Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 27 °C / 27 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mạnh tay với rượu không tem, nhãn

Cập nhật: 09:45 ngày 25/04/2017
(BGĐT) - Sau khi ở một số địa phương trong cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc dẫn đến tử vong, các ngành chức năng tỉnh Bắc Giang đã tích cực vào cuộc kiểm tra, xử lý rượu không tem, nhãn. Hàng chục vụ vi phạm bị phát hiện đã tạo chuyển biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng đặc biệt này. 
{keywords}

Đội QLTT Chống buôn lậu (Chi cục QLTT) tạm giữ phương tiện vận chuyển rượu vi phạm.

Một tháng thu giữ hơn 2 nghìn lít rượu

Trước sự vào cuộc đồng bộ của các lực lượng chức năng, nhiều vụ sản xuất, kinh doanh rượu vi phạm với số lượng lớn bị phát hiện. Cụ thể, khoảng 10 giờ, ngày 23-3, Đội Quản lý thị trường (QLTT) chống buôn lậu (Chi cục QLTT), Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ (Công an tỉnh), Đội Cảnh sát giao thông (Công an huyện Tân Yên) phối hợp kiểm tra xe ô tô BKS 98H-3970 do tài xế Nguyễn Đình Thụy, thôn Hạ, xã Cao Thượng (Tân Yên) điều khiển. 

Qua kiểm tra phát hiện trên xe có 200 quả dừa chứa rượu, loại 500ml/quả mang nhãn hiệu “Rượu dừa Hương Việt”, sản xuất tại thôn Um Ngò, xã Việt Lập (Tân Yên); 320 lít rượu chứa trong can nhựa; 18 chai rượu làng Vân loại 500ml/chai không dán tem theo quy định. Kiểm tra cơ sở trên, lực lượng chức năng phát hiện thêm 150 quả dừa chứa rượu, tổ công tác đã lập biên bản thu giữ số hàng hóa vi phạm, xử phạt chủ cơ sở 30 triệu đồng. 

Tiếp đó, khoảng 9 giờ 15 phút, ngày 29-3, Đội QLTT chống buôn lậu, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế, chức vụ, Đội QLTT số 8 (Lạng Giang) phối hợp kiểm tra cở sở sản xuất rượu thủ công do ông Hoàng Văn Thủy, thôn Cầu Ngoài, xã Mỹ Thái (Lạng Giang) làm chủ. Qua kiểm tra phát hiện hơn 500 lít rượu ngâm chuối, nếp chứa trong can nhựa không dán tem thuế theo quy định. 

Cơ sở này cũng không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử phạt chủ cơ sở hơn 20 triệu đồng do không có giấy chứng nhận hộ sản xuất, kinh doanh rượu; bán rượu sản xuất thủ công cho đối tượng không phải là doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại theo quy định; tịch thu toàn bộ số rượu vi phạm. 

Thống kê của Chi cục QLTT, sau một tháng ra quân, xử lý, các lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện, xử phạt 13 vụ, thu tổng số tiền gần 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng tịch thu hơn 2,2 nghìn lít rượu vi phạm, tổng giá trị hơn 100 triệu đồng. 

Ông Tạ Văn Đức, Đội trưởng Đội QLTT chống buôn lậu cho biết, qua kiểm tra cho thấy vi phạm xảy ra ở hầu khắp các huyện, TP, tập trung nhiều ở Lục Ngạn, Việt Yên, Tân Yên, Lạng Giang và TP Bắc Giang. Lỗi chủ yếu là không có giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu; sản phẩm không có nhãn mác, tem thuế theo quy định... 

Ngăn chặn từ gốc

{keywords}

Với hơn 2,2 nghìn lít rượu thu giữ hiện nay, lực lượng QLTT đang gặp khó khăn trong giải quyết tang vật. Các sản phẩm đều bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nên không nằm trong danh mục phải tiêu hủy. Theo quy định hiện hành không cho phép phát mại nên rượu vẫn được niêm phong trong kho. Rất mong cơ quan có thẩm quyền sớm có cơ chế giải quyết phù hợp". 


Ông Chu Thanh Hiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh

Thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu. Bên cạnh kiểm soát tại cơ sở sản xuất, lực lượng chức năng tích cực kiểm tra các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, từng bước đưa hoạt động kinh doanh rượu, bia vào nền nếp. Ông Chu Thanh Hiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh cho biết, Chi cục đã yêu cầu các đội QLTT chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm soát, nắm chắc địa bàn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. 

Để bảo vệ thương hiệu “Rượu Kiên Thành” đã được xây dựng, nhiều năm, UBND huyện Lục Ngạn yêu cầu UBND xã Kiên Thành rà soát, thống kê, lập danh sách các hộ nấu rượu thủ công trên địa bàn trong tháng 4. Các hộ cũng cam kết thời gian tới sẽ hoàn thiện những thủ tục pháp lý liên quan, không sản xuất, buôn bán rượu chưa bảo đảm quy định ra thị trường; chú trọng xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm. 

Sở Công thương và UBND huyện Việt Yên cũng phối hợp triển khai các đề án hỗ trợ thành lập Hội sản xuất và tiêu thụ rượu làng Vân, xã Vân Hà. Cùng đó, giới thiệu công nghệ, hỗ trợ kinh phí đầu tư máy lọc rượu, khử độc tố, giúp người dân phát triển thương hiệu sản phẩm làng nghề. Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách trong quản lý rượu cũng đang được thực hiện. Ông Phan Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Cùng với việc yêu cầu lực lượng QLTT tăng cường kiểm soát mặt hàng rượu, Sở sẽ mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, tuyên truyền hướng dẫn các hộ, doanh nghiệp thực hiện đúng các thủ tục cấp phép liên quan. 

Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy, nhiều quy định về sản xuất, kinh doanh rượu chưa chặt chẽ, nhiều quy định gây khó cho người dân... Đơn vị sẽ tổng hợp, đề nghị Bộ Công thương sửa đổi, bổ sung, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cấp, ngành, lực lượng, góp phần quản lý chặt chẽ hơn mặt hàng đặc biệt này.

Hồng Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...