu tiêu dùng ở châu Á và thế giới, từ đó, đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho người nông dân trồng lúa ở Việt Nam cũng như các doanh nghiệp làm lúa gạo.

Theo Hữu Nguyên/ĐĐK


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...