Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 32 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khó kiểm soát chất lượng nông sản ở "chợ trực tuyến”

Cập nhật: 06:00 ngày 21/03/2017
(BGĐT) - Với thao tác đơn giản như vào mạng xã hội, nhấp chuột và để lại lời nhắn, địa chỉ là người tiêu dùng dễ dàng mua nông sản từ “chợ” online (trực tuyến). Tuy nhiên, chất lượng những mặt hàng này khó kiểm soát, chỉ trông vào lương tâm của người bán.
{keywords}

Sản phẩm rau thủy canh do Công ty TNHH một thành viên Thiên An (TP Bắc Giang) sản xuất được nhiều người tiêu dùng tin tưởng đặt mua qua mạng.

Hàng thật không như quảng cáo

Nắm bắt được nhu cầu sử dụng nông sản sạch của người tiêu dùng, một số cá nhân lập tài khoản facebook hay zalo bán sản phẩm. Các trang đăng tải hình ảnh rau, củ, quả, thịt, cá… có màu sắc bắt mắt kèm lời lẽ rất “kêu” như: Sản phẩm sạch do nhà trồng; nhà mình tự làm, yên tâm về chất lượng, nguồn gốc… Chỉ cần để lại địa chỉ và mất thêm phí vận chuyển, trong thời gian ngắn, người tiêu dùng có thể mua được nhiều mặt hàng dù ở cách hàng chục cây số. 

{keywords}

“Chúng tôi chỉ quản lý chất lượng nông sản tại vùng sản xuất còn những sản phẩm bán trên mạng của các cá nhân thì chưa thể kiểm soát được. Vì vậy, người tiêu dùng nên mua hàng uy tín tại nơi được cấp các chứng chỉ và giám sát chặt chẽ về chất lượng".


Ông Đào Xuân Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT)

Tuy vậy, không phải ai cũng mua được món hàng ưng ý. Dịp Tết vừa qua, chị Triệu Thị Oanh, thôn Trại Cả, xã Đồng Lạc (Yên Thế) mua 20 quả bưởi qua mạng. Thế nhưng khi sử dụng, tôm bưởi vừa khô vừa đắng. Chị Oanh nói: “Đọc thông tin về sản phẩm thì thấy quảng bá là bưởi được hái từ cây trồng gần 10 năm, ngọt mát. Vậy mà bổ ra nếm thử tôi mới vỡ lẽ không phải vậy. Nhắn lại cho người bán thì nhận được câu trả lời là sẽ bù cho vài quả nữa nhưng rồi cũng mất hút luôn”. 

Anh Nguyễn Văn Tuấn, thôn Am, xã Xuân Hương (Lạng Giang) bị bệnh đau dạ dày. Qua một trang mạng, anh thấy quảng cáo có nghệ nếp với giá không cao nên đặt mua. Sau ba ngày hàng giao về tận nơi. Dùng trong tuần đầu, nghệ chưa có vấn đề gì nhưng sau đó sản phẩm chuyển màu, bắt đầu nổi váng nên anh không dám dùng. Theo lời anh Tuấn, có lẽ do làm thủ công, không theo quy trình bảo quản nào dẫn đến nghệ nhanh hỏng. Một số bà nội trợ ở TP Bắc Giang phản ánh khi đặt mua hải sản qua mạng Internet cũng nhận được hàng không tươi ngon như hình ảnh mời chào.

Thận trọng khi mua

Theo những người kinh doanh nông sản trên mạng chia sẻ, muốn được nhiều người quan tâm, một số trường hợp đã lập địa chỉ ảo hoặc nhờ người thân vào bình luận khen ngợi, cảm ơn vì có người bán cung cấp sản phẩm chất lượng. Sau đó vờ đặt mua hàng với số lượng lớn. Khi đọc được những comment, có người sẽ tin tưởng mua ngay. 

Chị Nguyễn Thị P, tiểu thương kinh doanh hoa quả tại chợ Hòa Yên, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) cho hay, một số người bán hàng online cứ quảng cáo ra rả trên mạng là quả quê, vườn nhà nhưng thực tế đã lấy hàng của chị tiếp tục mang đi bán với giá cao hơn. Hay có trang mạng đưa ảnh dưa sạch tại xã Hương Lạc, Tân Thịnh (Lạng Giang) là nhà trồng song lại lấy dưa tại các điểm cân thông thường giao cho khách. 

{keywords}

Nhiều trang mạng cá nhân quảng cáo bán thực phẩm sạch nhưng người tiêu dùng đều không nắm được nguồn gốc, quy trình sản xuất.

Không thể phủ nhận những tiện ích của “chợ” online mang lại. Nhờ vậy nhiều người có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, khách hàng tiết kiệm thời gian. Trong tỉnh đã có một số hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nông sản sạch phát huy được lợi thế của công nghệ thông tin, mang sản phẩm vươn xa như: HTX Chăn nuôi và Dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang); HTX Chăn nuôi Trường Thành, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa); HTX Sản xuất nấm Tiên Lục (Lạng Giang)… Những đơn vị này đều được cơ quan có thẩm quyền chứng thực các điều kiện theo quy định. Vậy nhưng, nhiều trường hợp khi mua hàng, người mua biết rõ người bán là ai, ở đâu nhưng nguồn gốc nguyên liệu, quá trình chế biến, dụng cụ để chế biến có bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) hay không thì đều không nắm được. Sản phẩm cũng không ghi hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đăng ký chất lượng ATVSTP. Do đó việc mua bán thực phẩm trực tuyến tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc bảo đảm ATVSTP khi mua bán qua mạng phụ thuộc hoàn toàn vào lương tâm nghề nghiệp của chính những người bán hàng.

Ông Đào Xuân Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT) thông tin: “Chúng tôi chỉ quản lý chất lượng nông sản tại vùng sản xuất còn những sản phẩm bán trên mạng của các cá nhân thì chưa thể kiểm soát được. Vì vậy, người tiêu dùng nên mua hàng tại nơi được cấp các chứng chỉ và giám sát chặt chẽ về chất lượng". Trước thực tế trên, các cơ quan chức năng cần có quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh qua mạng, nhất là đối với mặt hàng nông sản. 

{keywords}

Sản phẩm của Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Đa Mai (TP Bắc Giang) được người dân tin dùng.  Ảnh: Hà Mi.

Cũng theo ông Vinh, người tiêu dùng nên nhận thức đúng, không phải rau, củ, quả sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hay vật nuôi ăn cám công nghiệp là “bẩn”. Bởi lẽ nhà tự trồng ở ven đường chỉ “kiêng” được thuốc BVTV còn vẫn nhiễm khói bụi, chì và đất có thể nhiễm kim loại nặng. 

Ngoài ra, không phải rau phun thuốc BVTV là độc hại bởi sản xuất hàng hóa trên diện tích lớn buộc phải sử dụng thuốc BVTV để bảo đảm năng suất. Nếu tuân thủ nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng thời gian cách ly sau khi phun thuốc) thì sản phẩm đó bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Mặt khác, lợn do nhà nuôi mà không chăm sóc theo quy trình, tẩy giun sán định kỳ thì rất dễ nhiễm ký sinh trùng, truyền bệnh cho người.

Trường Sơn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...