Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giá gia súc giảm mạnh - người chăn nuôi lỗ lớn

Cập nhật: 08:46 ngày 19/04/2017
(BGĐT) - Nuôi gia súc vốn được kỳ vọng là mô hình giúp người dân giảm nghèo, phát triển kinh tế. Thế nhưng gần đây, giá bán sản phẩm này xuống thấp khiến người chăn nuôi lỗ lớn.
{keywords}

Một số hộ ở thôn Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) tự thịt lợn bán vì không gọi được thương lái mua lợn hơi.   Ảnh: Trường Sơn

Dưới giá thành vẫn...  khó bán 

Hơn một năm trước, thấy các mô hình chăn nuôi lợn trên địa bàn đem lại lợi nhuận cao, ông Hà Văn Đinh, thôn Vá, xã An Bá (Sơn Động) học hỏi kinh nghiệm rồi đầu tư xây chuồng trại nuôi hơn 30 con/lứa. Sau 6 tháng chăm sóc, đàn lợn lớn nhanh, thời điểm xuất chuồng đúng dịp Tết Nguyên đán nhưng sức tiêu thụ giảm, giá xuống thấp. Hớt hải tìm nguồn tiêu thụ, gia đình ông đành chấp nhận lỗ lớn khi xuất bán với giá 23 nghìn đồng/kg, giảm hơn một nửa so với thời điểm bắt đầu nuôi. Trong chuồng hiện vẫn còn 5 con lợn, mỗi con hơn 100 kg nhưng không bán được. Để giảm chi phí, hằng ngày ông nuôi bằng chế phẩm phụ nông nghiệp theo kiểu cầm chừng. 

Dù giá bán xuống thấp nhưng nhiều hộ không thể tiêu thụ, chỉ riêng thôn Vá đã tồn hàng chục tấn lợn. Tiếc của, nhiều hộ tự thịt bán, cấp đông ăn dần nhưng sức tiêu thụ không đáng kể, trong khi những con lợn “tồn kho” hằng ngày vẫn ngốn hàng chục kg cám, càng để lâu càng thêm lỗ. Bà Hoàng Thị Ninh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động xác nhận, toàn huyện hiện có 82,3 nghìn con lợn, chủ yếu được nuôi nhỏ lẻ nên khó cạnh tranh. Việc tiêu thụ hầu hết do thương lái thu gom, chuyển sang Trung Quốc nhưng từ cuối năm 2016 đến nay, thị trường này “đóng băng” khiến hàng nghìn con lợn đến kỳ xuất chuồng không bán được.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có hơn 1,3 triệu con lợn; đàn trâu, bò hơn 180 nghìn con, sản lượng thịt hơi khoảng 230 nghìn tấn. Hiện giá gia súc giảm mạnh khiến người chăn nuôi lỗ lớn.

Tại huyện Lục Ngạn cũng xảy ra tình trạng tương tự. Không chỉ giá lợn hơi, giá các loại gia súc khác như trâu, bò, ngựa, dê cũng "xuống dốc không phanh". Những ngày này, gia đình ông Vi Văn Mua, thôn Chả, xã Phong Vân (Lục Ngạn) thấp thỏm vì hai con ngựa đã đến ngày xuất bán mà giá xuống quá thấp. Ông chia sẻ: “Năm 2014, tôi tích góp, vay thêm họ hàng mua 5 con ngựa sinh sản về nuôi với giá hơn 20 triệu đồng/con. Như mọi năm, ngựa hơn một năm tuổi, cao khoảng 1 m bán gần 15 triệu đồng. Năm nay, thương lái trả giá gần 10 triệu đồng nên tôi chưa bán”. Hộ anh Vi Văn Ly ở cùng thôn cũng vay ngân hàng 30 triệu đồng mua 3 con trâu. Hằng ngày, anh vất vả chăm bẵm, mong đến ngày được bán để kiếm tiền trang trải cuộc sống, đáo hạn ngân hàng nhưng với giá bán như hiện nay, gia đình sẽ lỗ lớn nên tiếp tục nuôi chờ giá tăng trở lại. Được biết, huyện Lục Ngạn có hơn 172 nghìn con gia súc, tập trung ở các xã: Phong Minh, Tân Sơn, Phong Vân, Biên Sơn, Tân Hoa.   

Cần đổi mới cách thức chăn nuôi

Theo cơ quan chuyên môn, nguyên nhân dẫn đến gia súc xuống giá một phần là do suy thoái kinh tế khiến sức mua giảm. Mặt khác, chất lượng đàn vật nuôi trên địa bàn chưa cao, lượng thịt xẻ thấp do nuôi theo kinh nghiệm truyền thống, chuồng trại sơ sài. Đặc biệt, thời gian qua, việc đàn lợn phát triển quá nhanh dẫn đến khủng hoảng thừa. Việc tiêu thụ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến đầu ra thiếu ổn định. Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) nhận định: Qua khảo sát thị trường và một số cơ sở chăn nuôi cho thấy bên cạnh nguyên nhân chủ quan từ người chăn nuôi, có thể một số thương lái  lợi dụng tình hình để ép giá, kiếm lợi. Bên cạnh đó, số lượng lớn thịt bò, gà, lợn giá rẻ được nhập khẩu về Việt Nam thời gian qua cũng ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi trong nước.

{keywords}

Mô hình chăn nuôi lợn khép kín của gia đình chị Nguyễn Thị Huyền, thôn Ngòi Lan, xã Lan Giới (Tân Yên).    Ảnh: Minh Linh

Trước thực trạng này, Sở Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo người dân hạn chế tăng đàn; tập trung nâng cao chất lượng đàn gia súc; chủ động theo dõi, phát hiện kịp thời các điểm bùng phát dịch bệnh để sớm có biện pháp xử lý, phòng trừ. Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, điều quan trọng hiện nay là người dân phải đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; thực hiện tốt các quy hoạch chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; phát triển chăn nuôi theo quy trình VietGAHP. Tổ chức thực hiện tốt các chuỗi sản xuất chăn nuôi, tiêu thụ theo hướng khép kín, nhân rộng mô hình liên kết với các doanh nghiệp. Sở và các đơn vị trong ngành sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, các loại thức ăn, thuốc thú y lưu hành trên thị trường... góp phần tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng chất lượng cao.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ cấp bách như giới thiệu, hỗ trợ doanh nghiệp thu mua, dự trữ thịt gia súc nhằm ổn định, giữ giá thị trường; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định cho gia súc trong tỉnh. Hơn nữa, tiếp tục có biện pháp hỗ trợ con giống, kỹ thuật, bảo đảm phát triển đàn vật nuôi sát với nhu cầu thị trường.

Văn Thương - Nguyễn Tiến

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...