Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 34 °C / 26 - 37 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Quản lý đất nông nghiệp ở Hiệp Hòa, Việt Yên: Không để phát sinh vi phạm

Cập nhật: 08:40 ngày 11/04/2017
(BGĐT) - Thời gian gần đây ở hai huyện Hiệp Hòa, Việt Yên (Bắc Giang) có nhiều hộ dân tự ý chuyển đổi đất lúa, đất công ích sang đất phi nông nghiệp. Vi phạm ngày càng diễn biến phức tạp nếu không quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm.
{keywords}

Công trình xây dựng trên đất lúa của ông Ngô Văn Quảng, thôn Đồng Giót, xã Bắc Lý (Hiệp Hòa).

Biến đất công thành của riêng

Từ năm 2016 đến nay ở xã Bắc Lý (Hiệp Hòa), nhiều thửa ruộng vốn là “bờ xôi, ruộng mật” bị một số hộ dân tự ý tân lấp, san phẳng xây nhà, làm lều quán và trồng cây lâu năm. Đơn cử ở thôn Đồng Giót có ba hộ đã chuyển đổi đất lúa sang làm nhà, dựng lều quán. Bám sát trục đường thôn là căn nhà xây dở dang trên diện tích gần 90 m2 đất lúa của gia đình ông Ngô Văn Quảng. Công trình này được ông Quảng xây dựng từ cuối năm ngoái. 

Ngay sau khi phát hiện vi phạm, UBND huyện Hiệp Hòa có quyết định xử phạt ông Quảng 15 triệu đồng và buộc trả lại hiện trạng đất trong vòng 10 ngày. Thế nhưng đến nay, ông Quảng vẫn không tháo dỡ công trình. Cách nhà ông Quảng không xa, gia đình ông Phùng Văn Năm cũng tự ý đổ đất, xây tường bao quanh và bắn mái tôn một phần diện tích trên thửa ruộng rộng gần 90 m2 ngay cạnh khu đất ở.

Tình trạng xâm lấn đất nông nghiệp làm ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Khi thửa đất đã bị làm biến dạng, thoái hóa sẽ rất khó khôi phục lại độ dày của tầng canh tác.

Tình trạng trên còn xảy ra ở xã Ngọc Sơn (Hiệp Hòa). Năm 2016, xã có gần chục hộ dân tự ý chuyển đổi đất lúa sang xây dựng xưởng sản xuất gỗ, nhà cấp 4, chuồng trại chăn nuôi, trồng cây lâu năm. Mỗi hộ xâm lấn hàng trăm m2 đất lúa. UBND huyện đã xử phạt, yêu cầu các hộ khôi phục lại hiện trạng đất song đến nay đã quá hạn gần một năm, các hộ chỉ nộp phạt còn phớt lờ việc khắc phục hậu quả. 

Theo ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Hiệp Hòa có 90 trường hợp vi phạm về đất đai, trong đó khoảng 30 trường hợp tự ý xây công trình trên đất lúa, còn lại là đào ao nuôi thủy sản, trồng cây lâu năm…

Tương tự, thời gian gần đây, tại huyện Việt Yên cũng có nhiều hộ dân tự ý chở đất đồi, đất gạch đá về tân lấp đất công ích, thậm chí có hộ còn xây móng nhà làm thay đổi hiện trạng đất. Điển hình như ở thôn Trung Đồng, xã Vân Trung. Từ tháng 7 đến tháng 10 năm ngoái, thôn có 84 hộ dân tự san lấp khoảng 9 nghìn m2 đất công ích ở khu vực đầm Sen bám sát trục đường giao thông. Tình trạng xâm lấn đất nông nghiệp còn xảy ra ở xã Bích Sơn với lỗi vi phạm như đào ao nuôi thủy sản, tân lấp, chuyển đổi đất trồng cây hằng năm sang trồng cây lâu năm.

Cần xử lý nghiêm sai phạm

Để xảy ra tình trạng trên do chính quyền địa phương, nhất là cấp xã còn buông lỏng quản lý, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm ngay từ khi mới manh nha. Đơn cử như ở hai xã Bắc Lý và Vân Trung, việc san lấp, xây dựng công trình của người dân kéo dài vài tháng nhưng xã chậm phát hiện. 

Ông Trương Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Bắc Lý lý giải, lực lượng của xã mỏng, hơn nữa không phải ngày nào lãnh đạo xã cũng đi kiểm tra nên không thể phát hiện sớm sai phạm. Bên cạnh đó, khi xử phạt, huyện lại chưa kiên quyết buộc hộ dân khắc phục hậu quả, thậm chí không kiểm tra dẫn tới “nhờn luật”. Lãnh đạo thôn ở một số nơi có biểu hiện bao che sai phạm. Các hộ dân sau khi xâm lấn thì viện nhiều lý do không chính đáng để chây ì khắc phục hậu quả. 

{keywords}

Khu đất công ích ở thôn Trung Đồng, xã Vân Trung (Việt Yên) bị người dân san lấp, thay đổi hiện trạng.

Việc xâm lấn đất nông nghiệp làm ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Khi thửa đất bị làm biến dạng, thoái hóa sẽ rất khó khôi phục lại độ dày của tầng canh tác. Để xử lý dứt điểm tình trạng này, tránh phát sinh vi phạm mới, ông Ngô Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa cho biết: “Mới đây, huyện đã thành lập ba tổ công tác do các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng để trực tiếp kiểm tra chuyên sâu việc quản lý, xử lý vi phạm về đất đai tại tất cả các xã, thị trấn. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, huyện giao cho phòng chuyên môn đôn đốc, hướng dẫn các xã xử lý vi phạm đúng quy định. Đồng thời quy rõ trách nhiệm, kỷ luật người đứng đầu cấp xã nếu chậm phát hiện, báo cáo và không xử lý triệt để vi phạm về đất đai. 

Cùng đó, huyện yêu cầu các xã ký cam kết tăng cường quản lý đất đai, tập trung ngăn chặn kịp thời sai phạm, không để cá nhân, tổ chức xây dựng xong công trình mới xử phạt, gây tốn kém kinh phí, phát sinh khiếu kiện. Đối với các hộ xây dựng công trình mà chậm khắc phục hậu quả, huyện yêu cầu các xã rà soát, lập phương án tổ chức cưỡng chế theo quy định. 

Trước những vi phạm về đất nông nghiệp tại thôn Trung Đồng, xã Vân Trung, huyện Việt Yên đang chỉ đạo xã tập trung kiểm tra, giám sát, ngăn chặn không để các hộ xây dựng công trình trên khu vực đã san lấp. Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện, do khu đầm Sen ở thôn Trung Đồng là vùng trũng, khó khăn sản xuất nông nghiệp nên trước mắt huyện yêu cầu các hộ lập hồ sơ cải tạo để trồng cây hằng năm xong trước 30-6 năm nay. Quá thời hạn trên, hộ nào chưa cải tạo để sản xuất nông nghiệp sẽ bị thu hồi đất theo quy định. 

Bên cạnh đó, tới đây, lãnh đạo huyện luân phiên kiểm tra công tác quản lý đất đai tại cơ sở định kỳ 1 lần/tháng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn sai phạm; yêu cầu các xã, thị trấn báo cáo thực trạng theo từng tuần. Nơi nào buông lỏng quản lý, chậm phát hiện sai phạm, huyện sẽ kiểm điểm, kỷ luật người đứng đầu. Cùng với các giải pháp trên, hai huyện cần làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về đất đai để người dân chấp hành nghiêm, tránh tình trạng vi phạm tràn lan, khó xử lý.

Minh Linh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...