Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 36 °C / 27 - 39 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang đưa hàng chủ lực vào kênh tiêu thụ hiện đại

Cập nhật: 08:45 ngày 07/04/2017
(BGĐT) - Bắc Giang có nhiều loại nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ chất lượng cao, mang đặc trưng riêng. Ngành công thương đang nỗ lực đưa các sản phẩm này vào kênh phân phối hiện đại, bảo đảm sản xuất bền vững, tiêu thụ thuận lợi.
{keywords}

Big C Bắc Giang nhập nhiều loại rau, củ, quả từ Hải Dương, Hà Nội về bán trong khi nông sản của tỉnh chưa đủ điều kiện để vào siêu thị.

Sản xuất, phân phối chưa gặp nhau 

Theo ông Phan Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Công thương, không phải đến thời điểm này mà nhiều năm qua, đơn vị đã quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm chủ lực tham gia nhiều hội chợ thương mại, triển lãm trong nước và quốc tế nhằm mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Thế nhưng lượng hàng hóa đưa vào các kênh phân phối hiện đại là siêu thị, trung tâm thương mại (TTTM) chưa nhiều, trong đó có lý do sản lượng thiếu ổn định, chất lượng chưa được kiểm định và không có nhãn hiệu hàng hóa, chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là đối với các loại nông sản. Về phía doanh nghiệp (DN) kinh doanh hàng hóa, những quy định này là không thể thiếu khi họ chọn lựa sản phẩm để cung ứng, tiêu thụ. Vì vậy, nhà sản xuất và phân phối chưa gặp nhau, hàng hóa vẫn khó đầu ra.

Rượu Kiên Thành là một trong những sản phẩm đặc sản với sản lượng khoảng 750 nghìn lít/năm, được khoảng 200 hộ dân xã Kiên Thành (Lục Ngạn) sản xuất theo cách truyền thống, có hương vị đặc trưng riêng. Nhiều năm qua, mặt hàng này chưa có bao bì, nhãn mác, chưa được kiểm định và công bố chất lượng. Các chủ hộ sản xuất và người mua giao dịch theo thỏa thuận “miệng” nhờ tin tưởng nhau. Một số sản phẩm rau, trái cây, chè của DN đầu mối như: Hợp tác xã (HTX) Thân Trường (Yên Thế), Công ty TNHH Thương mại Hùng Thảo (Lục Ngạn), HTX Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Đa Mai (TP Bắc Giang)… không có nhãn mác, chưa được cơ quan chuyên môn chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc thiếu điều kiện truy xuất nguồn gốc, hóa đơn thanh toán. Ông Trần Huy Hùng, Giám đốc Big C Bắc Giang khẳng định không riêng rượu Kiên Thành mà các loại hàng dạng “3 không” (không nhãn mác, hạn sử dụng, nguồn gốc) thì không thể đưa vào kênh tiêu thụ hiện đại bởi yêu cầu nghiêm ngặt về xuất xứ, nhãn hiệu và chất lượng hàng hóa. Hiện Big C đang bán dưa hấu, một số loại rau của Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Ngãi trong khi Bắc Giang cũng có sản phẩm này. Đáng lưu ý, không phải siêu thị, TTTM đặt ra mà đây là quy định của Nhà nước về sản xuất và kinh doanh hàng hóa. 

Các siêu thị, TTTM luôn mong muốn nhận sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương vào kênh phân phối song đồng thời nhà sản xuất cũng phải quyết tâm vượt qua rào cản về các quy định trong kinh doanh. Thực tế trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây, nhiều đơn vị cung ứng bị cắt hợp đồng bởi tư duy sản xuất thiếu chuyên nghiệp, “tự túc tự cấp” như: “Không đủ hàng do… trời mưa”, “tự phá hợp đồng với DN, bán cho đối tác khác được giá hơn”, “chưa kịp giao hàng vì bận… tập văn nghệ”. Muốn sản xuất, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa nhịp nhàng thì các HTX, DN cùng nỗ lực và không thể thiếu vai trò của chính quyền, ngành chức năng.

Quyết tâm đưa bốn mặt hàng vào Big C

Là tỉnh trọng điểm phát triển cây ăn quả, chăn nuôi ở miền Bắc và có nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tuy nhiên, mỗi năm, Bắc Giang mới có 135 tấn mỳ Chũ; 110 tấn trái cây (vải thiều, cam, táo, bưởi); 5 tấn rau; 18 tấn thịt bò và lợn; hơn 100 tấn gà đồi Yên Thế được đưa vào các siêu thị, TTTM, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ.

Để hỗ trợ các đơn vị, địa phương sản xuất và cung ứng các sản phẩm có thế mạnh của Bắc Giang, tháng 9-2016, UBND tỉnh xác định có 48 nhóm sản phẩm chủ lực, tiềm năng ưu tiên đưa vào các kênh phân phối. Cùng đó, Sở Công thương tham mưu với tỉnh và chủ trì thực hiện Đề án mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp trong 2 năm (2017-2018). Trước mắt, Sở Công thương quyết tâm hỗ trợ đưa bốn sản phẩm gồm: Mỳ Chũ, nấm, thịt lợn sạch và rau an toàn vào Big C trong năm nay. Từ đó làm cơ sở, kinh nghiệm để nhân rộng các sản phẩm chủ lực, tiềm năng của tỉnh vào hệ thống siêu thị nói chung. Sở đã làm việc với đại diện Big C, các đơn vị sản xuất, chính quyền những địa phương có sản phẩm trên nhằm tháo gỡ khó khăn trong khâu sản xuất, kiểm định chất lượng sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thủ tục cung ứng cho siêu thị, TTTM; tạo thuận lợi cho Big C khảo sát ở các địa phương ký hợp đồng tiêu thụ.

