Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sơn Động phát triển vùng trồng chè

Cập nhật: 10:12 ngày 10/05/2017
(BGĐT) - Chè đang là một trong những cây trồng được huyện Sơn Động (Bắc Giang) chú trọng đầu tư sản xuất. Nhờ khai thác lợi thế về địa hình, khí hậu... nhiều giống mới được chính quyền và người dân đưa vào canh tác, hình thành vùng tập trung, giúp bà con phát triển kinh tế.
{keywords}

Nông dân thị trấn Thanh Sơn thu hoạch chè.

Hình thành vùng chuyên canh

Sơn Động là địa phương có quỹ đất dồi dào, đồi, núi chiếm phần lớn diện tích tự nhiên. Cùng đó, khí hậu nhiệt đới ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho sự phát triển của cây chè. Nhận thấy tiềm năng này, từ năm 2003, UBND huyện hỗ trợ nông dân chăm sóc diện tích chè già cỗi, đưa giống chè Bát Tiên vào trồng, nhân rộng. Ông Trần Ngọc Kiên, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chia sẻ: "Đến nay, địa phương có gần 30 ha chè, tập trung chủ yếu tại thị trấn Thanh Sơn, chiếm 90% tổng diện tích của cả huyện. Hằng năm, bằng nguồn vốn chương trình 30a, 135, huyện đã hỗ trợ hơn 30 nghìn cây giống, trồng mới gần 3 ha".

Đồng hành với người dân, UBND huyện hỗ trợ 20 máy hút chân không dùng đóng gói sản phẩm cho bà con. Năm 2016, UBND huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện dự án “Cải tạo, trồng mới 100 ha chè giống mới và xây dựng nhà máy chế biến chè trên địa bàn huyện Sơn Động”. Theo đó, người dân các xã: Thanh Luận, Bồng Am, Tuấn Đạo, thị trấn Thanh Sơn được hướng dẫn khoa học kỹ thuật trồng chè Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, PH10 theo phương pháp VietGAP và cải tạo 20 ha chè giống cũ. 

Được biết, nhận thấy tiềm năng phát triển của cây chè, thời gian qua, huyện Sơn Động đã chủ động phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp nghiên cứu đưa nhiều giống chè mới, chất lượng cao về trồng thử nghiệm. UBND huyện giao phòng chuyên môn căn cứ bản đồ nông hóa thổ nhưỡng của tỉnh xác định khu vực canh tác chè phù hợp, hình thành vùng sản xuất chuyên canh diện tích hơn 100 ha tại các xã: Thanh Luận, Bồng Am, Tuấn Mậu và thị trấn Thanh Sơn. 

Để vùng chè phát triển tốt, theo ông Nguyễn Việt Ước, Phó Chủ tịch UBND huyện, hiện huyện giao Hợp tác xã An toàn thực phẩm thị trấn Thanh Sơn đảm nhận nhiệm vụ quản lý, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Cùng đó, làm tốt công tác quảng bá, tìm đầu ra cho sản phẩm. Mới đây, UBND huyện cùng Sở Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng hệ thống nhà máy chế biến chè bằng dây chuyền tự động công suất lớn với tổng kinh phí đầu tư hơn 3 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động năm 2019. 

No ấm nhờ cây chè

{keywords}
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, địa phương phấn đấu hình thành vùng trồng chè hàng hóa quy mô khoảng 100 ha theo quy trình an toàn để xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế".

Ông Trần Ngọc Kiên,
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT

Gia đình bà Nguyễn Thị Miến, thôn Đồng Giang, thị trấn Thanh Sơn có 2 mẫu vườn tạp, nhà đông người nên hai vợ chồng xoay đủ nghề để kiếm tiền nuôi con ăn học. Năm 2008, sau khi tìm hiểu thông tin, tham quan mô hình sản xuất ở các tỉnh khác, bà quyết định cải tạo vườn, nhận thầu thêm hơn 1 mẫu đất giáp bờ sông gần nhà trồng chè Bát Tiên. Có cây trồng mới, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên chè sinh trưởng, phát triển tốt, không nhiễm sâu bệnh và sớm cho hái búp. 

Chủ vườn nói: "Chè là giống cây trồng lâu năm, thời gian thu hoạch kéo dài, không mang tính mùa vụ nên thuận lợi trong thu hái, tiêu thụ. Trung bình mỗi năm, gia đình tôi thu về hơn 2 tấn chè khô (giá bán từ 200 đến 220 nghìn đồng/kg) cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng". Nhận thấy hiệu quả giống cây trồng này rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương nên nhiều hộ dân lân cận cũng mở rộng diện tích canh tác thay thế cây sắn truyền thống.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động, giống chè Bát Tiên là cây trồng chủ lực của địa phương, ước tính mỗi năm nông dân nơi đây thu về hàng tỷ đồng. Tại thôn Thanh Bình, xã Thanh Luận, nhiều hộ dân cũng có thu nhập khá từ trồng chè. Cách đây 5 năm, gia đình ông Nguyễn Duy Ba, người dân trong thôn đã trồng 3 sào chè thay thế diện tích vải thiều già cỗi, kém hiệu quả. 

Ông Ba cho biết: “Tôi đầu tư mua cả máy vò, sấy vừa làm của nhà vừa mua thêm của các hộ xung quanh về sao. Bình quân mỗi năm tôi thu về từ 70 - 100 triệu đồng”. Được biết thời gian tới, sau khi thu hoạch xong hơn 1 ha rừng kinh tế, ông Ba tiếp tục dành thêm diện tích để trồng chè nằm trong vùng quy hoạch của huyện.

Hoàng Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...