Thứ bảy, 27/04/2024
Bắc giang 28 °C / 28 - 40 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Kinh tế
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hậu kiểm chặt chẽ, loại doanh nghiệp “ảo”

Cập nhật: 09:01 ngày 17/05/2017
(BGĐT) - Mỗi năm, Bắc Giang có hàng trăm doanh nghiệp (DN) thành lập mới. Số lượng DN đăng ký thành lập ngày càng tăng nhưng không ít đơn vị giải thể, ngừng hoạt động, cũng có nhiều DN “ảo”, tức là có đăng ký nhưng thực chất chưa khi nào hoạt động hoặc không xác định được địa chỉ theo giấy đăng ký kinh doanh.

{keywords}

Số nhà 309, đường Hoàng Văn Thụ được Công ty TNHH A&O Số 1 đăng ký địa chỉ trụ sở nhưng đó là gian trưng bày, bán sản phẩm của một DN khác.

Thành lập và... biến mất

Theo chức năng và nhiệm vụ của mình, đối với DN đã đăng ký kinh doanh nhưng không nộp hồ sơ kê khai thuế, Chi cục Thuế TP Bắc Giang có trách nhiệm xác minh để kê khai thực hiện nghĩa vụ với nhà nước theo đúng quy định. Quý I năm nay, đơn vị phát hiện 40 trường hợp DN có đăng ký nhưng không hoạt động, không xác định được địa chỉ theo giấy phép kinh doanh. Đơn cử, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại AGF có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 2400802770 do Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cấp tháng 11-2016. Ngành nghề kinh doanh bán buôn thực phẩm tại địa chỉ 132, đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bắc Giang. 

Ngày 24-3, Chi cục Thuế xác minh tại địa chỉ trên không có DN này. Tương tự, Công ty TNHH một thành viên G-Đ-N-S được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 2-10-2014 với ngành nghề bán buôn kim loại và quặng kim loại tại địa chỉ số 71, đường Nguyễn Khắc Nhu, phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang. Quý IV năm 2016, DN này chưa nộp hồ sơ kê khai thuế. Chi cục Thuế TP nhiều lần có thông báo nhưng Công ty không thực hiện. Qua kiểm tra, DN này không còn kinh doanh và không treo biển hiệu như đã đăng ký.

Công ty TNHH A&O Số 1 thành lập gần một năm tại địa chỉ 309, đường Hoàng Văn Thụ, phường Xương Giang (TP Bắc Giang) với nghề đăng ký theo giấy phép là bán buôn đồ dùng cho gia đình. Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên, tại địa chỉ trên là cửa hàng bán và trưng bày thiết bị vệ sinh của một DN khác đã thuê từ trước khi Công ty TNHH A&O Số 1 thành lập, không có biển hiệu của Công ty này. 

Bà Nguyễn Thị Diện, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Bắc Giang cho biết, theo quản lý của ngành thuế, TP có khoảng 1,2 nghìn DN đang hoạt động. Mặc dù hằng tháng, số DN thành lập mới khá cao nhưng trường hợp ngừng hoạt động, giải thể hoặc không rõ địa chỉ cũng tương đương. Nhiều trường hợp Chi cục liên lạc để hai bên thực hiện nghĩa vụ kê khai, nộp thuế nhưng đại diện của DN “không thiện chí hợp tác, không nghe máy, không cung cấp địa chỉ”.

Căn cứ tự khai khó chính xác 

Năm nay, tỉnh đề ra mục tiêu thành lập mới khoảng 1 nghìn DN, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh các DN hiện có. Để hoàn thành chỉ tiêu này, ngoài việc các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn, khuyến khích thành lập mới, cần siết chặt công tác hậu kiểm DN đăng ký kinh doanh.

Tình trạng DN “ảo” không chỉ ở TP Bắc Giang mà xuất hiện khắp các địa phương trong tỉnh. Hiện Bắc Giang có khoảng 4,5 nghìn DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng có ý kiến cho rằng con số đó chỉ chiếm khoảng 60-70% so với tổng số DN đã đăng ký thành lập. Như vậy số DN giải thể, ngừng kinh doanh hoặc không hoạt động rất lớn. DN “ảo” tạo gánh nặng cho cơ quản quản lý Nhà nước trong việc cấp phép, quản lý, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thành phần kinh tế này. Đồng thời tiềm ẩn những yếu tố phức tạp về an ninh kinh tế như lừa đảo mua bán hóa đơn, chiếm đoạt tài sản, tranh chấp dẫn đến khiếu kiện...

Theo ông Nguyễn Duy Nam, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH&ĐT), việc chấp hành luật pháp của DN sau khi đăng ký kinh doanh chưa nghiêm túc do nhận thức của chủ DN còn hạn chế, không nghiên cứu kỹ những quy định của Luật Doanh nghiệp và các văn bản liên quan. “Nhờ tính thông thoáng của Luật nên cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ dựa trên việc tự kê khai của DN trước khi đăng ký để xác định vốn điều lệ. Bởi vậy, nhiều đơn vị đăng ký vốn điều lệ chỉ là “ảo”, chưa phản ánh đúng năng lực tài chính của DN, việc kiểm tra cũng rất khó khăn”, ông Nam cho biết. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra DN hậu đăng ký kinh doanh thiếu kịp thời, chưa rộng khắp, nhân lực thực hiện mỏng, mức xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Khắc phục tình trạng này, năm qua, đơn vị chức năng của Sở KH&ĐT đã kiểm tra gần 200 DN sau đăng ký kinh doanh ở huyện Tân Yên, Yên Dũng, Việt Yên và TP Bắc Giang, trong đó 15 đơn vị không có biển hiệu, 84 trường hợp (43%) tạm ngừng hoạt động mà không thông báo với cơ quan chuyên môn. Qua đó kiến nghị xử lý DN vi phạm theo quy định. Nhiều ý kiến cho rằng công tác này cần được tăng cường, kiểm tra thường xuyên với số lượng lớn hơn. Khi phát hiện DN sau đăng ký nếu đủ thời gian quy định mà không đi vào hoạt động sẽ rút giấy phép nhằm từng bước loại DN “ảo”.  

Về phía ngành thuế  cần siết chặt quản lý, sử dụng hóa đơn tại các DN, tránh lợi dụng thành lập DN để lấy tư cách pháp nhân mua hóa đơn giá trị gia tăng bán lại cho các DN khác thu lợi bất chính.

Bảo Khánh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...