Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang

Cập nhật: 20:59 ngày 05/04/2017
(BGĐT) - Ngày 5-4, đồng chí Dương Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang có buổi làm việc với đoàn công tác của Trường Đại học Lâm nghiệp (Hà Nội) do Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng nhà trường làm trưởng đoàn bàn giải pháp đẩy mạnh khả năng hợp tác trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp cho tỉnh Bắc Giang. 

{keywords}

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại buổi làm việc.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Dương Văn Thái thông tin sơ bộ về tình hình phát triển KT-XH của tỉnh. Trong đó nhấn mạnh, những năm qua, nông nghiệp, nông thôn của tỉnh có nhiều chuyển biến, hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa lớn như: Vải thiều, cam Lục Ngạn, gà đồi, chè Yên Thế, lạc giống Tân Yên, lúa thơm Yên Dũng, rau cần Hiệp Hòa…

Tuy nhiên, hiện nay tỉnh chưa khai thác hết lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đồng chí đề nghị Trường Đại học Lâm nghiệp hỗ trợ tỉnh làm tốt công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ để phát triển giống cây lâm nghiệp có chất lượng; vùng trồng cây dược liệu; kỹ thuật bảo quản, chế biến các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực.

Sau khi tìm hiểu tình hình thực tế và nghiên cứu báo cáo, cán bộ Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, tỉnh Bắc Giang hiện có diện tích đất rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp lớn (hơn 170 nghìn ha) thuận lợi để phát triển kinh tế lâm nghiệp và cây dược liệu. Tuy nhiên, việc quy hoạch vùng trồng cũng như đưa các giống cây có năng suất, chất lượng vào trồng thành vùng tập trung theo tiêu chuẩn an toàn trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. 

Công nghệ nhân giống một số loài cây lâm nghiệp, cây dược liệu bằng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào chưa được nhân rộng. Do đó chất lượng rừng trồng, sản phẩm dược liệu chưa cao. Đặc biệt, hiện toàn tỉnh mới có hơn 2 nghìn ha rừng được Hội đồng quản trị rừng Thế giới cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (chứng chỉ FSC) để tiêu thụ sang thị trường châu Âu. Diện tích rừng nghèo kiệt của tỉnh còn lớn.

Từ thực tế đó, Trường Đại học Lâm nghiệp đề xuất sẽ phối hợp với tỉnh thực hiện một số nội dung cụ thể để khai thác tiềm năng đất đai của tỉnh trong thời gian tới như: Xây dựng mô hình trồng cây dược liệu theo tiêu chuẩn Tổ chức Y tế Thế giới (GACP - WHO); chuyển giao quy trình công nghệ nhân giống một cây lâm nghiệp, cây dược liệu bằng kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào; chuyển giao công nghệ cải tạo rừng nghèo kiệt; sử dụng gỗ ván dán, ván ghép thanh. Ngoài ra, Trường có thể phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo nghề, đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực công nghiệp gỗ…

Đồng chí Dương Văn Thái cam kết thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ngành chức năng tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Lâm nghiệp để lựa chọn thực hiện các mô hình phát triển lâm nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên, địa lý của tỉnh Bắc Giang. Qua đó góp phần khai thác lợi thế đất rừng, cải tạo rừng nghèo kiệt, tăng thu nhập cho người dân. 

Nhân dịp này, UBND tỉnh và Trường Đại học Lâm nghiệp đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp đến năm 2022. 

Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...