Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 23 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bất cập ở xã Nghĩa Phương: Có nước sinh hoạt, thiếu nước sản xuất

Cập nhật: 14:44 ngày 20/03/2017
(BGĐT) - Gần đây, người dân ở xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã góp tiền, ngày công xây dựng công trình dẫn nước từ các khe suối cách nhà gần chục km về sử dụng. Theo đó, hơn một nghìn hộ có nước sạch để dùng song việc xây dựng, lắp đặt thiết bị tràn lan bắt đầu phát sinh hệ lụy.
{keywords}

Nước hồ Đá Cóc cạn kiệt.

Nước ngầm bị nhiễm đá vôi, gây đóng cặn ở đáy vật dụng đun nấu nên bao năm qua, người dân thôn Quỷnh Sành, Quỷnh Cả, xã Nghĩa Phương phải dùng can nhựa cỡ lớn chở nước từ giếng khơi chung của làng về nhà. Vận chuyển vất vả nên ai cũng có ý thức sử dụng tiết kiệm. Theo người dân nơi đây, khi phương tiện chưa phát triển như bây giờ thì các hộ phải dậy từ sáng sớm hoặc tranh thủ chiều tối gồng mình gánh từng thùng để lấy nước nấu ăn. Cuối năm 2016, qua đọc báo và học hỏi kinh nghiệm tại ở một số địa phương, vài người trong thôn Quỷnh Cả nghĩ tới phương án dẫn nước từ khe núi Huyền Đinh về dùng. 

Ý tưởng này được đông đảo người dân ủng hộ. Hơn 300 hộ tự nguyện đóng góp kinh phí xây công trình, lắp đường ống dẫn nước. Qua tính toán, mỗi hộ đóng 7,5 triệu đồng cho nhóm trưởng. Sau một tháng thi công, tháng 12-2016, công trình hoàn thành gồm các hạng mục chính như: Hai bể lắng, đường ống dẫn nước chính, ống nhánh đến từng hộ bằng hình thức tự chảy mà không cần dùng điện. Chị Đặng Thị Nhân, thôn Quỷnh Cả phấn khởi: “Từ khi có nước từ núi về đều đặn, gia đình tôi có nước sạch sử dụng hằng ngày, không còn lo chực chờ chở nước ở giếng nữa”. 

Tương tự, hàng trăm hộ dân thôn Quỷnh Sành cũng vận động nhau đóng góp để làm đường ống dẫn nước từ khe suối về dùng.  Ông Phạm Văn Đô, Phó trưởng thôn Quỷnh Sành cho biết: “Chúng tôi đã gửi mẫu nước đến cơ quan chức năng phân tích. Kết quả các chỉ số đều đạt theo quy định nên mọi người yên tâm sử dụng”.

Được biết đến nay, tại xã Nghĩa Phương có gần 20 công trình dẫn nước từ núi về. Men theo dãy núi Huyền Đinh là hệ thống ống vắt dọc ngang. Giá trị bình quân 400-500 triệu đồng/công trình. Toàn bộ kinh phí do người dân đóng góp. Bà Lê Thị Đông, thôn Ba Gò đóng hơn 10 triệu đồng tâm sự: "Từ Tết đến nay, gia đình tôi được sử dụng nước sạch. Bao nhiêu năm khổ vì thiếu nước nên dù phải đóng chi phí cao cho công trình, chúng tôi cũng đồng tình". 

Nhu cầu sử dụng nguồn nước sạch, bảo vệ sức khỏe của người dân là chính đáng. Trong khi vốn ngân sách hạn hẹp, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã chủ động bỏ kinh phí tự xây dựng, lắp đặt công trình để dẫn nước sạch. Đây là việc làm đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc xây dựng tràn lan tại xã bắt đầu phát sinh hệ lụy. Đó là hồ Đá Cóc cạn kiệt, hồ Suối Mỡ cũng có lượng nước thấp hơn 2 m so với cao trình thiết kế. Nguyên nhân của tình trạng này ngoài cống bị rò rỉ, ít mưa còn do người dân đắp bờ, chặn nước để sử dụng cho sinh hoạt dẫn đến nguồn sinh thủy còn lại bổ sung cho hồ rất ít. 

