Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sinh vật ngoại lai, ai quản?

Cập nhật: 09:46 ngày 10/04/2017
(BGĐT) - Thời gian gần đây, cơ quan chức năng trong tỉnh Bắc Giang liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều trường hợp nhân nuôi, kinh doanh sinh vật ngoại lai - sâu superworm để bán cho người chơi chim cảnh. Nếu hoạt động này không được kiểm soát chặt chẽ sẽ gây nguy hại cho sản xuất nông nghiệp và môi trường.

{keywords}

Hầu hết các cơ sở mua bán chim cảnh có bán sâu superworm.  Ảnh: Một điểm bán chim cảnh tại thị trấn Neo  (Yên Dũng).

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), trong quý I năm nay, đơn vị đã phối hợp kiểm tra hơn 10 cơ sở kinh doanh chim cảnh, phát hiện 4 điểm bán sâu superworm. Điển hình, hồi 9 giờ ngày 21-3, Chi cục phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (Công an tỉnh), Đội Quản lý thị trường số 8 (Chi cục Quản lý thị trường tỉnh) kiểm tra cơ sở gây nuôi sinh vật ngoại lai trái phép tại gia đình chị Đồng Thị Thanh (SN 1985) ở thôn Hạ, xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang), phát hiện cơ sở này có 20 kg sâu superworm. 

Hiện nay, loại sâu để làm thức ăn cho chim đều được coi là sinh vật lạ, chúng ăn tạp gây nguy hiểm cho môi trường, nguy cơ thất thu mùa màng nếu phát tán ra tự nhiên.

Tiếp đó, ngày 30-3, cán bộ Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Hiệp Hòa phát hiện cơ sở bán chim cảnh của gia đình ông Nguyễn Văn Kha ở thị trấn Thắng có bán sâu superworm. Tại đây, hơn 1 kg sâu đã bị tổ kiểm tra tiêu hủy. Bà Đỗ Thị Luyến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh cho biết: “Qua khảo sát, toàn tỉnh có khoảng 20 hộ nhân nuôi, buôn bán sâu làm thức ăn cho chim, nằm rải rác ở nhiều huyện, TP. Đây là loại chưa có tên trong sách vật nuôi nông nghiệp. Nếu phát tán ra môi trường sẽ gây hại cho nhiều loại cây trồng”.

Mục sở thị của phóng viên tại thị trấn Neo (Yên Dũng), xã Hồng Thái (Việt Yên), thị trấn Vôi (Lạng Giang) và một số điểm ở TP Bắc Giang cũng thấy nhiều cửa hàng bán chim cảnh kèm theo sâu superworm để làm thức ăn cho chim. Được biết, phần lớn các cửa hàng nhập sâu từ một số cơ sở nhân nuôi trên địa bàn và nhập lậu từ biên giới Lạng Sơn. Hiện giá bán dao động từ 20-25 nghìn đồng/lạng. “Tôi nuôi hơn chục con chim nên thường xuyên mua sâu về để bổ sung dinh dưỡng. Biết là loại sâu này có hại cho môi trường nhưng do không có thời gian đi bắt cào cào, châu chấu nên tôi vẫn mua về cho chim ăn”- ông Tuấn, một người chơi chim ở phường Xương Giang (TP Bắc Giang) cho biết.

{keywords}

Lực lượng chức năng thu giữ sâu superworm tại một cơ sở nhân nuôi sinh vật ngoại lai ở Lạng Giang.

Theo quy định của pháp luật, các loại sâu đều xếp vào nhóm đối tượng dịch hại và có nguy cơ lây lan cao nên bị cấm nhập khẩu, nhân nuôi. “Từ vài năm trước, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện người dân nhân nuôi, bán sâu superworm, chủ yếu nhập lậu từ Trung Quốc. Chi cục đã có công văn gửi tất cả các địa phương, yêu cầu tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các trường hợp kinh doanh, tiêu thụ. Tuy nhiên, do chế tài xử phạt thấp, trong khi chúng tôi chỉ có thể xử lý khi bắt quả tang việc nhân nuôi, mua bán nên nhiều cửa hàng vẫn kinh doanh loại sâu này”, bà Đỗ Thị Luyến cho biết thêm.

Để siết chặt kiểm tra hoạt động nhân nuôi sinh vật ngoại lai xâm hại, mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản đề nghị các địa phương, nhất là cán bộ Trạm Trồng trọt và BVTV các huyện, TP tăng cường các biện pháp kiểm soát, kiểm dịch thực phẩm đối với hàng nông sản nhập khẩu; tuyên truyền để người dân thấy được sự nguy hại của các loài ngoại lai xâm hại, từ đó nâng cao ý thức phòng ngừa. Thực hiện nội dung này, thời gian qua, cơ quan chuyên môn của tỉnh, các huyện, TP đã phối hợp kiểm tra, phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm. 

Ông Cao Minh Quảng, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và BVTV Lục Nam cho biết: “Trạm cử cán bộ thường xuyên bám sát cơ sở; rà soát, kiểm tra đồng loạt các cửa hàng kinh doanh, mua bán chim cảnh trên địa bàn. Đến nay, dù chưa phát hiện vi phạm song nguy cơ nuôi, kinh doanh sâu superwom vẫn luôn hiện hữu. Do vậy, ngoài biện pháp trên, chúng tôi đề nghị Hội Sinh vật cảnh huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn hội viên cách nuôi chim cảnh mà không nhất thiết sử dụng loài sâu này”.

Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...