Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Kinh tế
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

HTX liên kết sản xuất theo chuỗi: Doanh nghiệp, người dân cùng lợi

Cập nhật: 10:00 ngày 31/03/2017
(BGĐT) - Doanh nghiệp có nguồn nông sản đủ lớn, an toàn, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu; người dân tăng thu nhập mà không phải lo đầu ra của sản phẩm. Đó là những ưu điểm của hợp tác xã (HTX) nông nghiệp tổ chức sản xuất theo chuỗi được thí điểm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong hơn một năm qua.

{keywords}

Giám đốc HTX Quang Trung (Tân Yên) hướng dẫn người dân phát hiện sâu bệnh trên dưa.

Nhằm nâng cao hoạt động của HTX nông nghiệp, cuối năm 2015, Liên minh HTX tỉnh xây dựng hai đơn vị điểm mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, liên kết doanh nghiệp (DN) với nông dân trong thực hiện chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản tại Hiệp Hòa, Tân Yên. Đáng chú ý là trồng cây gì, quy mô ra sao đều được HTX lên kế hoạch từ đầu dựa trên hợp đồng ký kết với Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C (Lạng Giang). Mỗi cân sản phẩm, DN trích lại 500 đồng cho HTX để làm vốn hoạt động.

HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Quang Trung, xã Lan Giới (Tân Yên) là một trong những đơn vị thí điểm mô hình này với 7 thành viên. Ngoài đất, vốn góp của các thành viên, HTX thuê một phần diện tích khu canh tác của người dân thôn Đồn Hậu, Chính Lan để sản xuất thường xuyên khoảng 5 ha. Nhằm tạo thuận lợi cho sản xuất, huyện, tỉnh trích ngân sách hỗ trợ HTX cứng hóa đường giao thông, mương dẫn nước và đưa phương tiện cơ giới vào làm đất. 

Sau khi ổn định, HTX bắt tay ngay vào sản xuất. Trong điều kiện quỹ đất có hạn, HTX vận động người dân trong xã cùng làm theo và bảo đảm đầu ra cho nông sản. Trong vụ xuân, vụ đông năm 2016, HTX cùng bà con trồng khoảng 15 ha dưa chuột Nhật, dưa bao tử/vụ. Sản phẩm thu hoạch đến đâu DN thu mua hết đến đó, trừ chi phí, mỗi sào lãi hơn 6 triệu đồng/vụ. 

Chị Thân Thị Hằng, thôn Đồn Hậu (xã Lan Giới) cho biết: “Vụ đông vừa qua, gia đình tôi trồng hơn 3 sào dưa bao tử bò, trước đây trên chân đất này chỉ trồng khoai lang. Lợi nhuận thu về gần 20 triệu đồng nên vụ xuân năm nay, tôi tiếp tục trồng dưa để có thêm thu nhập”. Được biết, hiện HTX đang sản xuất 5 ha dưa bao tử ở xã Lan Giới, 6 ha tại xã Tiến Thắng (Yên Thế). Cây trồng đều sinh trưởng, phát triển tốt, chuẩn bị cho thu hoạch.

{keywords}

Vùng sản xuất ớt tại HTX nông nghiệp Hưng Thịnh, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa).

Cũng được chọn xây dựng mô hình điểm song HTX nông nghiệp Hưng Thịnh, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) lại kết nạp Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C là một thành viên với tỷ lệ vốn góp không quá 20%. HTX sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô 10 ha gồm: Dưa chuột, ớt, một số loại đậu. Các hộ tham gia được hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, thu hoạch; hỗ trợ giống, phân bón và một số nguyên vật liệu đầu vào. Ông Đặng Văn Hưng, Giám đốc HTX nói: "100% sản phẩm được bao tiêu. Lợi nhuận bình quân đạt hơn 120 triệu đồng/ha/vụ, cao gấp 5-6 lần so với độc canh cây lúa". 

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Dung, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, muốn sản xuất thành công, điểm mấu chốt là khâu tổ chức sản xuất phải có sự tham gia của DN vào chuỗi. Cách làm này ngoài mang lại thu nhập cao cho người dân, HTX thì DN cũng có lợi. Đó là không phải gom lẻ tẻ từng hộ mà trực tiếp giao dịch với HTX để có lượng sản phẩm đủ để kinh doanh. Bên cạnh đó, việc phối hợp tổ chức sản xuất, cơ cấu cây trồng thông qua HTX cũng rất thuận lợi. 

Sản xuất theo chuỗi giá trị đã mang lại lợi ích kép. Tuy nhiên quá trình thực hiện còn một số khó khăn như: Đa phần HTX chưa thiết lập được mối quan hệ tín dụng với các ngân hàng thương mại do không đủ điều kiện thế chấp tài sản nên thiếu vốn hoạt động. Công tác xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường còn nhiều hạn chế. Cùng đó, sản phẩm sản xuất ra chưa đồng đều khiến giá bán giảm. 

Chủ trì hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà lưu ý cần đẩy mạnh tuyên truyền cách làm hay trong tổ chức HTX; tập trung vào liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Liên minh HTX tỉnh rà soát các cơ chế chính sách hỗ trợ HTX, tích cực phổ biến để các địa phương thực hiện; quan tâm bồi dưỡng năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX. Cùng với biện pháp trên, một số ý kiến đề xuất cụ thể như: Cần có cơ chế ưu đãi đặc thù cho HTX kiểu mới được thuê đất lâu dài. Hỗ trợ xây dựng bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, vay vốn tín dụng ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...