Ông Đồng Văn Hùng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Lục Nam cho biết: “Trước khi xây dựng hồ, đơn vị thiết kế đã tính toán kỹ về nguồn sinh thủy, bảo đảm khai thác công trình hiệu quả. Thế nhưng, nguồn đó lại bị chặn một phần để sử dụng trong sinh hoạt làm ảnh hưởng đến mực nước hồ”. Hiện hơn 30 ha lúa do hồ Đá Cóc cung cấp nước tưới có nguy cơ hạn hán. Riêng hồ Suối Mỡ, nước cũng đang cạn dần, ngoài khó khăn tưới cho cây trồng còn ảnh hưởng đến cảnh quan của khu du lịch sinh thái.

Trước thực trạng trên, Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã có buổi làm việc với UBND xã, đơn vị thủy nông. Các bên đi đến thống nhất, trước mắt Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Lục Nam đắp bờ điều tiết nước từ hồ Suối Mỡ tưới cho lúa thuộc phạm vi do hồ Đá Cóc cung cấp trong vụ xuân năm nay. 

{keywords}

Công trình do người dân tự xây dựng để chặn nguồn nước từ khe suối dẫn về làng.

Từ vụ việc này cho thấy, chính quyền cơ sở chưa sâu sát, không nắm bắt, định hướng kịp thời trong việc dẫn nước từ nguồn sinh thủy. Do vậy đã để các hộ xây dựng tràn lan không theo quy hoạch. Liên quan đến vấn đề này, ông Chu Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương cho biết, trước mắt, xã quản lý chặt, không cho làm mới công trình khác. Đối với công trình đã xây yêu cầu các tổ xây dựng quy chế quản lý, vận hành, công khai tài chính. 

Cùng đó, xã định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn cây trồng cần ít nước; đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, bảo vệ rừng dẻ tự nhiên. Bên cạnh đó, xã đề nghị đơn vị phụ trách hồ khắc phục tình trạng rò rỉ nước, tăng khả năng trữ nước trong mùa mưa. Nhiều ý kiến đề xuất, về lâu dài Nhà nước cần quan tâm, xây dựng công trình nước sạch tập trung quy mô lớn để bảo đảm đời sống, sinh hoạt của người dân. 

Xây dựng công trình nước sạch cần có khảo sát của cơ quan chuyên môn, dự liệu các tình huống chứ không thể tùy tiện. Có như vậy mới sử dụng nguồn nước hiệu quả, lâu dài, hài hòa mục đích dùng nước cho sản xuất và sinh hoạt. Đây cũng là vấn đề các địa phương, nhất là các xã miền núi cần lưu tâm khi triển khai các công trình nước sạch.

Quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước

1. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có các quyền sau đây:

a) Khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho các mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và mục đích khác theo quy định của Luật này (Luật Tài nguyên nước) và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Hưởng lợi từ việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

c) Được Nhà nước bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

d) Sử dụng số liệu, thông tin về tài nguyên nước theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;         

đ) Được dẫn nước chảy qua đất liền kề thuộc quyền quản lý, sử dụng của tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;

e) Khiếu nại, khởi kiện về các hành vi vi phạm quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước và các lợi ích hợp pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước có các nghĩa vụ sau đây:

a) Bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật;

b) Sử dụng nước đúng mục đích, tiết kiệm, an toàn và có hiệu quả;

c) Không gây cản trở hoặc làm thiệt hại đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;

d) Bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, sử dụng;

đ) Thực hiện nghĩa vụ về tài chính; bồi thường thiệt hại do mình gây ra trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định của pháp luật;

e) Cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học được Nhà nước cho phép;

g) Khi bổ sung, thay đổi mục đích, quy mô khai thác, sử dụng thì phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp không phải xin cấp giấy phép, không phải đăng ký theo quy định tại Điều 44 của Luật này;

h) Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước được cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước thì ngoài việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này, còn phải thực hiện đúng các nội dung trong giấy phép...       

       Nguồn: Luật Tài nguyên nước

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...