Quyết tâm vào cuộc mạnh mẽ của ngành công thương chưa đủ, bởi lẽ sản xuất và cung ứng hàng hóa chủ lực của tỉnh liên quan tới nhiều ngành, chính quyền các địa phương và chủ thể là những tổ chức, cá nhân, DN, HTX. Giám đốc HTX Mỳ Chũ Xuân Trường - ông Phạm Xuân Trường cho rằng, sản phẩm của đơn vị phụ thuộc nhiều vào thời tiết, chi phí đầu tư máy sấy lớn, HTX khó đáp ứng. Trong khi trên thị trường, hàng giả, hàng nhái mỳ Chũ bày bán tràn lan ảnh hưởng tới uy tín sản phẩm cũng như các siêu thị, đại lý bán hàng chính hiệu. Thực trạng này cần được cơ quan quản lý thị trường quan tâm xử lý. “HTX sẽ cố gắng nâng chất lượng, bảo đảm nguồn hàng nhưng phía Big C cần điều chỉnh giá mua cho phù hợp, nhận hàng ở Bắc Giang không thể đồng giá với nhận ở Hà Nội hay Vĩnh Phúc vì phí vận chuyển khác nhau”, ông Trường đề nghị. HTX Rau sạch Yên Dũng đang sản xuất rau an toàn, nguồn cung dồi dào, đã cung ứng sản phẩm cho một số bếp ăn tập thể, thương nhân. Giám đốc HTX đề xuất, chính quyền địa phương, ngành chức năng, Big C hỗ trợ các thủ tục pháp lý, các loại giấy chứng nhận hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm để đưa nông sản vào siêu thị, bảo đảm sản xuất ổn định hơn. 

Bước đầu đưa bốn sản phẩm chủ lực vào kênh phân phối hiện đại là cách làm có trọng tâm, tránh chồng chéo, từ đó nhân rộng. Bên cạnh vai trò chủ đạo trong hoạt động này của Sở Công thương, nhiều ý kiến cho rằng các ngành liên quan như: Nông nghiệp và PTNT, khoa học và công nghệ, y tế, Liên minh HTX tỉnh, chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ sản xuất để có sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn, nguồn hàng ổn định; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá sản phẩm chủ lực, thế mạnh của địa phương, đồng thời từng bước thay đổi tâm lý, thói quen sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, không theo hợp đồng.

{keywords}

Phó Chủ tịch UBND huyện  Yên Dũng Nguyễn Hữu Hưng

Yên Dũng có nhiều sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương có thể đưa vào các siêu thị, TTTM như: Gạo thơm, tương Trí Yên, rau an toàn… Tuy nhiên để “vào” được siêu thị, nhà sản xuất và DN tiêu thụ cần liên kết chặt chẽ hơn. Sản xuất phải “trông” đầu ra, có kế hoạch, sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu của siêu thị hay không? Siêu thị cũng phải có kế hoạch thu mua dài hạn, công bố rõ nhu cầu từng sản phẩm ra sao, không phải cần là có ngay. Chính quyền sẽ thông tin rộng rãi để nhà sản xuất và DN gặp nhau” .

{keywords}

Giám đốc Điều hành vùng miền Bắc Big C Lê Sĩ Hiển

Big C luôn ưu tiên đưa các sản phẩm đặc trưng vùng miền vào hệ thống siêu thị. Để làm được điều này, hàng phải bảo đảm chất lượng, đơn vị cung ứng có hợp đồng, hóa đơn theo quy định của nhà nước, cũng là bảo vệ DN, người tiêu dùng. Chúng tôi cam kết với người tiêu dùng không thiếu hàng, hàng có giá phù hợp, vậy phải cần những nhà sản xuất, cung ứng có tiềm năng. Big C luôn mong muốn đã thỏa thuận ký hợp đồng thì các bên cam kết tôn trọng thực hiện theo hợp đồng. Sở Công thương nên thành lập tổ công tác hỗ trợ đưa sản phẩm vào siêu thị”.

{keywords}

Giám đốc Công ty cổ phần Giang Sơn (Yên Thế) Nguyễn Thị Tâm.

Chúng tôi có kinh nghiệm nhiều năm đưa sản phẩm gà đồi Yên Thế vào các siêu thị ở Hà Nội, Hải Phòng và Thanh Hóa. Tuy nhiên hàng hóa này đến hạn  phải chứng nhận lại theo tiêu chuẩn VietGAHP, chi phí khoảng 400 triệu đồng/lần, rất tốn kém với một DN nhỏ. Bên cạnh gà đồi, Yên Thế còn có lợn bản, lợn rừng nuôi tại gia đình chất lượng tốt, có thể đưa vào siêu thị nhưng cũng vì chi phí cho các loại giấy tờ kiểm định rất lớn mà chúng tôi “lực bất tòng tâm”. Đề nghị chính quyền hỗ trợ các DN nhỏ, HTX hoàn thiện thủ tục này”. 

BẢO KHÁNH (ghi)

Cao Minh Ngọc
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...